Vì sao có tới 63 nạn nhân là người Canada trong vụ rơi máy bay ở Iran?

10/01/2020 16:52 PM | Xã hội

Họ là những bác sĩ, kỹ sư và nghiên cứu sinh tiến sĩ. Người Canada thiệt mạng trong vụ máy bay rơi ở Iran hôm 8/1 vừa qua phần lớn là sinh viên và những người có học thức cao, phản ánh nỗ lực của Canada trong việc thu hút người lao động tay nghề cao trong bối cảnh đất nước này đang phải đối mặt với tình trạng dân số già.

Trong khi chính phủ nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với bài toán làm thế nào để có thể tiếp nhận người nhập cư đến làm việc mà không thổi bùng lên những giận dữ mang tính chính trị, Canada đang đi theo con đường trái ngược. Năm ngoái, lượng người nhập cư vào Canada gia tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Khoảng 12% số học sinh sinh viên từ trung học trở lên ở Canada là sinh viên quốc tế.

63 người thiệt mạng trong chuyến bay số hiệu 752 của hãng hàng không quốc tế Ukraine cất cánh từ Tehran là người Canada. Bi thảm hơn, Thủ tướng Justin Trudeau trong cuộc họp báo rạng sáng nay nói rằng có bằng chứng cho thấy chiếc máy bay đã bị tên lửa đất đối không của Iran đâm phải, chưa biết đó có phải là tai nạn hay không.

"Chúng tôi có thông tin tình báo từ nhiều nguồn, trong đó có cả từ các đồng minh và từ tình báo của chính Canada... Điều này có vẻ là không cố ý", ông nói.

ĐH Toronto đã xác minh có ít nhất 6 sinh viên có mặt trên chuyến bay và vẫn đang tiếp tục thu thập thông tin. Trên máy bay cũng có 2 sinh viên của ĐH Guelph, trong khi ĐH Waterloo mất đi 2 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Hiệu trưởng ĐH Alberta David Turpin cũng thông báo có một vài thành viên của trường thiệt mạng.

"Thật sự việc đào tạo một người lên tới trình độ đó, tiếp nhận họ và giúp họ hòa nhập là công việc rất khó khăn và tốn nhiều công sức. Ví dụ, bác sĩ nhà nha sĩ cần rất nhiều thời gian để lấy được bằng cấp đem đến cho họ công việc ở Canada. Đây là điều rất buồn cho cả 2 nước khi mất đi nhiều nhân tài", bà Parisa Mahboubi – chuyên gia phân tích chính sách cấp cao tại Viện nghiên cứu C.D. Howe (Toronto) nói.

Mahboubi là người mang 2 quốc tịch Canada - Iran và đã sống ở Canada được hơn 13 năm.

Năm ngoái, Canada tiếp nhận ròng 437.000 người từ khắp nơi trên thế giới. Mặc dù con số này chỉ bằng 1/10 của Mỹ nhưng đã giúp dân số Canada tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây bất chấp tỷ lệ sinh giảm.

Làn sóng nhập cư trở thành 1 động lực phát triển kinh tế và văn hóa của Canada. Và với tỷ lệ tăng trưởng dân số tự nhiên thấp, phần đóng góp của người nhập cư trong việc nhanh chóng mở rộng lực lượng lao động và cả nguồn thu thuế ngày càng quan trọng.

Canada sử dụng hệ thống chấm điểm để sàng lọc những người nhập cư kinh tế - nhóm chiếm khoảng 60% tổng lượng người nhập cư. Cách thức này – tính toán đến những yếu tố như trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc – có thể là lý do tại sao chỉ 27% người Canada coi người nhập cư là gánh nặng đối với đất nước họ, tỷ lệ thấp nhất trong số 18 quốc gia mà Viện Pew khảo sát hồi tháng 3.

Vài năm gần đây, Canada đã áp dụng cơ chế cấp thị thực nhanh và ngành công nghệ được hưởng lợi nhiều nhất. Nhiều người nhập cư chọn Canada là nơi thay thế cho Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump siết chặt quy định về thị thực ngành công nghệ cao và hạn chế người nhập cư từ một số nước theo đạo Hồi.

Mặc dù Mỹ là một trong những điểm đến hàng đầu cho người di cư trên khắp thế giới, Mỹ vẫn đứng sau Canada nếu xét theo lượng lao động nhập cư có trình độ cao. "Cả 2 nước đều đang đối mặt với dân số già và làn sóng công nghệ thay đổi, các nhà tuyển dụng lao động ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào lao động nước ngoài có trình độ", bà Mahboubi nói.

Parisa Eghbalian là 1 nha sĩ tới Iran cùng cô con gái 9 tuổi để tham dự lễ đính hôn của em mình. Chồng cô, người cũng là 1 nha sĩ, ở lại Toronto.

Evin Arsalani, nhân viên của ngân hàng Canada Imperial Bank of Commerce, cũng ở trên chuyến bay cùng với người chồng Hiva Molani và cô con gái.

Đáng buồn, tất cả đều đã thiệt mạng.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM