Vì sao các founder nữ vẫn không hút nhà đầu tư bằng các founder nam tại Việt Nam?

27/03/2021 16:00 PM | Kinh doanh

Mặc dù Việt Nam trong đang trong thời kỳ bắt đầu bùng nổ khởi nghiệp, song dường như đó chỉ là cuộc chơi của nam giới, khi nhìn trên thị trường tỷ lệ founder nữ khá thấp và tỷ lệ founder nữ thành công thu hút nhà đầu tư cũng thế. Có rất nhiều nguyên do tạo nên thực trạng đó: văn hóa, bản thân phụ nữ cầu toàn và ít tham vọng, còn phải mang thai – nuôi con…

Tọa đàm trong sự kiện sự kiện EmPower Kick off.
Tọa đàm trong sự kiện sự kiện EmPower Kick off.

Chưa có bất cứ thống kê chính thức nào về tỷ lệ founder nữ so với nam cũng như tỷ lệ nhà sáng lập nữ gọi vốn thành công tại Việt Nam; nhưng chỉ cần quan sát một vòng trên thị trường, chắc chắn cả hai tỷ lệ nói trên đều rất thấp.

Một báo cáo do Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) vừa công bố vào năm 2018 cho thấy: 25% trong số các Giám đốc điều hành (CEO) và thành viên Ban Giám đốc ở Việt Nam là phụ nữ. Nên chúng ta có thể tạm tính, hiện tỷ lệ founder nữ chiếm khoảng 25% trên tổng số các giới tính khác và tập trung ở các tỉnh thành nhỏ và các lĩnh vực khởi nghiệp liên quan đến nông nghiệp – sản xuất – xã hội; rất hiếm phụ nữ khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ ở các thành phố lớn.

Phụ nữ thường "ăn chắc mặc bền", làm nông nghiệp sẽ có ‘đồng ra đồng vào’, lại tập trung nhiều ở các tỉnh lẻ nên không quá cần thiết/không quan tâm đến gọi vốn; ngược lại, nam giới thường táo bạo, lại hoạt động nhiều trong lĩnh vực công nghệ - luôn cần nhiều vốn để chiếm lĩnh thị trường nhanh nhất có thể, tập trung ở các thành phố lớn - nơi có hoạt động gọi vốn sôi nổi; thành ra tỷ lệ nữ giới gọi vốn thành công còn thấp hơn tỷ lệ nữ giới khởi nghiệp.

Trong 4 mùa gần nhất, cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2020 so BSA khởi xướng, có 5 nhà vô địch và 6 founder đoạt giải và 4 trong số đó là nữ: Lê Thị Hiền – sự án ‘Than không khói’ năm 2017; dự án ‘Du lịch phát triển tài nguyên bản địa - CT2’ của Võ Văn Phong và dự án ‘Phát triển thị trường cho sản phẩm gà nướng và chẩm chéo của đồng bào dân tộc Thái – Tây Bắc’ của Đặng Thị Huyền My năm 2018; dự án ‘Bột rau sấy lạnh’ của Nguyễn Ngọc Hương năm 2019; năm 2020 là startup Sokfarm của vợ chồng Phạm Đình Ngãi và Thạch Thị Chal Thi.

Trong Shark Tank 2019, chỉ có 6 nữ founder thuyết phục thành công các shark xuống tiền trên 28 deal thành công, hầu hết trong lĩnh vực nông nghiệp; ví dụ như Đà Lạt Foodie, Green Joy, Damaca Nguyên Phương.

Genesia Ventures và Zone Startups đều tập trung vào đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, nên dường như không hề thấy bóng dáng nữ founder nào trong danh mục đầu tư của họ. Genesia đã rót vốn vào 7 doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam và tất cả founder mà họ đồng hành đều là nam. Những startup nổi bật trong danh mục của Zone Startups như Edu2Review, Stringee, GoStream... cũng đều có founder là nam giới

Trong top 10 thương vụ đầu tư lớn nhất năm 2020, tuyệt nhiên không thấy xuất hiện bất cứ bóng dáng nào của các Nhà sáng lập nữ; còn trong 7 thành viên của mạng lưới Endeavor toàn cầu tại Việt Nam, có duy nhất founder nữ từ ELSA. Có thể thấy, trong cuộc chiến truy tìm nguồn vốn cho startup tại các thành phố lớn, ‘chiến binh’ nữ cực kỳ hiếm hoi.

"Trước đây, tôi là một giảng viên Đại học, năm 37 tuổi tôi mới rời trường và đến đầu quân cho Topica. Đó có xem là một quyết định dũng cảm của bản thân tôi. Rời môi trường giáo dục để tham gia môi trường startup, tôi đã phải thay đổi bản thân cho phù hợp với sự nghiệp mới cũng như phải học hỏi rất nhiều.

Gia nhập Topica, trong hai năm đầu tiên, tôi phải nỗ lực gấp đôi để học tập như thứ mới như công nghệ, khả năng điều hành – quản lý con người, hòa nhập và thấu hiểu các nhân sự trẻ trong công ty.

Phụ nữ ở thành phố lớn khởi nghiệp hay làm lãnh đạo đã khó, tại các tỉnh lẽ như trên Tây Nguyên còn khó hơn. Tôi từng tham gia tập huấn một vài khóa về tạo cảm hứng làm chủ bản thân/lãnh đạo doanh nghiệp cho phụ nữ ở tỉnh KonTum và đã có nhiều chuyện xảy ra trong các khóa học đó mà tôi không thể nào quên được.

Vì sao các founder nữ vẫn không hút nhà đầu tư bằng các founder nam tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Chị Châu Đặng – một lãnh đạo cao cấp của Topica Edtech Group

Các buổi tập huấn của tôi thường diễn ra 1 ngày, học cả buổi sáng lẫn buổi chiều và đã có rất nhiều tiếng khóc trong suốt các buổi học đó. Buổi sáng, nhiều phụ nữ ở đó đi học trong tình trạng lo lắng, bởi họ không được cộng đồng ủng hộ cho việc trở thành lãnh đạo và nhiều công việc trong gia đình đang chờ họ giải quyết. Buổi chiều, không ít người trong lớp buổi sáng nghỉ, vì chồng con không cho họ đi học tiếp, phải ở nhà nấu cơm – giặt đồ - cho gia súc ăn – tưới nước cho rẫy.

Để thuyết phục cả xã hội lẫn bản thân những người phụ nữ ở các tỉnh lẽ độc lập – tự chủ - tin vào bản thân – lãnh đạo người khác là điều không hề dễ dàng", chị Châu Đặng – một lãnh đạo cao cấp của Topica Edtech Group, chia sẻ trong sự kiện EmPower Kick off do Zone Startups đồng tổ chức.

Đồng quan điểm, Dung Hoang – Chuyên viên của Genesia Ventures, cũng cho rằng: khi phụ nữ tham gia vào giới khởi nghiệp, họ phải nỗ lực nhiều hơn các giới tính khác, đồng thời không nhiều tham vọng như các đồng nghiệp nam.

Dung Hoàng hồi tưởng: trong một lần nói chuyện với một cặp đôi đã kết hôn và cùng sáng lập một startup, nữ co-founder đó kể rằng, vì cùng nhau lập nghiệp nên cô và chồng bên nhau suốt 24/24, cùng ăn ngủ và cùng làm việc. Lâu rồi, cả hai chỉ biết làm việc và làm việc, chẳng biết đến lãng mạn. Ngoài hỗ trợ chồng điều hành doanh nghiệp, cô còn phải chăm sóc gia đình – con cái, quan tâm đến 2 bên nội ngoại. Sống trong nền văn hóa Việt Nam, phụ nữ phải đứng ra kết nối và hỗ trợ nhiều bên hơn nam giới.

"Câu hỏi vì sao founder ít thu hút nhà đầu tư hơn giới tính khác là một câu hỏi khó với tôi. Tôi sẽ nhìn vấn đề dưới góc độ một nhà đầu tư. Nguyên do có thể bởi các founder nữ quá cẩn trọng và ít tham vọng hơn các founder nam. Nếu một founder có cả hai phẩm chất đó, doanh nghiệp đó nhiều khả năng sẽ có thể trở thành một SMEs chứ không thể là doanh nghiệp đầu ngành trong mảng nào đó hoặc ‘kỳ lân’.

Tất nhiên, đó không phải là điều mà các nhà đầu tư tìm kiếm ở các founder hay startup. Cẩn trọng là tốt, nhưng cẩn trọng quá không tốt; trong thời đại này, nếu bạn đi quá chậm sẽ bị người khác vượt qua. Hơn nữa, các quỹ đều luôn muốn đầu tư vào các founder có tầm nhìn và tham vọng lớn, để doanh nghiệp ‘bay cao bay xa’, có thể trở thành ‘kỳ lân’ trong tương lai thì họ mới thu lại được nhiều lợi nhuận", Dung Hoàng nêu cụ thể.

Hai nguyên do nhỏ khác, mà các diễn giả trong tọa đàm cho rằng, nó cũng gây bất lợi cho các founder nữ khi đi gọi vốn: phụ nữ thường sẽ có khoảng thời gian gián đoạn để mang thai sinh con và họ không thích giao tiếp qua bàn nhậu.

Khi phụ nữ mang thai, họ sẽ không thể dốc toàn lực cho doanh nghiệp của mình, chưa nói lúc họ chuẩn bị lâm bồn hoặc sau khi sinh, thậm chí nhiều người không thể làm việc hoặc được khuyên là không nên lao lực. Vừa khởi nghiệp thành công vừa sinh nhiều con dường như là nhiệm vụ ‘bất khả thi’. Trong trường hợp này, phụ nữ muốn khởi nghiệp ổn định sẽ có 2 lựa chọn: sinh con xong mới khởi nghiệp hoặc khi doanh nghiệp đã thực sự ổn định và có thể trao quyền, thì mới sinh con.

Để có thể ‘kết hôn’ với nhau, các nhà đầu tư và các startup thường phải trải qua khá nhiều cuộc gặp gỡ - tìm hiểu – trao đổi; rất nhiều buổi gặp nhau trong số đó là trên bàn nhậu – đặc biệt đúng trong giới startup công nghệ. Gặp nhau và uống vài ly, sẽ giúp mọi người dễ mở lòng với nhau hơn, như người ta hay bảo ‘rượu vào, lời ra’. Hơn nữa, trên bàn nhậu là nơi mà người ta dễ bộc lộ bản chất thật nhất, ví dụ khi đã hơi quá chén. Phụ nữ nói chung thường không thích đến quán nhậu hoặc có khi còn không biết uống bia.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM