Chính sách lãi suất 0% của Nhật đã làm thay đổi thế giới như thế nào?
Có lẽ bài học đích đáng nhất của ECB và Fed chính là rủi ro của việc đảo ngược chính sách quá sớm trong khi Nhật lại quá chậm trễ.
Từ rất lâu trước khi Mỹ và châu Âu thực hiện thay đổi mạnh mẽ chính sách tiền tệ trong thập kỷ với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) đã quyết định hành động.
Theo bài báo mới đây được Bloomberg đăng tải, chính trong tháng này khoảng 20 năm trước đây, trước khi kinh tế Mỹ tăng trưởng nóng dưới thời cựu chủ tịch Fed, ông Alan Greenspan còn đồng euro chuẩn bị được đưa vào sử dụng rộng rãi trên quy mô toàn cầu, BOJ đã áp dụng chính sách lãi suất không phần trăm, Ngân hàng Trung ương Nhật như vậy đã đưa ra động thái chính sách chưa từng có.
Chưa đầy 2 năm sau đó, khi mà lãi suất chuẩn tại Mỹ và châu Âu ở mức khoảng 5%, BOJ phải bơm mạnh tiền vào hệ thống ngân hàng bằng chương trình nới lỏng định lượng. Chiến lược của BOJ quyết liệt và đặc thù với riêng Nhật, đó là tới khi sự sa sút trên thị trường tài chính toàn cầu và sự suy giảm kinh tế buộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải đưa ra chính sách tương tự.
Năm 2019, Fed bình thường hóa chính sách tiền tệ còn ECB đang đặt chuẩn bị đưa ra biện pháp tương tự. Dù hành động trước, nhưng giờ đây BOJ lại đang đi sau, BOJ mắc kẹt trong chính sách lãi suất âm và chương trình mua tài sản và cản trở nỗ lực bình ổn chính sách ở các nước khác.
Câu chuyện 20 năm chính sách của Nhật cho thấy hạn chế trong chính sách của Ngân hàng Trung ương và cho thấy tầm quan trọng của các biện pháp cải tổ chính sách kinh tế cũng như chính sách tài khóa đi cùng với chương trình kích thích tiền tệ. Có lẽ bài học đích đáng nhất củ ECB và Fed chính là rủi ro của việc đảo ngược chính sách quá sớm.
Quan chức từng hỗ trợ cho Thủ tướng Nhật về chính sách kinh tế vào năm 1999 và nay đang giữ vị trí phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Nhật, ông Kenji Yumoto, nhận xét: “Chính sách tiền tệ có thể giúp kéo dài thời gian thế nhưng nó không thể giải quyết được mọi vấn đề”.
Cựu Chủ tịch Fed, ông Ben Bernanke, người có nhiều công trình nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm từ Nhật, đã từng chỉ trích mạnh mẽ chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ). Ông trở nên đồng cảm hơn sau khi ông phải định hướng chính sách tiền tệ của Fed qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Bên trong nội bộ BOJ, giới chức lo lắng rất nhiều về tác động của đợt cắt giảm lãi suất cơ bản đồng yên. Ông Yasuo Gotoh nói với thành viên ban quản trị BOJ rằng họ cảm thấy như họ vừa bước vào “một câu chuyện cổ tích Alice ở xứ sở diệu kỳ”. Bà Eiko Shinotsuka, người từng phản ứng chính sách của BOJ, sau đó từng nhớ lại rằng ban điều hành chính sách không biết rằng rồi mọi chuyện sẽ ra thế nào, nhưng họ cảm thấy họ không có lựa chọn khác.
Áp lực đã trở nên rõ ràng hơn vào buổi sáng ngày 12/2/1999 khi mà Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật khi đó, ông Masaru Hayami, chủ trì phiên tranh luận chính sách. Thị trường khó khăn khi mà lợi suất với trái phiếu chính phủ Nhật thời hạn 10 năm tăng hơn gấp đôi trong vòng 3 tháng, đồng yên tăng giá hơn 20% từ mức thấp nhất trong 8 năm thiết lập vào tháng 8 trước đó 1 năm.
Trong một động thái hiếm hoi, 4 quan chức chính phủ Nhật trong đó có bao gồm Bộ trưởng Kinh tế đã tham dự buổi họp. Họ không tham gia trực tiếp vào các cuộc đối thoại thế nhưng vận động hành lang phía sau hậu trường để thống đốc Hayami phải hành động. Một người thậm chí còn hỏi tại sao BOJ không thể bảo lãnh nợ chính phủ Nhật hoặc mua vào lượng lớn trái phiếu.
Ban điều hành chính sách quyết định hành động, kỷ nguyên lãi suất 0 phần trăm bắt đầu.
Chỉ một năm rưỡi sau, BOJ nâng lãi suất lên 0,25%. BOJ đã tính toán sai thời điểm: bong bóng dotcom xì hơi và kéo kinh tế Nhật đi xuống trong năm 2001. BOJ lãi phải hạ lãi suất xuống 0% và tiếp tục bổ sung chương trình nới lỏng định lượng. BOJ sau đó mắc kẹt với định hướng chính sách lãi suất này trong đến 5 năm sau đó.
Vào năm 2006, BOJ quyết định bình thường hóa chính sách tiền tệ khi mà kinh tế hồi phục và chỉ số giá tiêu dùng tăng. Một lần nữa, bóng ma toàn cầu lại trở nên u ám. Khi mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra tác động trên khắp thế giới, chính sách của Nhật vẫn tụt lại phía sau cho đến khi ông Haruhiko Kuroda lên nắm quyền lèo lái BOJ vào năm 2013 và đẩy mạnh chương trình kích thích kinh tế.
Một vấn đề căn bản với BOJ, ngay cả bây giờ và sau này, chính ở việc chính sách lãi suất 0 phần trăm hoặc lãi suất âm và nới lỏng định lượng (QE) chưa bao giờ được kỳ vọng sẽ được duy trì lâu đến như vậy. Nó có mục tiêu giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp vay tiền, chi tiêu rồi đầu tư, đẩy giá cả tăng lên, kinh tế phục hồi và sau đó cho phép Ngân hàng Trung ương thu hẹp chính sách kích cầu.
Hai thập kỷ thất bại trong việc kích thích kinh tế tăng trưởng đã tạo ra một thế hệ người tiêu dùng gần như không có ý niệm gì về việc giá cả tăng, nỗ lực chính sách của ông Kuroda còn gặp khó hơn nữa. Các ngân hàng và thị trường nợ mắc kẹt, lãi suất âm tác động đến lợi nhuận biên và chương trình mua tài sản của BOJ tác động đến hoạt động kinh doanh trái phiếu.