Vì sao IMF và HSBC cùng dự báo hạ tăng trưởng GDP Việt Nam 2017?

28/07/2017 09:48 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong tháng 7, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và ngân hàng HSBC cùng hạ đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2017. Theo đó, HSBC hạ từ 6,4% xuống 6%; còn IMF hạ dự báo còn 6,3% so với mức 6,5% đưa ra hồi tháng 5.

Mặc dù đều hạ dự báo tăng trưởng nhưng các báo cáo của IMF và HSBC đều chỉ ra nhiều điểm sáng hỗ trợ đà tăng trưởng GDP . HSBC chỉ ra chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) cho sản xuất công nghiệp chế biến - chế tạo, phản ánh niềm tin doanh nghiệp trong tháng 6 tăng lên mức 52,5 điểm, phục hồi đáng kể khi chỉ đạt 51,6 điểm vào tháng 5. Điều đó cho thấy doanh nghiệp Việt Nam lạc quan nhất vào về khả năng gia tăng sản xuất. Bên cạnh đó, HSBC cũng giảm dự báo lạm phát từ 4,4% xuống còn 2,6%.

Trong khi đó, IMF giành nhiều khen ngợi Việt Nam trong việc kiềm chế lạm phát ở mức thấp song vẫn phát triển kinh tế, cùng với định hướng phát triển kinh tế tư nhân mạnh mẽ, cũng như kế hoạch giảm dần vai trò của Chính phủ và các doanh nghiệp Nhà nước sở hữu trong nền kinh tế.

Điều gì khiến dự báo tăng trưởng giảm?

Theo báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam 2017 của IMF và HSBC, đà tăng trưởng chậm chạp quý I là nguyên nhân chính dẫn tới việc hạ dự báo về tăng trưởng GDP Việt Nam 2017. Cuối năm 2015, Chính phủ cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng cho 2016 là 6,7%, nhưng kết quả cuối cùng là 6,21%.

Năm 2017, mục tiêu GDP chính phủ đề ra vẫn ở mức 6,7%, nhưng dữ liệu 2 quý đầu năm GDP đang tăng trưởng trung bình 5,66%, tăng nhẹ so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2016 ở mức 5,63%. Như vậy, đà tăng trưởng vẫn xoay quanh các mốc quá khứ là một phần nguyên nhân 2 tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng về xoay quanh ngưỡng 6,2 % của năm ngoái.

Bên cạnh những triển vọng nêu ra trong báo cáo, cả IMF và HSBC cũng chỉ ra những nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng đến đà tăng trưởng. Theo HSBC, lạm phát toàn phần có xu hướng tăng cuối năm khi chi phí y tế gia tăng và do Bộ Tài chính đưa ra dự báo áp lực về giá tăng lên trong dài hạn, do điều chỉnh tăng lương có khả năng bắt đầu vào tháng Bảy.

Theo IMF, lạm phát toàn phần dự báo ở mức khá cao 5%, cao hơn mục tiêu 4% Chính phủ đề ra và mức 4,1% trong 6 tháng đầu năm. Theo cả 2 tổ chức này, lạm phát có nguy cơ tăng mạnh vào cuối năm, làm ra tăng rủi ro cho hoạt động đầu tư.

Những nguy cơ từ điều kiện thời tiết không thuận lợi trong nửa cuối hằng năm đã ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế 2016 và HSBC cũng liệt kê vào những nhân tố ảnh hưởng tới đà tăng trưởng trong 2017 của Việt Nam.

IMF còn chỉ ra những rủi ro đến từ vấn đề nợ công cao mức 61,8% GDP, gần với trần nợ công là 65%. Điều này cùng với việc xử lý nợ xấu chậm cũng là những nguyên nhân tác động đến đà tăng trưởng kinh tế.

Hằng năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng thường được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm. IMF chỉ ra rủi ro đến từ đà tăng trưởng mạnh của tín dụng trong bối cảnh tái cơ cấu ngân hàng diễn ra còn chậm. IMF khuyến khị Việt Nam cần đảm bảo tính ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cấp các mô hình tăng trưởng hướng đến sự bền vững và năng suất hơn là tăng trưởng nóng chứa nhiều rủi ro.

Theo Phạm Tâm Long

Cùng chuyên mục
XEM