Công nghệ “đói” tiền vì Chiến tranh thương mại đang "bóp nghẹt" những khoản đầu tư nước ngoài của cả Mỹ và Trung Quốc
Theo thống kê của các chuyên gia, số lượng thương vụ đầu tư vào cả hai nước của Trung Quốc và Mỹ đều sụt giảm mạnh, đầu tư của các công ty Trung Quốc vào phân khúc chất bán dẫn và phần cứng công nghệ của Mỹ đã giảm tới gần 5 lần trong năm 2018.
Khi những căng thẳng trong chính sách thương mại và công nghệ tiếp tục leo thang, Mỹ đưa ra những nỗ lực Mỹ đưa ra nhằm ngăn chặn sự tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ mới nhất của mình. Chính điều này đã gây cản trở cho những khoản đầu tư xuyên biên giới của cả hai quốc gia. Theo các nhà phân tích và quan sát thị trường, sự đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ tạo ra sự chia rẽ trong một khoảng thời gian dài đối với việc nghiên cứu và phát triển ở cả những công ty công nghệ hàng đầu ở Thâm Quyến và Thung lũng Silicon.
Những khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc vào phân khúc chất bán dẫn và phần cứng công nghệ của Mỹ đã giảm tới gần 5 lần trong năm 2018, từ 1,03 tỷ USD xuống chỉ còn 203,4 triệu USD, theo dữ liệu được S&P Global Market Intelligence công bố gần đây nhất. S&P Global cho biết, hồi năm ngoái, phần mềm và dịch vụ là lĩnh vực duy nhất công nghệ Mỹ chứng kiến đà tăng đáng kể trong đầu tư liên kết với Trung Quốc, chủ yếu đến từ khoản đầu tư 8 tỷ USD vào Uber của "gã khổng lồ" Tencent.
Matthew Doull, trưởng nhóm internet và truyền thông kỹ thuật số tại ngân hàng BDA Partners Hồng Kông, cho biết nhiều công ty Mỹ và Trung Quốc dù đã cân nhắc về vấn đề này nhưng lại đang trì hoãn những thương vụ sáp nhập xuyên biên giới, kể cả khi họ "không bị ảnh hưởng bởi sự nhạy cảm của vấn đề quân sự hay tình báo."
Sau khi Tổng thống Donald Trump áp đặt các mức thuế quan đối với khoảng một nửa số hàng hoá xuất khẩu sang Mỹ, các khoản đầu tư của Trung Quốc bắt đầu chứng kiến đà sụt giảm. Các nhà lập pháp của Mỹ cũng đưa ra cảnh báo đối với những nỗ lực trong thoả thuận mua lại trong lĩnh vực công nghệ và phát triển cơ sở sản xuất của Trung Quốc, đặc biệt là chương trình "Made in China 2025". Đề phòng với tham vọng này, phía Mỹ đã tăng cường kiểm duyệt những thương vụ sáp nhập và đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Thêm vào đó, Mỹ còn xây dựng các quy tắc mới nhằm hạn chế Trung Quốc và các nước khác có thể xuất khẩu công nghệ.
Sau một loạt những bê bối, Mỹ cũng ra lệnh cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị của các công ty viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE và hiện vẫn đang giải quyết những mâu thuẫn với Huawei. Đồng thời, Bắc Kinh cũng hạn chế khả năng thực hiện giao dịch nước ngoài của các công ty trong nước, khoản tiền hỗ trợ cho đầu tư cũng bị cắt giảm. Đây là một phần của chiến dịch cắt giảm đòn bẩy được đưa ra hồi năm 2016, khiến một số công ty bắt buộc phải bán cổ phần nước ngoài.
Christopher Kelly, trưởng nhóm M&A tại công ty luật White&Case ở châu Á, cho biết công nghệ đang trở thành một "mặt trận mới" với sự phát triển được hình thành trên khắp thế giới để các công ty cạnh tranh với nhau. Kelly nói: "Bạn có thể tưởng tượng một nhà phát triển AI muốn mua một phần của công nghệ mà họ không thể có được từ các nhà sản xuất ở Thung lũng Silicon? Điều đó sẽ không xảy ra. Và ngược lại, một công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon cũng chẳng bao giờ mua thứ gì đó ở Thâm Quyến." White&Case còn nhận thấy các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã "giảm đột ngột và đáng kể".
"Chúng tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan về các thương vụ M&A và đặc biệt là các khoản đầu tư của các quỹ đầu tư private equity, bởi mỗi khi rào cản được gỡ bỏ và cục diện thay đổi, thì lại xuất hiện những cơ hội chưa từng có dành cho các nhà đầu tư", Kelly nói.
Không chỉ có Mỹ, chính quyền châu Âu cũng đang tăng cường kiểm duyệt các thương vụ liên quan đến công nghệ và cơ sở hạ tầng quan trọng. Theo một báo cáo mới của Tập đoàn Rhodium và Viện Mercator về Nghiên cứu Trung Quốc, nguồn vốn FDI của các công ty Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 40% xuống còn 17,3 tỷ euro (19,4 tỷ USD) vào năm ngoái. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng 82% các thương vụ M&A của Trung Quốc tại châu Âu năm ngoái sẽ phải đối mặt với sự kiểm duyệt gắt gao từ chính quyền, do các quy tắc mới dự kiến sẽ có hiệu lực trong 18 tháng tới.
Hơn nữa, số lượng thương vụ của các công ty Trung Quốc mua lại các công ty công nghệ của Mỹ vào năm ngoái cũng giảm 1/3, chỉ còn 11 thương vụ trị giá 688,8 triệu USD, trong đó bao gồm cả nợ, theo Refinitv. Còn năm 2017 là 33 thương vụ với 1,75 tỷ USD. Những thương vụ tương tự được thực hiện bởi các công ty Mỹ cũng sụt giảm, chỉ còn 10 thương vụ trị giá 50 triệu USD, trong khi năm 2017 là 14 với 565,1 triệu USD.
Eleanor Olcott, nhà phân tích chính sách của Trung Quốc tại TS Lombard ở London, viết trong một báo cáo rằng một lĩnh vực bất ổn đối với lĩnh vực công nghệ là Mỹ sẽ thực thi luật kiểm soát hàng nhập khẩu mới thế nào, luật này nhắm vào "các công nghệ mang tính nền tảng và mới nổi". Hầu hết doanh số bán chip ngày nay không nên chịu sự kiểm soát về xuất khẩu, nhưng điều đó có thể được áp dụng trong sự phát triển của công nghệ tiên tiến hơn.
Bà nói thêm: "Tuy nhiên, khi nói đến lĩnh vực AI, các công ty Trung Quốc lại phải dựa vào chip của Mỹ để đào tạo các mô hình từ dữ liệu và vận hành các thuật toán AI trên các thiết bị. Có thể các công ty phát triển AI - như Huawei, SenseTime và Hikvision, sẽ bị ảnh hưởng. Đối với các công ty ở Thung lũng Silicon đang tìm cách vượt qua những hạn chế, họ sẽ phải đưa ra các chiến lược mới như chuyển các hoạt động ra bên ngoài nước Mỹ."
Pascale Fung, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu AI tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, phát biểu tại một hội nghị tuần trước rằng các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Trung Quốc, ngay cả khi chính phủ của họ không tiến tới sự đồng thuận, thì họ vẫn phải hợp tác trong nghiên cứu về AI, để tránh những rủi ro trong tương lai.