Vì sao tính cầu toàn không chỉ đem đến bất hạnh mà còn có thể khiến sự nghiệp của bạn lao dốc?
Theo nghiên cứu của Thomas Curran (đến từ Đại học Bath) và Andrew P. Hill (Đại học St John), thì sự cầu toàn không khiến bạn giỏi hơn ở bất cứ lĩnh vực nào.
Bạn có phải là một người cầu toàn không? Hay nói cách khác, có phải lúc nào bạn cũng theo đuổi sự hoàn hảo hay không?
Nếu câu trả lời là có, thì liệu bạn có ngầm tự hào về sự cầu toàn của mình hay không? Có thể bạn nghĩ chính việc chỉ chấp nhận những thứ tốt nhất, chất lượng cao nhất từ chính mình hoặc người khác là yếu tố đứng sau mọi thành quả trong sự nghiệp và cuộc sống của bạn. Nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Hóa ra, cầu toàn không phải là điều gì đáng tự hào, bởi vì nó chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cả. Theo nghiên cứu của Thomas Curran (đến từ Đại học Bath) và Andrew P. Hill (Đại học St John), thì sự cầu toàn không khiến bạn giỏi hơn ở bất cứ lĩnh vực nào.
Trước hết, tính cầu toàn có liên quan đến rất nhiều chứng bệnh về thần kinh, gồm có trầm cảm, chứng sợ giao tiếp xã hội, sợ chỗ đông người, chứng biếng ăn, mất ngủ và thậm chí tự gây hại cho bản thân, và có xu hướng tự tử. Bên cạnh đó, họ còn nhận thấy tỷ lệ người cầu toàn còn đang tăng lên, đặc biệt là trong số những người trẻ và thậm chí ở cả trẻ em.
Không chỉ thế, tính cầu toàn còn có thể khiến tuổi thọ của bạn giảm đi. Một nghiên cứu năm 2009 cho biết những người có tính cầu toàn cao độ đều có nguy cơ tử vong cao hơn trong một vài năm sau đó so với những người bình thường. Nói cách khác, những người tận tâm, lạc quan và hướng ngoại thường là sống lâu hơn.
Tính cầu toàn cũng không khiến bạn làm việc chăm chỉ hơn
Không may là hầu hết những người cầu toàn đều không muốn từ bỏ thói quen của mình. Họ tin rằng là một người cầu toàn khiến họ làm việc giỏi hơn, chăm sóc gia đình tốt hơn, giữ được vóc dáng chuẩn hơn hay nuôi dạy con cái tốt hơn… và tất cả những điều này đa phần đều không có cơ sở.
Trong một thử nghiệm, Andrew P. Hill đã đặt ra một mục tiêu cho cả 2 nhóm người: cầu toàn và không cầu toàn, tuy nhiên ông không cho họ biết là mục tiêu này không thể đạt được. Họ đều cố gắng trong một khoảng thời gian, nhưng những người cầu toàn thì tỏ ra bực bội hơn và bỏ cuộc sớm hơn.
Trong khi ở bất kỳ lĩnh vực nào, từ giành huy chương Olympic cho đến điều hành một công ty, khả năng theo đuổi bền bỉ kể cả khi mọi chuyện trở nên tồi tệ chính là yếu tố chủ chốt dẫn đến thành công, và đó là yếu tố mà những người cầu toàn ít khi có được. Không giúp bạn làm việc tốt hơn, tính cầu toàn thậm chí còn khiến cho hiệu suất làm việc của bạn suy giảm.
Vì thế, đã đến lúc chúng ta ngừng tự hào về tính cầu toàn của mình. Nếu bạn là một người như vậy, hãy tập thay đổi ngay từ bây giờ, bắt đầu bằng một thử nghiệm: Cố gắng từ bỏ một số việc bạn "phải" làm để đáp ứng được "tiêu chuẩn" của bạn.
Chẳng hạn, nếu bạn nghĩ mình cần phải làm việc đến đêm, hãy thử không làm vậy trong một tuần để xem chuyện gì xảy ra. Có thể bạn sẽ hơi chững lại một chút, lúc đó bạn cần điều chỉnh hoặc giao bớt việc cho người khác, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình làm việc tốt hơn, vì bộ não được nghỉ ngơi lúc nào cũng nhanh nhạy hơn một bộ não bị kiệt sức. Bên cạnh đó, bạn sẽ thấy rằng giảm bớt kỳ vọng cho bản thân sẽ giúp bạn cảm thấy tự do tự tại và thoải mái hơn nhiều.