Vì sao các startup Việt Nam – trong đó có Tiki, ưa thích thành lập doanh nghiệp tại Singapore?

21/07/2021 08:23 AM | Kinh doanh

Không phải tự dưng, Singapore được mệnh danh là ‘thiên đường’ khởi nghiệp. Ở quốc đảo này, không cần biết người đứng sau startup là ai, chỉ cần bạn đủ điều kiện mở doanh nghiệp – nhất là trong lĩnh vực công nghệ và sáng tạo đổi mới, sẽ hưởng những ưu đãi mà chẳng nơi nào ở Đông Nam Á có được. Ngoài ra, startup còn dễ thu hút nhân tài, gọi vốn và IPO, như Tiki - thông qua SPAC.

Mới đây, thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Cục đã nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ, hợp lệ của Công ty Tiki Global Pte. Ltd Công ty cổ phần Tiki.

Theo hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, Công ty Tiki Global Pte. Ltd dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 90,5% cổ phần của Công ty cổ phần Tiki sau khi Công ty này phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ.

Sau khi hoàn thành giao dịch tập trung kinh tế, Công ty Tiki Global Pte. Ltd sẽ giành được quyền kiểm soát, chi phối Công ty cổ phần Tiki.

Công ty Tiki Global Pte. Ltd được thành lập tháng 5/2021 theo pháp luật Singapore và chưa có bất cứ hoạt động kinh doanh nào trên thị trường Việt Nam. Chủ sở hữu duy nhất kiêm giám đốc của Tiki Global là bà Teo Shiot Lun Tessa mang quốc tịch Singapore.

Vì sao các startup Việt Nam – trong đó có Tiki, thích thành lập doanh nghiệp tại Singapore? - Ảnh 1.

Thông báo thành lập Tiki Global từ Chính phủ Singapore.

Về phía Tiki, tính đến hết tháng 3/2021, cơ cấu cổ đông của công ty gồm ông Trần Ngọc Thái Sơn (sáng lập kiêm CEO) đang sở hữu 20,1% cổ phần. CTCP VNG, một trong những kỳ lân công nghệ của Việt Nam sở hữu 20,2% cổ phần. Các cổ đông nước ngoài gồm JD.Com sở hữu 18,2%; Ubiquitous Traders 9,9%; Success Elite Holdings 4,5%; Finup Asia Investment I 3,7%... Các cổ đông nước ngoài hiện đang nắm giữ 49,4% cổ phần Ti Ki.

Tính đến hết năm 2019, Ti Ki đã lỗ lũy kế gần 1.800 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2019, công ty lỗ ròng hơn 1.760 tỷ đồng, năm 2018 lỗ hơn 750 tỷ đồng, năm 2017 lỗ hơn 280 tỷ đồng. Riêng năm 2020, theo báo cáo thường niên của cổ đông chiến lược VNG, Tiki còn lỗ 4 tỷ đồng.

Theo đó, sau khi chúng tôi liên hệ với Tiki, họ trả lời "Tiki xin phép không bình luận gì về vấn đề này’. Tuy nhiên, theo suy đoán của nhiều người, thì Tiki Global Pte. Ltd được thành lập bởi nhiều cổ đông hiện tại của Tiki, nhằm chuẩn bị cho các kế hoạch kêu gọi vốn cũng như IPO ở thị trường nước ngoài.

Trước Tiki, đã có rất nhiều startup Việt đã đăng ký thành lập công ty tại Singapore. Tại sao lại có xu hướng này và tại sao là Singapore?

THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP DỄ DÀNG VÀ CÓ NHIỀU ƯU ĐÃI

Trong một vài viết với tiêu đề "Vì sao tôi mở công ty ở Singapore?’ trên báo Tuổi Trẻ năm 2016, đã chỉ ra rất nhiều lý do khiến Singapre trở thành ‘thiên đường khởi nghiệp’ của Đông Nam Á.

Tại Singapore, tổng thời gian để tiến hành lập công ty tư nhân chỉ mất chưa đầy một tuần làm việc, số vốn tối thiểu là 1 đô Sing - SGD, có thể tăng thêm bất kỳ thời điểm nào sau khi công ty hoạt động.

Công ty phải do một công dân Singapore hoặc thường trú nhân hoặc một người có EP (employment pass, tạm hiểu là người có giấy phép lao động) đứng tên làm giám đốc. Phải có ít nhất một cổ đông, một thư ký, một địa chỉ xác định và tên của công ty phải được đăng ký và chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Nếu không có nhân sự, chúng ta có thể thuê người đứng tên làm Giám đốc và thuê luôn cả thư ký để lo các công việc giấy tờ của công ty sau này. Giá thuê giám đốc là 3.500 SGD/năm kèm theo 5.000 SGD đặt cọc. Thuế doanh nghiệp là 17%/năm nhưng nếu doanh thu công ty trong ba năm liền dưới 100.000 SGD, sẽ được miễn thuế.

Sau khi thành lập công ty tại Singapore, các hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài sẽ được công ty tại Singapore ký, lợi nhuận sẽ được chuyển vào tài khoản công ty Singapore, sau đó chính công ty Singapore sẽ ký hợp đồng gia công, thực hiện các yêu cầu hợp đồng với công ty ở Việt Nam và mọi nội dung của hợp đồng sẽ do công ty Việt Nam thực hiện.

Thuế doanh nghiệp ở Singapore thấp hơn ở Việt Nam nên làm điều này sẽ lợi hơn cho chủ doanh nghiệp. "Trong các hợp đồng ký với đối tác quốc tế khi xảy ra tranh chấp đều ghi là sẽ giải quyết tại tòa án của Singapore, điều này tạo cảm giác an tâm và thoải mái hơn nếu đề nghị giải quyết tranh chấp tại tòa án Việt Nam" - ông P.V.H., một giám đốc được thuê, cho biết.

Các công ty vừa và nhỏ (SME) ở Singapore còn được chính phủ cho phép tham gia những chương trình giảm trừ thuế: nếu doanh nghiệp mua máy móc, thiết bị đúng theo chương trình hỗ trợ của chính phủ sẽ được khai vào chi phí của doanh nghiệp mà không phải đóng thuế; các thiết bị công nghệ thông tin: máy tính, máy in... nếu đúng quy định của chính phủ sẽ còn được hỗ trợ hoàn toàn hoặc một phần kinh phí mua thiết bị để doanh nghiệp có thể đẩy mạnh công nghệ thông tin.

Vì sao các startup Việt Nam – trong đó có Tiki, thích thành lập doanh nghiệp tại Singapore? - Ảnh 2.

Tống Nhật Dương (ngoài cùng bên phải) cùng 2 founder khác của startup Homage.

"Từ quan điểm của tôi, Chính phủ Singapore đã rất chủ động trong việc tạo ra các nguồn lực cũng nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp trong vài năm qua. Ở đó, chúng ta có thể thấy Chính phủ đặc biệt thiết lập rất nhiều tổ chức, quỹ đầu tư, quỹ tài trợ, trung tâm sáng tạo… kịp thời bổ trợ cho các startup trong nhiều giai đoạn phát triển khác nhau.

Đây là đòn bẩy cần thiết giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể đạt đến thành tựu gì đó. Công ty của tôi - Homage đã được hưởng lợi lớn từ những sáng kiến kể trên. Homage đã nhận được hỗ trợ 300.000 SGD từ Bộ Y tế Singapore, Quỹ DBS và Trung tâm Doanh nghiệp Xã hội Singapore trong thời gian đầu khởi nghiệp.

Nếu so sánh, tôi thấy hệ sinh thái khởi nghiệp ở Singapore trưởng thành hơn ở Việt Nam.

Nhưng bên cạnh đó, tôi nghĩ Việt Nam cũng sở hữu nhiều lợi thế mà quốc gia khác không có để có thể xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt: ngoài một lượng lớn nhà khởi nghiệp đầy hoài bão, Việt Nam còn có một lượng lớn nhân sự trẻ nhiều nhiệt huyết và tài năng. Hiện tại, Chính phủ Việt Nam cũng đang rất chú trọng đến việc cung cấp và hỗ trợ nhiều mặt cho các startup.

Cá nhân tôi cho rằng, giới khởi nghiệp ở Việt Nam cần nhiều sự ủng hộ hơn nữa trong tương lai gần, với những kết nối đúng đến các nguồn lực – mentor, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp startup Việt phát triển nhanh hơn nữa", Tống Nhật Dương – founder Homage chia sẻ trong một vài phỏng vấn năm 2018.

Tống Nhật Dương – sinh năm 1991, là 1 trong 5 doanh nhân trẻ Việt Nam trong danh sách 30 Under 30 của tạp chí Forbes châu Á 2018, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ. Hiện Homage hoạt động ở thị trường Singapore và Malaysia, cũng như có kế hoạch mở rộng ra thêm 5 quốc gia tại Đông Nam Á trong vài năm tới.

Năm 2020, Homage – startup chuyên về chăm sóc sức khỏe cho người già, thành lập ở Singapore năm 2016, vừa thành công gọi vốn vòng Series B được dẫn dắt bởi quỹ EV Growth và nhà đầu tư mới Alternate Ventures cùng KDV Capital. Theo TechCrunch, số tiền nói trên vào khoảng 10 triệu USD.

Ông Nguyễn Minh quý – CEO Tập đoàn Internet Novaon, người từng mở công ty tại Singapore, ví dụ cụ thể hơn: "Khi chúng tôi mua một máy tính để thành lập Novaon Singapore, họ cho tiền mua máy tính, trang thiết bị khác, mình chỉ mất 40%, họ trả lại cho mình 60%. Đó là trách nhiệm của Nhà nước phải làm để giúp DN khởi nghiệp".

DỄ KÊU GỌI VỐN CŨNG NHƯ IPO

Ngoài ra, một số doanh nghiệp công nghệ thông tin khác, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp còn có thể rút ngắn thời gian để các cổ đông mới dễ dàng rót vốn và tham gia điều hành công ty. Tại Việt Nam phải làm giấy phép mua bán cổ phần và các thủ tục liên quan có thể mất ít nhất sáu tháng, còn tại Singapore chuyện này chỉ tốn 1-2 tuần.

Vì sao các startup Việt Nam – trong đó có Tiki, thích thành lập doanh nghiệp tại Singapore? - Ảnh 3.

Nguyễn Hữu Tuất (ngoài cùng bên trái) của team lãnh đạo của NextPay.

"Công nghệ thanh toán mà mPos đang kinh doanh mới ra mắt ở Mỹ vài năm, và công ty thành công nhất là Square đã được định giá 5 tỉ USD. Chúng tôi mong muốn thành một Square mới của khu vực Đông Nam Á

Khi đặt mục tiêu này, chúng tôi phải tính toán kỹ nên đặt công ty mẹ ở đâu. Cuối cùng chúng tôi quyết định chọn Singapore để khi công ty đủ lớn, có thể IPO được ở Mỹ, Hồng Kông về sau", ông Nguyễn Hữu Tuất – Tổng Giám đốc Công ty mPos Việt Nam chia sẻ với Vietnamnet trong năm 2016.

Vì sao? Theo ông Nguyễn Hữu Tuất là vì: uy tín thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam chưa tốt. Các công ty công nghệ được IPO, được đánh giá tốt tại Việt cũng chưa có, cho nên startup này đã đặt công ty mẹ ở Singapore. Chọn Singapore không hẳn là pháp lý hay thủ tục, mà chủ yếu là tầm nhìn để xây dựng một doanh nghiệp lớn hơn, ngang tầm khu vực.

Cụ thể hơn, có 3 lý do khiến doanh nhân trẻ này chọn Singapore: Thứ nhất, Singapore là một nơi trung chuyển về giao thông, từ Singapore có thể đi đến tất cả các nước nhanh hơn, dễ dàng hơn; thứ hai, Singapore là trung tâm tài chính của khu vực châu Á, tất cả những nhà đầu tư đều ở đó; thứ ba là đội ngũ doanh nhân có tầm nhìn toàn cầu ở Singapore luôn sẵn có.

Lúc đó, Công ty mPos Việt Nam đang hoạt động với tư cách là công ty con của Softpay Mobile International – một công ty được nhóm của ông Tuất thành lập ở Singapore vào 10/2014. Đến tháng 6/2019, mPOS đã hợp nhất với VIMO để tạo nên NextPay và ông Nguyễn Hữu Tuất đang là CEO của NextPay. NextPay và VIMO đều thuộc vườn ươm startup NextTech của Shark Bình. NextPay đang có kế hoạch IPO vào năm 2022.

Trở lại trường hợp Tiki. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì muốn lên Sàn giao dịch hàng hóa Singapore (SGX), yêu cầu về tài chính đối với các doanh nghiệp là: Lợi nhuận tích lũy trước thuế 3 năm gần nhất phải đạt tối thiểu 7,5 triệu SGD (tương đương 122,24 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế mỗi năm phải đạt ít nhất 1 triệu SGD (16,29 tỷ đồng) hoặc lợi nhuận tích lũy trước thuế trong 1 hay 2 năm gần nhất phải đạt tối thiểu 10 triệu SGD. Tức là những rào cản với Tiki ở SGX cũng giống HOSE.

Thế nên, theo nhiều chuyên gia, có thể Tiki đang tìm đường IPO ở thị trường nước ngoài (có thể ở Singapore hoặc các sàn khác) thông qua SPAC.

Vì sao các startup Việt Nam – trong đó có Tiki, thích thành lập doanh nghiệp tại Singapore? - Ảnh 4.

IPO thông qua SPAC.

Công ty mua lại mục đích đặc biệt (Special purpose acquisition company - SPAC) là các công ty rỗng, không có hoạt động thương mại nào. Mục đích duy nhất của SPAC là huy động vốn thông qua IPO để hợp nhất hoặc mua lại một công ty khác và đưa công ty đó lên sàn. Thông thường, SPAC được tạo ra hoặc được tài trợ bởi 1 nhóm nhà đầu tư tổ chức.

Hiện tại, sự bùng nổ của SPAC chủ yếu tập trung ở thị trường Mỹ. Năm 2019, tại Mỹ đã có 59 SPAC được thành lập và huy động 13,6 tỷ USD. Năm sau, số liệu nhảy lên thành 226 SPAC và 83,3 tỷ USD. Trong ba tháng đầu năm 2021, các SPAC mới ra đời đã hút được hơn 87 tỷ USD, nhiều hơn cả năm 2020. Số thương vụ sáp nhập SPAC đang vượt xa các cuộc IPO truyền thống.

Tại thị trường Mỹ, doanh nhân Chính Chu - tỷ phú gốc Việt, chính là ‘cánh chim đầu đàn’ ở lĩnh vực này.

Thời gian qua, làn sóng này cũng đã lan sang châu Á và Đông Nam Á. Một số thương vụ nổi bật như Grab (Singapore) chuẩn bị lên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq thông qua SPAC với mức định giá dự kiến gần 40 tỷ USD. Traveloka cũng đang đàm phán sâu để IPO thông qua việc sáp nhập với Bridgetown Holdings, một công ty SPAC do tỷ phú Richard Li và Peter Thiel hậu thuẫn.

Còn theo nhận định từ cây viết Marissa Lee trên trang tài chính Preqin, năm 2021 là một năm bùng nổ lớn đối với Đông Nam Á. Các công ty "kỳ lân" có giá trị nhất trong khu vực đang chuẩn bị cho kế hoạch IPO theo phương thức truyền thống hoặc hợp nhất với các SPAC.

Tại Việt Nam, hãng ô tô VinFast của Vingroup và hãng hàng không Bamboo Airways của FLC đang có ý định IPO trên sàn chứng khoán Mỹ; có thể thông qua hình thức SPAC.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM