Vì sao cuộc chạy đua vào không gian của các tỷ phú thế giới khiến công chúng giận dữ?

24/12/2021 13:32 PM | Kinh doanh

Một số tỷ phú đã dành cả năm 2021 để chuẩn bị cho chuyến bay vào không gian của mình. Tuy nhiên, những phản ứng dữ dội ngày càng gia tăng của công chúng trước sự xa hoa của họ có thể kìm hãm tương lai của ngành du lịch vũ trụ.

Trong một cuộc khảo sát gần đây, hơn 3/4 người ở Vương quốc Anh nghĩ rằng những nhân vật giàu có như Jeff Bezos, Elon Musk và Richard Branson "nên tập trung nguồn lực của họ vào các vấn đề mà Trái đất đang đối mặt như biến đổi khí hậu, trước khi đầu tư vào du hành vũ trụ".

Các tên lửa Blue Origin của Bezos ước tính tạo ra 75 tấn khí thải trong mỗi chuyến bay kéo dài 11 phút, nhiều hơn lượng khí thải mà một người bình thường tạo ra trong suốt cuộc đời của họ. Công ty này vào năm 2018 cũng cho biết một chuyến đi bằng tên lửa có giá từ 200.000 đến 300.000 USD cho mỗi hành khách.

Tương tự, theo Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ, công ty du lịch vũ trụ Virgin Galactic của Branson cũng cần tiêu thụ khoảng 5 tấn carbon để đưa một hành khách ra ngoài không gian, với mức giá tương đương với một tấm vé của Blue Origin.

Hiện nay, không công ty nào đồng ý tiết lộ mức giá mới nhất của họ, bao gồm cả SpaceX, công ty đã thực hiện thành công sứ mệnh không gian đầu tiên của mình sau khi đưa nhóm du khách trở về từ chuyến bay kéo dài ba ngày trên quỹ đạo Trái đất vào tháng 9.

 Vì sao cuộc chạy đua vào không gian của các tỷ phú thế giới khiến công chúng giận dữ? - Ảnh 1.

Tỷ phú Jared Isaacman tạo dáng trước Inspiration4 - sứ mệnh đầu tiên của SpaceX đưa các phi hành gia không chuyên lên quỹ đạo, đã hạ cánh thành công vào tháng 9. Ảnh: Forbes/Getty Images

Nhiều người cho rằng việc chi tiêu một số tiền khổng lồ, cũng như đốt cháy quá nhiều carbon và các khí thải độc hại khác dưới danh nghĩa du lịch là một hành động nhẫn tâm. “Tầng lớp tỷ phú đã thiếu quan tâm tới các vấn đề mà hành tinh đang phải đối mặt” Jordan Greenaway, giám đốc của Transmission Private, công ty quản trị thương hiệu đã thực hiện cuộc nghiên cứu này cho biết.

Làn sóng phản đối du lịch vũ trụ bắt đầu ngay sau khi cả Virgin Galactic và Blue Origin tung ra các chuyến bay có người lái đầu tiên của họ vào tháng 7. “Bây giờ chúng ta đã đạt đến sự bất bình đẳng ở các tầng lớp trung lưu. Các tỷ phú đốt tiền để được lao vào không gian, tránh xa một thế giới với đại dịch, biến đổi khí hậu và nạn đói,… Đây là sự điên rồ mà không phải thành tựu của con người”, Deepak Xavier, người đứng đầu Chiến dịch Bất bình đẳng toàn cầu của Oxfam International cho biết.

Các tuyên bố tương tự đã được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh COP26 vào tháng 11. Phi hành gia người Anh Tim Peak cho biết ông rất thất vọng khi thấy du hành vũ trụ giờ đây bị coi là một trải nghiệm xa xỉ. Ông nói trong hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, “Cá nhân tôi là người thích sử dụng không gian vào mục đích khoa học và vì lợi ích của mọi người trên Trái đất”.

Sau sự kiện này, dư luận càng trở nên cứng rắn hơn đối với du lịch vũ trụ, như những gì đã được thể hiện trong cuộc khảo sát gần đây của Transmission Private. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến tương lai của các công ty không gian, chẳng hạn như Virgin Galactic, Blue Origin và một loạt các công ty khởi nghiệp khác đã ra mắt trong âm thầm.

Giám đốc Greenaway nói: “Đây là một cảm xúc có thể mở đường cho những lời kêu gọi từ công chúng về các loại thuế khí hậu đánh vào lối sống của những người giàu có trong năm mới”.

 Vì sao cuộc chạy đua vào không gian của các tỷ phú thế giới khiến công chúng giận dữ? - Ảnh 2.

Tên lửa Virgin Galactic phóng vào không gian. Ảnh: Forbes/Getty Image

Kết quả, cổ phiếu của Virgin Galactic đã mất hơn một nửa giá trị kể từ chuyến bay đầu tiên của công ty vào tháng 7. Branson thậm chí đã phải bán 300 triệu USD cổ phần của chính mình trong doanh nghiệp, và một chuyến bay vũ trụ tiếp theo đã bị hoãn lại cho đến năm sau.

Trong khi đó, cổ phiếu của Blue Origin không thể được giao dịch công khai, dù ban đầu đã có tin đồn rằng công ty có thể ra mắt công chúng thông qua IPO hoặc SPAC.

Lúc này, một số công ty khởi nghiệp về không gian lại tìm cách lợi dụng dư luận tiêu cực về các ‘công ty tên lửa’ để thu hút sự chú ý của những người quan tâm. Chẳng hạn như Space Perspective cho biết họ sẽ cung cấp những chuyến bay “không phát thải" (Zero-emissions) “bằng ‘khí cầu không gian’ thay vì tên lửa."

Nhưng các ‘công ty tên lửa’ đang phản bác lại những thông tin này và cố gắng chứng minh với thế giới rằng họ "chuyên nghiệp hơn". “Chúng ta cần phải có mục đích ngoài việc chỉ muốn bay lên cao và nhìn ra thế giới”, giám đốc Greenaway nói.

Theo đó, Blue Origin nói rằng để bảo tồn Trái đất, "chúng ta phải đi vào không gian để khai thác các nguồn tài nguyên và năng lượng vô hạn của nó." Trong khi đó, Amazon của Bezos cũng vừa phát sóng bộ phim tài liệu 'Shatner In Space’ (Shatner trong không gian), với William Shatner là người đã thực hiện chuyến du hành vũ trụ của Blue Origin vào tháng 10, đã dành những lời khen có cánh cho sứ mệnh nghiên cứu của công ty.

Ngoài ra, Virgin Galactic cũng cho biết tên lửa của họ có thể tái sử dụng và mục tiêu của công ty là sẽ cố gắng “cải thiện mức phí hiện tại, sự an toàn và tác động môi trường của việc phóng vào không gian."

Tỷ phú công nghệ Jared Isaacman cho biết chuyến đi của ông trên tàu Inspiration4 đã gây quỹ cho Bệnh viện Nghiên cứu Trẻ em St. Jude ở Memphis. Trong khi SpaceX, công ty đã thực hiện thành công sứ mệnh đầu tiên của mình, đã tự hào rằng công ty có những mục tiêu to lớn hơn thế, bao gồm cả việc du hành giữa các hành tinh.

 Vì sao cuộc chạy đua vào không gian của các tỷ phú thế giới khiến công chúng giận dữ? - Ảnh 3.

Tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa sau khi trở về từ Trạm Vũ trụ Quốc tế trên tàu vũ trụ Soyuz MS-20 vào thứ Hai 20/12.

Giám đốc Greenaway cho biết: những mục đích cao cả này là điều mà khách du lịch vũ trụ nên nghĩ đến trước khi mua vé cho những chuyến bay ra ngoài quỹ đạo. "Tại sao bạn muốn đầu tư tiền của mình vào việc này? Tại sao chúng ta phải xả ra lượng CO2 này trong một chuyến đi dài 11 phút?”.

“Điều này có thể là do một số người tin rằng việc đầu tư vào công nghệ vũ trụ sẽ mở ra sự đổi mới trong các lĩnh vực khác, và có thể giúp chúng ta theo những cách mới mẻ và khác biệt hơn."

Chẳng hạn như với tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa, tất cả những hoạt động này theo anh là vì mục đích phát triển xã hội hơn là công nghệ.

Cũng vào thứ hai 20/12 vừa qua, Maezawa đã trở lại trái đất sau chuyến đi kéo dài 12 ngày trên tàu vũ trụ Soyuz đến Trạm Vũ trụ Quốc tế. Chuyến đi này là một cuộc diễn tập cho cuộc du hành lên mặt trăng của anh trên một tên lửa của SpaceX vào năm 2023.

Maezawa cho biết anh đang tìm kiếm 8 thành viên của công chúng để cùng mình tham gia chuyến du hành lên mặt trăng. Các ứng cử viên cần phải tham gia vào “bất cứ hoạt động nào” mang lại "lợi ích cho những người khác và xã hội", nhà tỷ phú nói trong một video và cho biết rằng mình đã trả tiền cho toàn bộ chuyến đi.

Theo An Le

Cùng chuyên mục
XEM