Vì sao Boeing “được lòng” Việt Nam: Góp phần cân đối cán cân thương mại Việt - Mỹ, thoả niềm “đam mê shopping” của Vietjet Air

26/09/2021 09:15 AM | Kinh doanh

Việt Nam còn là thị trường lớn thứ 2 của Boeing tại Đông Nam Á, thế nên không ngạc nhiên khi hãng may lớn nhất nhì thế giới này vừa quyết định đặt văn phòng đại diện tại Hà Nội tháng 8/2021.

Ảnh: Yêu máy bay
Ảnh: Yêu máy bay

Boeing và Airbus là ‘kỳ phùng địch thủ’ ở thị trường sản xuất máy bay dân dụng lẫn quân sự thế giới. Họ giành giật nhau từng tí - không chỉ ở sân nhà châu Âu hoặc Mỹ mà còn nhiều nước trên thế giới, ví dụ ở Việt Nam.

Cuộc so găng giữa Boeing và Airbus tại thị trường Việt Nam khá ‘cân sức cân tài’ – nhất là ở khía cạnh bán hàng, khi Airbus đã bán được cho Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways 232 chiếc máy bay, còn Boeing bán được nhỉnh hơn một chút – 245 máy bay. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng máy bay mà 2 hãng này đã trao cho các hãng hàng không Việt chỉ một phần, phần còn lại sẽ giao dần trong tương lai.

Ở khía cạnh khác, theo Dự thảo Báo cáo giữa kỳ dự án lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tính đến năm 2019, đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam đạt 229 chiếc với độ tuổi trung bình 5,1. Trong đó, các hãng sở hữu 53 chiếc chiếm 23,1% với độ tuổi trung bình 7,5.

Cụ thể, Vietnam Airlines (bao gồm VASCO) có 105 chiếc, sở hữu 48, thuê khô 57 chiếc; Jetstar Pacific Airlines 18 chiếc, thuê khô 100%; Vietjet Air 80 chiếc, sở hữu một chiếc; Hải Âu sở hữu bốn chiếc; Bamboo Airways tổng 22 chiếc, thuê khô 100%. Hiện ‘tân binh’ Vietravel Airlines có 3 chiếc – thuê khô cả 3.

Theo các chuyên gia trong ngành, đây là nghiệp vụ thường thấy của các hãng hàng không trên thế giới chứ không chỉ tại Việt Nam: các hãng thường mua nhiều máy bay để được chiết khấu cao, sau đó bán lại cho các công ty chuyên cho thuê máy bay rồi cam kết thuê lại (sale and leaseback - SLB) hoặc tự mình cho thuê. Như thế, họ sẽ được ‘lời’ ngay một số tiền hoa hồng đáng kể.

Giải mã nguyên do giúp Boeing tạm thời thắng Airbus ở thị trường Việt Nam: Nhờ ‘sức ép’ to lớn từ Chính phủ Mỹ và ‘niềm đam mê’ mua sắm của Vietjet Air - Ảnh 1.

SSI Research từng dự báo, với việc bán hoặc cho thuê máy bay nhàn rỗi, Vietjet có thể thu về ngay 2.000 tỷ đồng trong quý IV/2020.

Hiện tại, Việt Nam cũng là thị trường lớn thứ hai của Boeing tại Đông Nam Á, sau Indonesia. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Boeing đã bán cho các hãng hàng không Indonesia 432 máy bay – trong đó Lion Air Group mua tới 280 chiếc và Garuda mua 150 chiếc; đứng thứ 3 là Malaysia, các hãng hàng không chỉ nước này mua 177 chiếc – Malaysia Airlines Bhd mua 150 chiếc; các hãng hàng không Thái Lan chỉ mua 75 chiếc Boeing.

THỰC TRẠNG MUA VÀ SỬ DỤNG MÁY BAY CỦA CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được, đến cuối năm 2020, Vietnam Airlines chỉ còn sở hữu 46 máy bay trong đội bay 107 chiếc của mình, gồm: 1 máy bay TurboProp ATR72-500; 38 máy bay thân hẹp Airbus 321CEO; 7 máy bay thân rộng Boeing 787-9; 61 máy bay thuê có 6 máy bay TurboProp ATR72-500; 33 máy bay Airbus 321CEO và 14 máy bay Airbus 350-900; 4 máy bay Boeing 787-9 và 4 máy bay Boeing 787-10.

Phần Vietjet, họ có 2 lần đặt mua máy bay của Boeing với tổng số 200 chiếc và cũng đã 2 lần ký kết mua 170 chiếc Airbus trong thời gian qua. Trong khi đó, đội hình bay của Vietjet được Planespotter ghi nhận mới nhất gồm 64 chiếc. Trong số này, dòng Airbus 320 chiếm 22 chiếc và dòng Airbus 321 là 42 chiếc. Cũng theo Planespotter, trong 64 chiếc này, số máy bay Vietjet sở hữu hiện chưa đến 1/3, số còn lại hơn 40 tàu bay đều được Vietjet đi thuê lại.

Giải mã nguyên do giúp Boeing tạm thời thắng Airbus ở thị trường Việt Nam: Nhờ ‘sức ép’ to lớn từ Chính phủ Mỹ và ‘niềm đam mê’ mua sắm của Vietjet Air - Ảnh 2.

Hậu bối song rất giàu tham vọng – Bamboo Airway đã đặt mua 30 chiếc máy bay Boeing (10 chiếc 787-9s + 20 chiếc 787 Dreamliners) và 24 chiếc Airbus. Theo chiến lược, của Bamboo Airways, trong năm 2020, đội bay của họ sẽ có 40 chiếc Airbus 320 - Airbus 321 cùng với 20 chiếc Boeing 787-9. Tuy nhiên, do Covid-19, nhiều khả năng họ đã phải điều chỉnh chiến lược.

Ngoài ra, họ vừa đón 1 chiếc máy bay phản lực Embraer 190 để phục vụ các tuyến ngắn như ra Côn Đảo. Định hướng đến năm 2022, Bamboo Airways sẽ có 60 chiếc Airbus 320 và Airbus 321 cùng 40 chiếc Boeing 787-9 trong đội bay của mình.

SỨC ÉP PHẢI CÂN BẰNG CÁN CÂN THƯƠNG MẠI VIỆT – MỸ

Theo thông tin từ Boeing, họ bắt đầu chạm ngõ Việt Nam từ năm 1995, khi Vietnam Airlines thuê 3 chiếc 767-300 ERs để kinh doanh. Và kể từ đó đến nay, họ đã bán cho 3 hãng máy bay Việt là Vietnam Airlines – Vietjet Air – Bamboo Airways tổng cộng 225 chiếc, với số lượng tương ứng các hãng là 15 chiếc (4 chiếc 777s và 11 chiếc 787-9s) – 200 chiếc (737 MAXs) – 10 chiếc (787-9s); tức Boeing chưa tính 20 chiếc 787 Dreamliners mà Bamboo Airways đặt hàng sau.

Giải mã nguyên do giúp Boeing tạm thời thắng Airbus ở thị trường Việt Nam: Nhờ ‘sức ép’ to lớn từ Chính phủ Mỹ và ‘niềm đam mê’ mua sắm của Vietjet Air - Ảnh 3.

Ngoài bán máy bay, Boeing còn nhiều hoạt động khác tại thị trường Việt Nam trong suốt 25 năm qua. Năm 2007, họ đã mở một cơ sở sản xuất liên quan đến ngành công nghiệp máy bay tên MHI Aerospace Vietnam (MHIVA); chuyên sản xuất cánh tà trong khoang máy bay Boeing 737. Trong năm 2014, MHIVA đã sản xuất được 1.000 sản phẩm và bắt đầu mở rộng cơ sở. Hiện tại, MHIVA còn lắp ráp cửa máy bay Boeing 777 và 777X.

Năm 2010, Nikkiso Japan – một nhà cung cấp khác của Boeing đã mở một nhà máy sản xuất gần Hà Nội, chuyên sản xuất các linh kiện thiết bị cho loại máy bay Boeing 747, 767 và 777.

Hiện có 14 máy bay Boeing trong đội bay của các hãng hàng không Việt Nam. Ngoài ra, họ còn hợp tác với Vietnam Airlines để đào tạo các đội bay cho dòng 787 Dreamliners. Về công tác CSR: Boeing đã chi 1 triệu USD cho các chương trình hỗ trợ nạn nhân của các tội phạm buôn người, cung cấp 39 học bổng cho các sinh viên và tài trợ 185 ngàn USD vào dự án Học tập nâng cao công nghệ (từ năm 2017 đến 2019)

Cho tới thời điểm này, Boeing đã bán cho các hãng hàng không Việt Nam 245 máy bay – nhiều nhất tại Đông Nam Á. Có 2 nguyên do tạo nên thực trạng này: đầu tiên, giá trị siêu lớn của mỗi đơn hàng mua máy bay Boeing là cách nhanh và tốt nhất để khiến cán cân thương mại Việt Mỹ không chênh lệch thái quá; thứ hai, Vietjet Air ‘thích’ mua máy bay Boeing để cho cả thế giới thuê.

Giải mã nguyên do giúp Boeing tạm thời thắng Airbus ở thị trường Việt Nam: Nhờ ‘sức ép’ to lớn từ Chính phủ Mỹ và ‘niềm đam mê’ mua sắm của Vietjet Air - Ảnh 4.

"Boeing cam kết sẽ tiếp tục phát triển lĩnh vực hàng không thương mại của Việt Nam, thông qua việc tạo điều kiện cho thuê máy bay mới, tìm nguồn cung ứng linh kiện từ các công ty có trụ sở tại Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines để đào tạo tại chỗ cũng như giúp đỡ Việt Nam tự hòa nhập vào môi trường hàng không toàn cầu để đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.

Vào tháng 2/2019, Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ thông báo rằng: Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và được xếp hạng Loại 1 theo chương trình Đánh giá An toàn Hàng không Quốc tế của cơ quan này", Boeing thông tin.

Ngoài ra, có thể nói, câu chuyện giao thương mua bán máy bay giữa Boeing và các hãng hàng không Việt Nam không chỉ là chuyện kinh doanh giữa các doanh nghiệp mà còn là chuyện của 2 quốc gia Mỹ - Việt Nam.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam chịu sức ép lớn từ phía Mỹ vì cán cân thương mại Việt – Mỹ càng ngày càng chênh lệch lớn. Trong các năm trước Covid-19, thặng dư thương mại giữa Việt Nam với Mỹ thường trên 20 tỷ USD/năm và thặng dư cán cân vãng lai ở mức trên 2% GDP/năm; nên Việt Nam khó tránh khỏi việc bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi, giám sát.

Các đơn hàng mua máy bay Boeing có giá trị lớn luôn là phương cách nhanh nhất và hiệu quả nhất mà chúng ta có thể làm nhằm xoa dịu đối tác Mỹ. Airbus thuộc châu Âu và là kết quả của sự liên minh giữa nhiều nước; tuy nhiên, sức ép của EU lên Việt Nam về cân bằng nhập khẩu – xuất khẩu không mãnh liệt như Mỹ.

Vậy nên, những đơn hàng lớn mà Vietjet Air – Bamboo Airway ký kết với Boeing thường có sự chứng kiến giữa lãnh đạo 2 nước và thường diễn ra cùng lúc với các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa 2 nước.

Giải mã nguyên do giúp Boeing tạm thời thắng Airbus ở thị trường Việt Nam: Nhờ ‘sức ép’ to lớn từ Chính phủ Mỹ và ‘niềm đam mê’ mua sắm của Vietjet Air - Ảnh 5.

Bamboo Airways đang ký kết hợp tác với Boeing bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội năm 2019. Ảnh: Thanh Niên - M.H

Minh chứng: vào tháng 5/2016, VietJet Air đã ký kết hoàn tất đơn đặt hàng với Boeing về 100 máy bay 737 MAX 8 (phiên bản 200 chỗ) dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam - Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ - Barack Obama. Vào tháng 2/2019, bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, Vietjet Air và Bamboo Airways đã công bố đơn đặt hàng với Boeing về việc mua tổng cộng 110 máy bay, giá trị hợp đồng lên tới 15,7 tỷ USD.

‘NIỀM ĐAM MÊ’ MUA SẮM MÁY BAY CỦA VIETJET AIR

Như đã nói ở trên, nghiệp vụ sale and leaseback – SLB được rất nhiều hãng máy bay tư nhân trên khắp thế giới ưa chuộng, nhằm đa dạng hóa nguồn thu cũng như hiệu quả kinh doanh tức thời – trong đó có Vietjet Air lẫn Bamboo Airways. Hãng hàng không giá rẻ này mua tới 270 chiếc cả Boeing lẫn Airbus.

Vào tháng 5/2016, Vietjet đã ký hợp đồng đặt mua 100 máy bay Boeing 737 MAX 200 với trị giá 11,3 tỷ USD. Đây là hợp đồng đặt mua máy bay có giá trị lớn nhất của ngành hàng không Việt Nam lúc đó. Boeing tuyên bố sẽ bàn giao số máy bay này cho Vietjet từ năm 2019 đến 2023.

Tháng 7/2018, tại triển lãm hàng không Farnborough Airshow ở Anh, Vietjet đã ký biên bản ghi nhớ về việc mua 100 máy bay Boeing 737 MAX; dự kiến Boeing sẽ giao cho Vietjet số máy bay này trong giai đoạn 2022-2025.

Với 2 đơn hàng này, Vietjet trở thành khách hàng lớn nhất của dòng Boeing 737 MAX 10 tại châu Á. Số lượng máy bay Boeing mà họ mua chỉ đứng sau đồng nghiệp trong cùng phân khúc là Lion Air Group của Indonesia tại Đông Nam Á.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM