Vì sao thị trường bưu chính chuyển phát có hơn 400 "tay chơi" nhưng 60% thị phần nằm trong tay 5 doanh nghiệp?

03/11/2020 14:42 PM | Kinh doanh

Các hãng phải phát triển thương hiệu tốt, có dữ liệu khách hàng lớn, có nền tảng công nghệ mạnh và sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới... Đây không phải là chuyện dễ dàng cho các công ty.

Theo số liệu của Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và truyền thông), năm 2019, tổng doanh thu của các doanh nghiệp ngành bưu chính đạt khoảng 47.100 tỷ đồng tương đương 2 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2018. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ bưu chính đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 27%.

Sự tăng trưởng của ngành bưu chính tại Việt Nam trong các năm qua và triển vọng trong tương lai đã thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp gia nhập thị trường, bao gồm cả "tay chơi" nước ngoài lẫn các startup Việt.

Tuy nhiên, Vụ Bưu chính cũng cho biết, toàn thị trường có 435 doanh nghiệp hoạt động với 95% là doanh nghiệp tư nhân nhưng chỉ 5 doanh nghiệp có vốn nhà nước là Vietnam Post, Viettel Post, EMS, SPT và Nasco Express đã chiếm 60% thị phần doanh thu dịch vụ ngành này.

Ngành bưu chính, chuyển phát bùng nổ nhờ thương mại điện tử

Báo cáo của Vụ Bưu chính đánh giá, trong bối cảnh các hình thức liên lạc trên nền tảng công nghệ phát triển mạnh mẽ và dịch vụ bưu chính truyền thống sụt giảm sản lượng, các doanh nghiệp bưu chính đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng thương mại điện tử.

Khoảng cách giữa doanh thu bưu chính và tổng doanh thu của các doanh nghiệp ngày càng nới rộng cho thấy rõ nét điều này.

Chính vì thế, các đánh giá về triển vọng tăng trưởng của ngành bưu chính, chuyển phát gắn liền với triển vọng của ngành bán lẻ, đặc biệt là sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam – GSO, giá trị thị trường ngành chuyển phát của Việt Nam đạt tăng trưởng kép 24% trong giai đoạn 2016 – 2019. Nếu duy trì tốc độ phát triển 20 – 30%/năm như hiện nay, các chuyên gia tính toán, ngành bưu chính, chuyển phát sẽ đạt doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2030.

Con số này được kỳ vọng có thể đạt được trong bối cảnh quy mô thị trường thương mại điện tử ước đạt 33 tỷ USD vào năm 2025, mở ra cơ hội rất lớn cho bưu chính, chuyển phát.

Báo cáo phân tích mới đây của công ty chứng khoán VNDIRECT cũng đưa ra dự báo, giá trị thị trường ngành chuyển phát Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép 11,4% giai đoạn 2020–2022 nhờ sự sôi động của thị trường thương mại điện tử.

Không chỉ tại Việt Nam, thương mại điện tử trên thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng cũng chứng kiến giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, làm cơ sở cho sự phát triển của ngành chuyển phát, logistics liên khu vực.

CTCK KBSC cho hay, thị trường thương mại điện tử thế giới nói chung và khối các nước Đông Nam Á nói riêng đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh. Theo số liệu của Statista, tổng doanh thu Thương mại Điện tử các quốc gia Đông Nam Á đều tăng trưởng trên 30% trong năm 2019 và tiếp tục duy trì tăng trưởng 2 con số đến hết năm 2022.

Đối với Việt Nam, thương mại điện tử B2C tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ, CAGR (tốc độ tăng trưởng kép) 4 năm đạt 25,4%.

Thị trường "ngon" kéo theo sự cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, Vụ Bưu chính cũng nhận xét, chỉ các doanh nghiệp quy mô lớn, có chiến lược và nguồn lực mới ứng dụng hiệu quả các nền tảng di động. Đa số doanh nghiệp vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho sự thay đổi này.

 Vì sao thị trường bưu chính chuyển phát có hơn 400 tay chơi nhưng 60% thị phần nằm trong tay 5 doanh nghiệp?  - Ảnh 1.

Thương mại điện tử là cú huých rất mạnh cho ngành chuyển phát, bưu chính.

Thế mạnh thuộc về những công ty nào?

Ông Lê Thanh Hoài, CEO SuperShip cho biết: "Các hãng phải phát triển thương hiệu tốt, có nền tảng công nghệ mạnh, có dữ liệu khách hàng lớn và tạo dựng được uy tín thị trường". Đây không phải là chuyện dễ dàng cho các công ty.

Thương hiệu mạnh, hệ thống mạng lưới áp đảo, dữ liệu khách hàng lớn và năng lực tài chính để triển khai công nghệ tiên tiến… Đó là lý do vì sao chỉ 5 doanh nghiệp Viettel Post, Vietnam Post, EMS, SPT và Nasco Express đã chiếm 60% thị phần.

Riêng đối với Viettel Post (VTP) – một doanh nghiệp đại chúng đã lên sàn chứng khoán, nắm 21% thị phần, giành được sự chú ý hơn cả vì sự "lột xác" rất quyết liệt trong 4 năm trở lại đây. Nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Viettel, Viettel Post có lợi thế rất lớn về năng lực công nghệ so với đối thủ. Công ty này thể hiện chiến lược chuyển mình thành một công ty công nghệ logistics chứ không đơn thuần là một doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát.

Thực tế, cách đây hơn 4 năm, Viettel Post là công ty chuyển phát trong nước đầu tiên phát triển ứng dụng riêng trên smartphone dành cho khách hàng, giúp họ đặt và theo dõi đường đi của hàng hóa. Công ty này cũng là công ty đầu tiên ở Việt Nam triển khai thành công dây chuyền chia chọn tự động với công suất lớn.

Hiện tại, với số lượng người dùng ứng dụng chuyển phát là hơn 1 triệu, cùng các dây chuyền chia chọn tự động có công suất 36.000 bưu phẩm/giờ, Viettel Post vẫn là công ty chuyển phát tiên phong nhất về công nghệ tại Việt Nam. Hai trụ cột về công nghệ này của Viettel Post sau đó trở thành chuẩn mực chung của các công ty chuyển phát khác.

Theo đánh giá của các chuyên gia VNDIRECT, VTP nhận được sự hỗ trợ từ nguồn nhân lực công nghệ cao của tập đoàn Viettel, từ đó có thể phát triển các sản phẩm công nghệ cao nhằm giải quyết ba vấn đề: (1) xử lý khối lượng lớn các đơn hàng; (2) rút ngắn tổng thời gian giao hàng khi đây là mối quan tâm lớn nhất của khách hàng trong việc lựa chọn dịch vụ và (3) cung cấp nhiều loại hình dịch vụ và nguồn doanh thu.

Với các sản phẩm đã ra mắt, VTP cho thấy tiềm lực công nghệ mạnh mẽ, một lợi thế cạnh tranh lớn để giành thị phần trong thị trường chuyển phát.

Sau khi nhận chuyển nhượng 823 cửa hàng viễn thông từ Viettel Telecom trong năm 2019, VTP hiện đang sở hữu 1.825 bưu cục và 6.000 điểm giao nhận. Hiện tại, VTP có cơ sở hạ tầng bưu chính lớn thứ hai Việt Nam sau VNPost.

Ngoài triển vọng nhận thêm cơ sở hạ tầng các năm sắp tới, VTP có thể tận dụng hệ thống hạ tầng rộng lớn sẵn có của Viettel để bán chéo dịch vụ của mình. Bên cạnh đó, VTP còn sở hữu công suất vận chuyển lớn với 800 xe tải và 12 toa hàng trong tổng số 22 toa của chuyến tàu 40 giờ Bắc - Nam nhằm cải thiện tốc độ vận chuyển và nâng cao chất lượng, phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng.

"Đây là những lợi thế rất lớn của VTP so với các đối thủ khác khi các đối thủ có thể phải mất nhiều năm để đạt được cơ sở hạ tầng và công suất như VTP hiện nay" – Các chuyên gia đánh giá.

Kỳ vọng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát của VTP sẽ đạt tăng trưởng kép 18,5% và LN ròng đạt tăng trưởng kép 19,3% trong giai đoạn 2020-2022, chuyên gia VNDIRECT định giá VTP 130.700 đồng/cp.

Mạng lưới bưu cục rộng khắp và kinh nghiệm vận hành nhiều năm của VTP là những yếu tố mà các doanh nghiệp chuyển phát mới không thể có được trong thời gian ngắn và đòi hỏi tốn nhiều nguồn lực.

VTP vẫn đang liên tục hoàn thiện hệ sinh thái của doanh nghiệp thông qua việc đưa vào hoạt động sàn thương mại điện tử Voso, dịch vụ gọi xe công nghệ Mygo và sắp tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dịch vụ chặng giữa là các dịch vụ lưu kho, xử lý đơn hàng.

Định hướng phát triển đến năm 2025, VTP sẽ trở thành Công ty chuyển phát số 1 Việt Nam dựa trên nền tảng Công nghệ cao; giữ vững thị phần mảng chuyển phát và logistics, tận dụng xu thế phát triển thương mại điện tử; và phát triển mảng kho vận phục vụ chuyển phát.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 9/10/2020, ban lãnh đạo VTP đưa ra kế hoạch kinh doanh 5 năm khá táo bạo với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 25.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VTP dự kiến sẽ duy trì chi trả cổ tức ở mức 35% - 40% trong 5 năm tới.

Các chuyên gia của CTCK KBSC đánh giá kế hoạch phát triển mảng Logistic là hướng đi đúng đắn cho VTP khi nhu cầu về Logistic tại Việt Nam đang rất lớn trong khi chưa có nhiều những doanh nghiệp Logistic 3PL và 4PL có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính và công nghệ. KBSV cũng định giá VTP ở con số 134.400 đồng/cổ phiếu.

Khang An

Cùng chuyên mục
XEM