Vì sao ngân hàng Việt muốn phát hành hàng trăm, hàng tỷ USD trái phiếu ra quốc tế?

25/06/2019 08:40 AM | Xã hội

Những ngân hàng này sẽ được lợi gì và phải đối mặt với rủi ro gì khi phát hành trái phiếu ra quốc tế?

Trong cuộc đua phát hành trái phiếu đang diễn ra trong hệ thống ngân hàng, một số ngân hàng đã chọn phương án phát hành trái phiếu quốc tế với khối lượng lên tới hàng trăm, hàng tỷ đô la Mỹ.

VPBank là một điển hình. Mới đây, ngân hàng này đã thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành và niêm yết trái phiếu quốc tế. Cụ thể, có 2 phương án phát hành được đưa ra. Phương án thứ nhất, VPBank muốn chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tại nước ngoài (theo Chương trình Euro Medium Term Note). Mệnh giá trái phiếu là bội số của 1.000 USD hoặc mệnh giá khác phù hợp với tập quán thị trường trái phiếu quốc tế. Tổng giá trị phát hành của phương án này tối đa lên tới 1 tỷ USD. Kỳ hạn trái phiếu từ 3 đến 5 năm. Trái phiếu này được phát hành ra thị trường quốc tế cho các nhà đầu tư ngoài lãnh thổ Mỹ và sẽ được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore.

Phương án thứ hai, VPBank cũng xin ý kiến cổ đông về Phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh (Green Bond) theo hình thức phát hành riêng lẻ cho một số nhà đầu tư với khối lượng 120 triệu USD. Green Bond sẽ có kỳ hạn 3 năm với lãi suất thỏa thuận. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2019 và năm 2020. Mục đích phát hành để tài trợ cho danh mục xanh/khoản vay đáp ứng tiêu chí xanh.

Trước VPBank, hồi đầu tháng 6, TPBank cũng đã thông qua chủ trương lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế vốn cấp II trong năm 2019. Thời gian thực hiện lấy ý kiến cổ đông là từ 28/6-12/7/2019.

Năm ngoái, một số ngân hàng khác cũng muốn tìm vốn ngoại bằng cách phát hành trái phiếu. Đơn cử là HDBank đã xin ý kiến cổ đông về việc phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 5 năm 1 ngày với lãi suất cố định trong 5 năm kể từ ngày phát hành, cho dưới 100 nhà đầu tư.

Hình thức phát hành trái phiếu quốc tế còn khá mới lạ với các ngân hàng Việt. Trước đó, cách tiếp cận vốn ngoại của các nhà băng chủ yếu là thông qua các hợp đồng tín dụng hay tài trợ thương mại. Bên cho vay chủ yếu là các tổ chức, định chế tài chính lớn như LienVietPostBank nhận được khoản vay 50 triệu USD từ JPMorgan Chase Bank, N.A, chi nhánh Singapore; SHB nhận 20 triệu USD từ Ngân hàng đầu tư quốc tế Nga,…Ngoài ra, IFC đã cho OCB vay 100 triệu USD, TPBank vay 100 triệu USD, 150 triệu USD cho ABBank,…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, trước hết, bản thân việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài sẽ giúp các ngân hàng tăng vốn tự có và cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Ngoài ra, việc tìm kiếm nguồn vốn ngoại tệ kỳ hạn dài còn giúp các ngân hàng tăng được nguồn vốn trung và dài hạn.

So với phát hành trái phiếu nội địa thì phát hành trái phiếu quốc tế sẽ giúp ngân hàng thu về ngoại tệ, trong khi huy động ngoại tệ trong nước là không dễ. Hơn nữa, các ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế có lợi hơn ở chỗ lãi suất trên thị trường quốc tế thường thấp hơn lãi suất tiền đồng trong nước.

Tuy nhiên, được lợi về lãi suất thì các nhà băng phải chịu rủi ro về tỷ giá hối đoái. "Chẳng hạn khi phát hành trái phiếu, tỷ giá còn tương đối thấp, tuy nhiên khi đến lúc đáo hạn, tỷ giá biến động và tăng lên thì họ phải mua USD với mức giá cao hơn để trả nợ. Trong bối cảnh tỷ giá biến động và luôn có xu hướng tăng thì vấn đề phát hành trái phiếu quốc tế sẽ gặp rủi ro không nhỏ", ông Hiếu giải thích.

Kể từ đầu năm đến nay, tỷ giá trong nước đã có những biến động khó lường, có lúc tăng lên gần 23.500 VND/USD, có lúc giảm sâu về quanh mức 23.350 VND/USD. Trước những thay đổi khó lường trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng địa chính trị trên thế giới,...thì chưa thể mất cảnh giác với áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, công cụ điều tiết của cơ quan điều hành cũng đã có nhiều thuận lợi hơn trước khi dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục, điều hành linh hoạt và nhuần nhuyễn, khả năng FED nâng lãi suất trong năm nay là rất thấp.

Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng, vấn đề lớn là không phải ngân hàng nào ở Việt Nam cũng có khả năng phát hành trái phiếu quốc tế, chỉ những ngân hàng đủ uy tín, có xếp hạng tín nhiệm bởi các công ty xếp hạng quốc tế thì mới có khả năng này. "Những ngân hàng không được xếp hạng thì khi phát hành ra quốc tế cũng sẽ khó có người mua, người ta cũng không tin tưởng báo cáo tài chính của những ngân hàng này", ông nói.

Theo Diệp Trần

Cùng chuyên mục
XEM