Vì sao Trung Quốc đang trở thành miền đất hứa cho các startup Mỹ?
Chi phí sản xuất rẻ và môi trường hỗ trợ thuận lợi là những yếu tố thúc đẩy các startup công nghệ Mỹ phát triển sản phẩm ở Trung Quốc.
Sau khi lấy bằng thạc sĩ về robot học ở Đại học Northwestern, Mỹ, Jackie Wu đã không nộp đơn xin việc vào các tập đoàn công nghệ lớn như bao sinh viên khác. Thay vào đó, anh sáng lập nên Eighty Nine Robotics cùng với một cựu hacker phần cứng trong quân đội Mỹ và một nhân viên marketing của Google. Giờ đây, đứng đầu một start-up có hàng nghìn giờ thử nghiệm các nghiên cứu về robot, tên lửa, hệ thống điện, phần cứng/phần mềm và cả chế tạo ô tô, Jackie muốn thiết kế và xây dựng dự án thương mại đầu tiên của nhóm: drone giám sát nhà ở đầu tiên trên thế giới.
Nhóm đã đặt tên cho sản phẩm này là Rook. Ý tưởng trên bắt đầu vào năm 2014 khi Jackie phát hiện thấy trong số hai triệu drone được bán ở Mỹ, không có cái nào được kết nối Internet hoặc có thể được sử dụng từ xa. Vì thế, Eighty Nine Robotics được lập ra để thiết kế một mẫu drone như thế.
Nhìn bề ngoài, Rook cũng giống như bao chiếc drone thông thường khác mà đôi khi ta vẫn thấy chúng bay lượn quanh các công viên giống như những chiếc máy bay điều khiển từ xa. Điểm khác biệt là ở chỗ nó thể được điều khiển từ bất cứ nơi nào trên thế giới bằng điện thoại di động thông qua Wifi phát trong nhà. Mục đích sử dụng lý tưởng của nó là một thiết bị kiểm tra nhà ở khi người dùng đi vắng. Tất cả những gì người dùng cần là mở ứng dụng trên điện thoại và chỉ trong tích tắc, họ có thể điều khiển Rook bay quanh nhà và quan sát mọi thứ bằng camera tích hợp trên đó. “Chúng tôi ước mình có thể điều khiển drone quanh nhà khi đi vắng và Rook ra đời từ ý tưởng đó”, Jackie nói.
Ban đầu, Jackie và nhóm của mình từng nghĩ Rook sẽ được dùng làm thiết bị giám sát vật nuôi trong nhà. Nhưng sau khi thực hiện một số nghiên cứu về người dùng, họ phát hiện thấy mọi người muốn sử dụng Rook cho nhiều mục đích đa dạng như trông nom người già, điều tra và ngăn chặn các vụ trộm, và kiểm tra xem đã tắt bếp ga hoặc khóa cửa khi rời nhà chưa. Thậm chí một số người còn đùa rằng Rook có thể được dùng để bắt quả tang các vụ ngoại tình.
Tháng trước, nhóm đã tiến hành gọi vốn cộng đồng trên trang Indigogo và thu về được hơn 46.000 USD, hơn gấp đôi mục tiêu ban đầu. Sau khi thiết kể Rook và gây được số vốn cần thiết, giờ là lúc biến ý tưởng thành sản phẩm. Để làm điều đó, nhóm sẽ phải đi tìm một vùng đất mới. Như một giáo sư của Jackie từng nói: “Evanston, Illinois (nơi có trường đại học Jackie đã theo học) chỉ là vùng trũng của thế giới điện tử”. Để đưa Rook vào ứng dụng trong cuộc sống, nhóm cần phải đến Trung Quốc.
“Nhiều người nói mọi thứ phát triển nhanh hơn 100 lần nếu ở Trung Quốc và Thâm Quyến là trung tâm của lĩnh vực sản xuất điện tử”, Jackie nói.
Thâm Quyến là thành phố đã vươn lên từ đống bùn lầy bên bờ sông Châu Giang, phía nam Trung Quốc gần 35 năm trước. Đây là đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc, được mở cửa vào năm 1980 để làm nơi thử nghiệm cho các chính sách cải cách kinh tế của nước này. Thâm Quyến cũng là thành phố đầu tiên cho phép đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc. Thử nghiệm trên đã thành công mỹ mãn và giúp thành phố phát triển với tốc độ chóng mặt. Trong thập niên 1990, có thời điểm gần như mỗi ngày đều có một tòa nhà chọc trời mọc lên và cứ cách ba ngày lại có một đại lộ được xây xong.
Thâm Quyến giờ đã là một thành phố hiện đại và phát triển
Hiện nay, Thâm Quyến là nhà của 10 triệu người và là công xưởng sản xuất điện tử lớn nhất thế giới. Nơi đây có hàng chục vườn ươm khởi nghiệp công nghệ cao, hàng trăm chợ bán thiết bị điện tử lớn, trên 2000 công ty thiết kế, 5000 công ty lắp ráp sản phẩm và hàng chục nghìn nhà máy điện tử. Các công ty lớn như Foxconn, Tencent, BYD , Huawei, và ZTE đều có mặt ở đây, và Thâm Quyến cũng là nơi khởi đầu của các start-up thành công như Coolpad, Dingoo, và G’Five International. Thâm Quyến là giao điểm của mọi thứ trong lĩnh vực điện tử, từ thiết kế cho đến sản xuất, và tạp chí The Economist đã gọi thành phố này là nơi tốt nhất cho những nhà phát triển phần cứng.
“Mọi thứ trong lĩnh vực điện tử, từ lên ý tưởng cho đến chế tạo sản phẩm mẫu, từ lắp ráp cho đến sản xuất, đều hội tụ ở Thâm Quyến”, Mitch Altman, nhà sáng lập của NoiseBridge, một trong những nhà cung cấp không gian làm việc chung đầu tiên cho các start-up công nghệ ở Mỹ nói.
Thâm Quyến còn có một hệ sinh thái sản xuất đa dạng đến kinh ngạc mà luôn sẵn sàng chào đón các start-up nhỏ.
“Rất dễ để tiếp cận một nhà sản xuất ở Thâm Quyến. Ngay cả khi bạn chỉ là một start-up nhỏ, nhiều người vẫn quan tâm đến bạn vì họ nghĩ “đây có thể là một cơ hội kinh doanh tiềm năng”, Silvia Lindtner, giáo sư Đại học Michigan, một chuyên gia về lĩnh vực sản xuất ở Thâm Quyến nói.
Một khu chợ điện tử ở Thâm Quyến
Tất cả điều này đã giúp hình thành một môi trường mà việc phát triển và sản xuất các mẫu thử nghiệm và sản phẩm ngày càng trở nên dễ dàng và rẻ hơn bất cứ nơi nào khác. Jackie và nhóm của mình nhận thấy họ có thể sản xuất Rook với chi phí rẻ hơn và hiệu suất cao hơn trong hệ sinh thái này. Nhóm đã chuyển đến đây từ cuối tháng hai năm nay.
“Thâm Quyến thật tuyệt vời”, Jackie thốt lên sau khi đến. “Thành phố này giống như trung tâm sản xuất điện tử của thế giới vậy, dù là Thung lũng Silicon cũng không thể so bì được. Ở đây có vô số sản phẩm và thiết bị điện tử mà tôi chưa từng thấy ở Mỹ với giá rất rẻ và dễ mua. Quan điểm thực tế và thái độ quyết đoán của nhiều người ở đây làm cho quy trình chế tạo sản phẩm mới trở nên rất hiệu quả và ai cũng khát khao tìm tòi ý tướng, sản phẩm và thị trường mới. Thâm Quyến đã truyền cảm hứng và mở mang tầm mắt cho tôi rất nhiều”.
Jackie và nhóm của mình hiện đang bắt đầu quy trình sản xuất Rook và cái suy nghĩ dè dặt hồi còn ở Mỹ như “nhỡ chúng ta thất bại thì sao” đã hoàn toàn tan biến. “Sau khi đến đây, chúng tôi thực sự tin rằng mình có thể thành công”, Jackie kết luận.