Vì sao F0 không triệu chứng vẫn cần vào viện điều trị Covid-19?

13/07/2021 09:10 AM | Xã hội

Nhiều ý kiến cho rằng những trường hợp F0 không có triệu chứng nên ở nhà theo dõi thay vì đưa vào bệnh viện. Nhưng đến hiện tại, TP.HCM vẫn chưa có chủ trương để bệnh nhân F0 không có triệu chứng điều trị tại nhà.

Theo BS Lê Mạnh Hùng – Giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ TP HCM, bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng vẫn cần đến cơ sở y tế để theo dõi.

BS Hùng cho biết có những bệnh nhân vào điều trị trong tình trạng "khoẻ re" không cần dùng thuốc gì. Tuy nhiên, hàng ngày bệnh nhân vẫn được theo dõi chỉ số hô hấp, nhiệt độ, huyết áp, tìm hiểu các bệnh lý nền của người bệnh. Có thể ở tuần đầu, bệnh nhân sẽ không có triệu chứng, nhưng đến tuần thứ 2 thường sẽ xuất hiện sốt, ho, sổ mũi, mệt, khó thở, suy hô hấp.

Tại bệnh viện, bác sĩ đánh giá bệnh nhân có bị suy hô hấp hay không qua chỉ số oxy trong máu, qua đó có thể làm một số xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi để điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân nặng quá có thể chuyển tuyến.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - phó giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi - cho biết các trường hợp F0 không triệu chứng vẫn được bác sĩ theo dõi hằng ngày, đo sinh hiệu 2 lần/ngày.

BS Phong cho biết hiện tại, đối với các trường hợp F0, TP HCM vẫn kiểm soát được. Do đó, chúng ta vẫn đưa các trường hợp này đi cách ly, theo dõi để tránh trường hợp lây lan dịch trong cộng đồng. Tùy tình hình dịch bệnh thành phố sẽ có giải pháp thích hợp.

Chuyên gia truyền nhiễm, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM - cho rằng đến nay "đối với các trường hợp F0 theo phác đồ điều trị là không triệu chứng thì không điều trị gì cả". Bệnh nhân chỉ nghỉ ngơi, uống nước hoặc uống thêm viên sủi tăng sức đề kháng.

Người có triệu chứng nhẹ cũng chỉ uống thuốc hạ sốt, giảm ho và uống nhiều nước. Trong suốt thời gian này bệnh nhân được làm xét nghiệm, nếu âm tính (hết bệnh) đảm bảo số lần quy định sẽ được ra viện.

Theo quan điểm của bác sĩ Khanh, ai cũng thích điều trị ở nhà nhưng nếu cách ly F0 tại nhà phải có sàng lọc kỹ. Nếu F0 có nguy cơ cao (béo phì, bệnh nền, trên 60 tuổi) sẽ chuyển bệnh viện điều trị. Bên cạnh đó, nếu muốn điều trị F0 không triệu chứng tại nhà thì điều kiện là tất cả người trong gia đình phải khỏe mạnh, đồng thời nơi cách ly phải được "giới nghiêm" và giám sát chặt theo quy định. Có thể đưa ra các chế tài phạt thật nặng nếu không tuân thủ điều trị cách ly tại nhà.

PGS.TS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết đến hiện tại thì TPHCM chưa có chủ trương cho việc cách ly F0 không có triệu chứng tại nhà. Dù đây là cách làm được nhiều nước áp dụng nhưng Việt Nam thì chưa. PGS Thượng cho rằng biện pháp hiện tại vẫn là quyết tâm phát hiện sớm F0 để cách ly. Chỉ khi nào không còn khả năng tiếp nhận điều trị mới cách ly F0 ở nhà.

Việc cách ly F0 tại nhà không có lợi cho người bệnh khi chuyển biến nặng, dễ lây lan dịch. Ông cũng cho rằng với biến chủng Delta lây nhanh, mạnh, có thể trong một ngày, người không có triệu chứng đã chuyển sang diễn biến khác.

N.Anh

Cùng chuyên mục
XEM