Nước cờ 'unfriend' nước Úc là sai lầm nghiêm trọng, Facebook sẽ sớm phải 'cúi đầu' như Google?
Mark Zuckerberg đã đi 1 nước cờ sai khi dám "unfriend" nước Úc.
Theo hãng tin CNN, hai ông lớn ngành công nghệ là Facebook và Google đang có những hướng tiếp cận trái ngược nhau trong vấn đề bản quyền thông tin tại Australia, qua đó tạo nên những định nghĩa mới trong mối quan hệ giữa truyền thông và công nghệ.
Mới đây, để phản đối chính sách các hãng công nghệ phải trả tiền cho nhà xuất bản nếu chia sẻ thông tin của họ trên mạng xã hội, Facbook đã quyết định chặn tất cả người dùng Úc khỏi các nội dung tin tức, bao gồm cả nội dung từ Chính phủ trên nên tảng của mình.
Tuyên bố của Facebook được đưa ra vào ngày 17/2 đã chặn hoàn toàn các trang thông tin cũng như dịch vụ truyền thông muốn chia sẻ trên mạng xã hội này. Đồng thời chúng cũng kích động một làn sóng tranh luận, chỉ trích với trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
Điều trớ trêu là một ông lớn khác, Google lại có cách ứng xử hoàn toàn trái ngược. Chỉ 1 tháng trước đây, Google cũng có tuyên bố hùng hồn rằng sẽ rút công cụ tìm kiếm của họ ra khỏi Australia nếu nước này áp dụng quy định trên.
Thế nhưng cách đây vài ngày, Google đã có những bước đi nhượng bộ khi tìm kiếm đàm phán với một số hãng truyền thông lớn như New Corp, Seven West Media. Tờ Sydney Morning cũng cho biết công ty chủ quản của họ là Nine Entertainment đã đạt được một thỏa thuận với Google.
Với những động thái trên của Google, việc Facebook bất ngờ cứng rắn chống lại chính phủ Australia đã làm nhiều người bất ngờ. Cho đến thời điểm hiện tại, việc Google nhận thua đã được công chúng hưởng ứng trong khi động thái cứng rắn của Facebook lại gặp nhiều chỉ trích.
Phán ứng trái ngược
Trong nhiều năm, Google và Facebook đã trở thành đích ngắm cho những lời chỉ trích khi họ chia sẻ thông tin mà không cần trả phí cho các hãng truyền thông. Kể từ khi 2 ông lớn này thống trị mảng quảng cáo trực tuyến, doanh thu quảng cáo của các hãng truyền thông đã giảm sút nghiêm trọng dù sản phẩm của họ vẫn bị sử dụng, chia sẻ tràn lan trên các mạng xã hội.
Đáp trả, những người ủng hộ Facebook và Google cho rằng chính những công nghệ mới đã thúc đẩy mọi người quan tâm đến truyền thông hơn, đồng thời phổ cập thông tin rộng rãi hơn.
Với quy định mới, chính phủ Australia cho phép các hãng truyền thông đàm phán đơn phương hoặc đa phương với những ông lớn Facebook và Google. Những hãng nào chưa đạt được thỏa thuận sẽ phải áp dụng một mức phí bình quân chung.
Cả Facebook lẫn Google đều phản đối quy định trên nhưng hướng xử lý lại khác nhau. Phía chính phủ Australia cho biết họ không được thông báo gì khi Facebook chặn các nội dung trên nền tảng của mình và thực sự tức giận với động thái trên.
"Những hành động này chỉ chứng minh cho mối quan ngại rằng ngày càng nhiều quốc gia cảm thấy những công ty công nghệ lớn đang hành xử như thể họ cao hơn chính phủ và luật pháp không thể làm gì họ", Thủ tướng Australia Scott Morrison đăng bài trên Facebook.
Trong bài viết của mình, Thủ tướng Morrsion cho rằng Facebook đã "hủy kết bạn" với Australia: "Họ có thể thay đổi thế giới nhưng điều đó không có nghĩa họ có quyền thống trị nó".
Về phía Facebook, công ty cho biết họ rất đau lòng khi phải ra quyết định trên và sẽ đảo ngược các hạn chế mà công ty cho là "vô tình bị tác động", thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại trang mạng xã hội này vẫn chưa có hành động thực sự nào với lệnh cấm.
Phó chủ tịch Campbell Brown phụ trách mảng tin tức toàn cầu của Facebook cho biết quy định mới của Australia đã không ghi nhận mối tương quan cơ bản giữa nền tảng của hãng với truyền thông.
"Tôi hy vọng trong tương lai, chúng tôi có thể sử dụng và chia sẻ thông tin với người dân Australia một lần nữa", ông Brown nhấn mạnh.
Nhận xét về động thái trên, Chuyên gia Belinda Barnet của trường đại học Swinburne University cho rằng Facebook đang thể hiện thái độ cực kỳ cứng rắn với Australia.
Trái ngược với Australia, Facebook lại đồng ý xây dựng một nền tảng mới khi chấp nhận trả tiền cho các hãng truyền thông khi sử dụng và chia sẻ thông tin của họ ở Anh.
Trở thành đích ngắm
Trong khi Facebook cứng rắn thì Google lại nhận thua. Ban đầu ông lớn này cũng phản đối kịch liệt khi cảnh báo trực tiếp chính phủ Australia trên trang chủ của mình rằng quy định mới có thể ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm cũng như khiến người tiêu dùng chịu thiệt.
Vào tháng trước, Giám đốc Mel Silva của Google chi nhánh Australia vẫn còn đe dọa rằng nếu quy định mới được thông qua, hãng sẽ dừng công cụ tìm kiếm này tại thị trường trên. Ngay lập tức lời đe dọa này đã gây nên sự phẫn nộ và chỉ trích của người dân xứ sở chuột túi.
"Để tôi nói cho rõ nhé. Chính phủ sẽ đặt ra luật chơi mà bạn phải theo ở Australia. Điều đó được thực hiện trong phòng họp nghị viện và được thực hiện bởi Chính phủ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không cúi đầu trước những lời đe dọa", Thủ tướng Morrison tuyên bố.
Điều đáng ngạc nhiên là cả CEO Sundar Pichai của Google và nhà sáng lập Mark Zuckerberg của Facebook đã có cuộc gặp với Bộ trưởng tài chính Australia Josh Frydenberg vào tuần trước. Đích thân Bộ trưởng Frydenberg đã cho biết cuộc gặp này mang tính xây dựng cao và cả Google lẫn Facebook đều hướng tới một thỏa thuận với Chính phủ.
Bộ trưởng tài chính Frydenberg họp trực tuyến với CEO Zuckerberg và CEO Pichai trong tuần trước
Thế nhưng trong khi Google nhận thua thì Facebook lại làm bất ngờ các quan chức. Người dân Australia tỉnh dậy vào sáng ngày 17/2 và nhận ra họ không thể truy cập các dịch vụ khẩn cấp như báo cháy, cấp cứu hay cảnh sát qua Facebook.
Theo phó giáo sư Rob Nicholls của trường đại học New Sout Wales, dù Facebook có giải thích rằng họ không cố ý và động thái này chỉ trong thời gian ngắn thì chúng cũng gây tổn hại lớn cho hình ảnh của công ty.
"Chẳng quan trọng đó có phải do vô tình hay không… nước đi này quả thật là tệ cho dù là chặn tin trong ngắn hạn đi nữa. Thật ngu ngốc khi làm vậy", Phó giáo sư Nicholls nhận định.
Trong khi đó Google lại chấp nhận tuân theo quy định mới. Giới truyền thông cho biết 2 hợp đồng của Google với Seven và Nine sẽ vào khoảng 30 triệu Dollar Australia (AUD), tương đương 23 triệu USD/năm.
Phó giáo sư Nicholls cho rằng số tiền này chẳng đáng là bao khi doanh thu hàng năm của Google lên tới 180 tỷ USD, nhưng nó lại là khoản cứu trợ đáng kể với những hãng truyền thông đang phải chật vật trong nhiều năm trở lại đây do doanh thu quảng cáo đi xuống.
Giờ đây với phản ứng cứng rắn của mình, nhiều chuyên gia cho rằng chính phủ Australia sẽ tập trung hơn vào Facebook khi nhắm đến cả những trang con như Instagram.
"Rõ ràng là Google phản ứng tốt hơn trong tình huống này", Chuyên gia Barnet của trường đại học Swinburne University nhận định.
Nguồn: CNN