Vì sao Đà Nẵng chọn xây hầm chui hơn 4.000 tỷ qua sông Hàn?

21/12/2016 19:42 PM | Xã hội

Sáng nay (21/12), tại buổi họp báo cuối năm 2016, lãnh đạo Thành ủy, UBND Đà Nẵng khẳng định việc đi đến chủ trương làm hầm chui qua sông Hàn được nghiên cứu kỹ lưỡng, trách nhiệm.

Trước đó, việc Đà Nẵng vừa công bố lựa chọn hầm chui qua sông Hàn nhận được nhiều dư luận trái chiều giữa các ý kiến đồng thuận và phản bác. Tại buổi họp báo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung dành nhiều thời gian để giải đáp.

Theo ông Trung, việc đầu tư công trình giao thông qua sông Hàn đoạn giữa cầu sông Hàn và cầu Thuận Phước là cấp thiết, phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và nhu cầu giao thông, tốc độ phát triển mật độ phương tiện ngày càng cao. Để đi đến lựa chọn phương án hầm, thành phố dành hơn 1 năm nghiên cứu, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trên cơ sở “lắng nghe, cầu thị” qua các buổi hội thảo, thảo luận, báo cáo, tổ chức thi tuyển…

“Với đặc thù sông Hàn, phương án hầm có nhiều ưu điểm hơn phương án cầu. Hầm vừa đảm bảo tính chất lâu dài, vừa có tầm nhìn dài, phù hợp với giao thông tại vị trí gần cửa biển trong mùa mưa gió, không vỡ cảnh quan sông Hàn khu vực này, vừa đảm bảo thuận lợi cho việc kết nối giao thông ngầm trong tương lại; phù hợp với khoảng không gian mặt nước để phục vụ khai thác cảnh quan, hoạt động lễ hội du lịch”, ông Trung phân tích.

Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng, ý kiến của hội đồng chấm chọn phương án thiết kế công trình giao thông qua sông Hàn đã chỉ rõ, nếu làm cầu sẽ mất không gian mặt nước và hai bên đầu cầu (trong bán kính bảo vệ cầu), đồng thời rất khó xử lý nút giao thông phía đường bạch Đằng.

Theo ông Thơ, áp lực mật độ dân cư hai bờ sông Hàn, phương tiện lưu thông nội thị đang ngày một gia tăng. Tính riêng 5 năm trở lại đây, phương tiện tăng gấp đôi. 10 năm nữa chắc chắn phải tăng gấp 2-3 lần. Mỗi ngày thành phố phải ký 3-4 giấy phép xin xây cao ốc, căn hộ, trung tâm thương mại nên nếu không giải quyết bài toán về công trình qua sông Hàn ở đây sẽ bị chậm trễ.

Vấn đề băn khoan về kỹ thuật làm hầm chui, ông Thơ cho hay: thế giới và cả Việt Nam đã và đang áp dụng phổ biến công nghệ hầm chui. So với hầm Thủ Thiêm (TP.Hồ Chí Minh), giải pháp thi công hầm chui sông Hàn sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn do nền đất ổn định (cát và đất sét, trong khi hầm Thủ Thiêm nền đất yếu) và chỉ sâu 5-6m (hầm Thủ thiêm sâu 16-18m).

Việc có ít phương án thiết kế hầm (2 phương án) so với thiết kế cầu (7 phương án) tại cuộc thi phương án đầu tư công trình giao thông vượt sông Hàn (từ tháng 9-10/2016), theo ông Thơ, do tính chất “hiện” nên cầu dễ dàng thể hiện thể hiện bằng các hình thức, kiểu dáng. Còn hầm “ẩn” vào trong nên rất khó để thiết kế.

Trong tổng số 16 thành viên Hội đồng thi tuyển, có 8 thành viên đề nghị lựa chọn giải pháp hầm, còn lại 5 thành viên chọn xây cầu và 3 ý kiến khác.

Ông Trung phân tích nhiều ưu điểm hầm chui qua sông Hàn sau khi nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc công trình qua sông Hàn.
Ông Trung phân tích nhiều ưu điểm hầm chui qua sông Hàn sau khi nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc công trình qua sông Hàn.

“Thông tin Đà Nẵng lựa chọn hầm chui cách vội vã, gấp gáp là không chính xác. Thành phố nghiên cứu rất kỹ lưỡng trong thời gian dài cùng hàng loạt cuộc họp, lấy ý kiến thường vụ Thành ủy”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh. Trong tuần này, Thường vụ Thành ủy tiếp tục họp vấn đề nguồn vốn đầu tư hầm. Đây là cuộc họp thứ 4 ở cấp Thường vụ Thành ủy, để có thể đưa ra những quyết định cuối cùng về công trình giao thông qua sông Hàn, trước khi tiếp tục thông qua ở cấp HĐND.

Theo ông Xuân Anh, xây hầm là phương án “nhân văn”, hỗ trợ người dân di chuyển trong điều kiện thiên tai, mưa bão. Lãnh đạo Đà Nẵng cũng cho rằng: Làm hầm tốn hơn khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng so với xây cầu, nhưng vấn đề là tính hiệu quả, hữu dụng. Nhanh nhất năm 2018 công trình mới có thể khởi công, mất 5-7 năm mới có thể hoàn thành, khi đó điều kiện kinh tế- xã hội sẽ thay đổi, giao thông phải đi trước mở đường.

Lãnh đạo Đà Nẵng khẳng định: Trên cơ sở nghiên cứu kỹ, lắng nghe nhiều kênh ý kiến, tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy ngày 18/10 vừa qua, đã thống nhất cao chọn phương án hầm qua sông Hàn với nhiều ưu điểm, đồng thời là phương án có tính chất chiến lược, tầm nhìn xa, không phá vỡ cảnh quan sông Hàn khu vực này.

Theo ông Trung, hiện hai phương án hầm chui qua sông Hàn đang được ưu tiên nghiên cứu. Trong đó, phướng án 1: hướng tuyến công đi từ phía Tây nối nút giao thông đường Đống Đa- đường 3/2 – Trần Phú chạy dọc theo đường Như Nguyệt và kết nối sang đường Vân Đồn. Phương án này có ưu điểm là hạn chế giải tỏa (khoảng 22 hộ), nhưng khó tổ chức giao thông ở nút phía Tây, và có đoạn cong lớn ảnh hưởng đến tốc độ.

Phương án 2, có hướng tuyến đi thẳng từ đoạn cuối đường Đống Đa nối sang đường Vân Đồn với ưu điểm giao thông thuận tiện, dễ bố trí giao thông công cộng trong tương lai, nhưng khối lượng GPMB lớn (hơn 200 hộ). Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng: thành phố cân đối vốn, làm tuyến thẳng sẽ phải thêm khoảng 800 tỷ đồng GPMB khu dân cư phía đường Đống Đa nhưng bù lại sẽ góp phần tổ chức lưu thông hiệu quả.

Theo Xuân Huy

Cùng chuyên mục
XEM