Vì sao các nhà lãnh đạo xuất sắc không bao giờ dùng từ "thất bại"?

17/12/2020 20:00 PM | Kinh doanh

Các nhà lãnh đạo không bao giờ dùng từ thất bại. Họ không bao giờ suy nghĩ theo khía cạnh tiêu cực mà chỉ công nhận những bài học quý báu, những kinh nghiệm học tập và những bước lùi tạm thời.

Orison Swett Marden, một tác giả khơi gợi nhiều cảm hứng cho độc giả cho hay: "Chẳng có gì mang tên thất bại đối với một người nhận ra sức mạnh của mình, người không bao giờ nản chí; không có từ thất bại dành cho một nỗ lực đầy quyết tâm, cho một ý chí không thể đánh bại. Chẳng có gì là thất bại đối với một người đứng dậy mỗi khi vấp ngã, bền chí chiến đấu khi tất cả những kẻ khác đều đã bỏ cuộc, người dấn bước khi kẻ khác quay lưng sẽ không biết tới từ thất bại.

Nhiều năm trước đây, một nhà quản lý trẻ tuổi đã hỏi Thomas J. Watson, người từng đứng đầu tập đoàn IBM rằng: "Làm sao tôi có thể tiến bước nhanh hơn trong sự nghiệp của mình?". Watson trả lời: "Hãy tăng tốc độ thất bại của anh lên gấp đôi." Nói cách khác, càng thất bại và học hỏi thường xuyên bao nhiêu, bạn càng nhanh chóng có được thành công bấy nhiêu.

Một số nhà lãnh đạo thậm chí còn nói những điều như: "Ta phải thất bại nhanh hơn từ bây giờ nếu muốn thành công trên thương trường." Nói cách khác, ta phải học nhanh hơn nữa. Thay vì chỉ mắc phải vài thất bại trong một năm, hãy trải nghiệm 10 hoặc 20 thất bại và với đầy đủ kiến thức, bạn sẽ có thế thống lĩnh thị trường của mình sớm thôi.

Hướng giải pháp

Các nhà lãnh đạo có thể đối mặt với những bước lùi và các cuộc khủng hoảng bởi họ là những người điều hướng giải pháp. Khi một vấn đề xuất hiện, họ sẽ nghĩ đến việc làm sao để đối phó với nó thay vì tìm người để trách tội.

Trong cuốn sách Cruch Point (Tạm dịch: Điểm trật gãy), tác giả nổi tiếng Brian Tracy có trình bày một số bước quan trọng mà các nhà lãnh đạo thường sử dụng để ứng phó với một cuộc khủng hoảng hoặc một bước lùi, bất kể vấn đề trong đó nghiêm trọng ra sao:

- Bình tĩnh. Không được lo lắng hay nổi nóng. Tất nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm, nhưng các nhà lãnh đạo luôn giữ được sự bình tĩnh và tâm trí thông suốt bởi họ có thể gạt bỏ cảm giác tức giận về điều mà họ không thể thay đổi.

- Tự tin vào năng lực của bản thân. Bạn từng giải quyết những cuộc khủng hoảng trong quá khứ và bạn có thể làm được việc đó một lần nữa.

- Dũng cảm ngẩng cao đầu tiến bước. Đừng để mình bị cản trở vì sự xoay chuyển đột ngột của tình thế. Hãy ngay lập tức thực hiện những hành động cụ thể để giải quyết tình huống. Thu thập dữ kiện. Tìm hiểu chính xác chuyện gì đã xảy ra trước khi đưa ra quyết định.

- Nắm quyền kiểm soát. Chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tìm người đổ lỗi hay nương vào quá khứ sẽ không giúp giải quyết được vấn đề.

- Cắt lỗ. Hãy bước nhanh ra khỏi một giải pháp không hữu hiệu.

- Kiểm soát khủng hoảng. Nhận lãnh trách nhiệm, lên kế hoạch và tập trung giải quyết vấn đề. Giao tiếp liên tục. Không ngừng cập nhật để mọi người nắm được tình hình. Sự thiếu rõ ràng có thể kết hợp với khủng hoảng tạo nên những nguy cơ khôn lường.

- Xác định các trở ngại. Xác định những trở ngại làm giảm tốc độ giải quyết và đối phó với khủng hoảng của bạn.

- Khơi mở khả năng sáng tạo. Xây dựng nhiều giải pháp hết sức có thể.

- Phản công. Đánh giá tình huống, thu thập dữ kiện, sau đó tấn công.

Vì sao các nhà lãnh đạo xuất sắc không bao giờ dùng từ thất bại? - Ảnh 1.

- Nhìn nhận mọi thứ thật đơn giản. Trong tình huống xảy ra khủng hoảng, có thể sẽ có vô số chuyện xảy ra và quá nhiều việc phải làm. Hãy chỉ tập trung vào những việc quan trọng nhất. Giữ vững sự chính trực. Bất kể bạn đang phải đối mặt với khủng hoảng hay thách thức nào, bạn sẽ phải giải quyết nó nhưng vẫn luôn giữ vững sự chính trực của mình. Hãy nhớ, tất cả mọi người đang dõi theo bạn.

- Hãy kiên trì cho đến khi thành công. Bất kể quá trình giải quyết khủng hoảng có thể khó khăn ra sao, hay mất thời gian như thế nào, hãy nhớ đừng bao giờ từ bỏ.

Những người nghệ sĩ có tài tùy cơ ứng biến

Nhiều lãnh đạo vươn lên vị trí đầu tàu bởi sự run rủi của hoàn cảnh. Nhiều người trong nhiều năm chỉ đảm nhận những vị trí bình thường, nhưng do biến động hay nghịch cảnh, họ phải nắm giữ ở vị trí dẫn dắt.

Những cùng có những nhà lãnh đạo tài ba trong hoàn cảnh này, nhưng lại trở thành nhà lãnh đạo tệ hại trong hoàn cảnh khác. Một số người là những nhà lãnh đạo tuyệt vời trong hoàn cảnh ổn định, nhưng một số người lại giỏi ứng biến trong những hoàn cảnh biến động.

Đôi khi người lãnh đạo doanh nghiệp phải vào vai một "nghệ sĩ xoay chuyển tình thế". Họ xuất hiện khi công ty gặp nguy cơ sụp đổ vì những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến tài chính và những thay đổi trên thị trường. Những nhà lãnh đạo này có khả năng tái tổ chức và đưa công ty quay trở lại đúng hướng, một cách nhanh chóng, trong khi tất cả nỗ lực của ban lãnh đạo hiện tại đều thất bại.

Bởi vậy lãnh đạo là công việc có tính tùy nghi cao, tuy nhiên, "lửa thử vàng, gian nan thử sức" chính nghịch cảnh mới giúp hé lộ về những nhà lãnh đạo xuất sắc. Vì vậy, bất cứ khi nào cảm thấy mình phải đối mặt với một tình huống khó khăn, hãy coi đó như một cơ hội để thể hiện rằng bạn có "thứ phù hợp" – hay nói cách khác, bạn có tố chất phù hợp để chèo lái con thuyền tổ chức vượt qua sóng gió. Hãy thể hiện những gì cần thiết để bộc lộ tố chất lãnh đạo của mình.

Như Epictetus đã viết: "Hoàn cảnh không tạo ra người đàn ông; chúng chỉ khiến anh ta nhận ra người đàn ông trong mình."

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM