Vì sao Bách Hóa Xanh được kỳ vọng là "con bài chiến lược" trong động lực tăng trưởng của Thế giới di động trong 2 năm tới?
Thế giới di động đã duy trì vị trí thống lĩnh thị trường với 60% thị phần điện thoại di động và 50% thị trường điện tử. Khi nắm giữ phần lớn thị phần, khả năng tăng trưởng đối với một doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn so với trước.
Áp lực tăng trưởng nhóm hàng mới
Trong thời gian qua, VN-Index giảm mạnh xuống mức kỷ lục với hầu hết các nhóm ngành liên tục chìm trong sắc đỏ, cổ phiếu bán lẻ vẫn được đánh giá cao khi phần lớn các phiên vẫn giữ được sắc xanh. Thậm chí cổ phiếu ngành này còn nhăm nhe “vượt đỉnh” và trở thành yếu tố chính nâng đỡ các chỉ số.
Mặc dù vẫn có thời gian bị ảnh hưởng bởi đà “lao dốc” của thị trường, song cổ phiếu bán lẻ đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt so với thời điểm đầu năm. Những cổ phiếu bán lẻ như MWG, FRT, PNJ còn nằm trong top các mã có giá cao nhất, đồng thời hút được một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngành bán lẻ, cụ thể hơn là ông lớn Thế giới di động liệu có tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới trong bối cảnh rủi ro lạm phát gia tăng hay không là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra. Chia sẻ quan điểm tại talkshow Bí mật đồng tiền mới đây, kinh tế trưởng công ty chứng khoán SSI Phạm Lưu Hưng đưa ra nhận định thận trọng.
Theo vị chuyên gia này, với bối cảnh tiêu thụ sản phẩm điện tử giảm mạnh, giá sản phẩm cũng đi xuống, các doanh nghiệp bán lẻ nếu chỉ tập trung vào các nhóm hàng như điện tử thì sẽ tương đối khó khăn. Nếu như doanh nghiệp có thể mở rộng ra các nhóm hàng khác hơn thì sẽ đỡ bị rủi ro hơn.
Hiện nay đối với mảng mảng điện tử tiêu dùng Thế giới di động đã duy trì vị trí thống lĩnh thị trường với 60% thị phần điện thoại di động và 50% thị trường điện tử. Khi nắm giữ phần lớn thị phần, khả năng tăng trưởng đối với một doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn so với trước. Chính vì vậy ông lớn ngành bán lẻ này hiện đang đầu tư mạnh vào những mảng khác để tìm kiếm tăng trưởng. Bách Hóa Xanh và An Khang là hai chuỗi được Thế giới di động đẩy mạnh trong thời gian gần đây.
Mới đây, Thế giới di động cũng cho biết sẽ tiến hành chào bán riêng lẻ lên đến 20% cổ phần BHX trong năm 2022-2023 cho thấy đặt kỳ vọng lớn vào chuỗi này. Trong phân tích mới đây, công ty chứng khoán VnDirect cho rằng rằng đợt chào bán riêng lẻ này sẽ giúp Thế giới di động tìm được động lực tăng trưởng kết hợp với đối tác tốt hơn để thực hiện các bước phát triển tiếp theo của BHX như thâm nhập thị trường miền Bắc. Ngoài ra còn giúp giá cổ phiếu MWG trở nên hấp dẫn hơn nhờ BHX được định giá tốt.
Nâng cấp sau đại dịch
Theo dữ liệu từ Kantar, sau đại dịch, thị phần FMCG kênh siêu thị mini (bao gồm chuỗi Bách Hóa Xanh) đạt 10% trong Qúy 1/2022, gấp gần 2,0 lần so với trước đại dịch lần 3-4 (thị phần khoảng khoảng 5-6% trước tháng 5/2021). Trong quý 1/2022, giá trị chi tiêu các sản phẩm FMCG theo kênh siêu thị mini tăng 20% so với cùng kỳ ở 4 thành phố trọng điểm và 32% ở khu vực nông thôn, cho thấy sự chuyển dịch sang các kênh hiện đại, đặc biệt là chuyển sang kênh siêu thị mini, đang được thúc đẩy mạnh mẽ sau đại dịch.
Tuy vậy doanh thu trên mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh lại đang có xu hướng đi xuống. Số liệu cho thấy doanh thu trong 4 tháng đầu năm 2022 của chuỗi này chỉ tăng trưởng 2% so với cùng kỳ lên 8.240 tỷ đồng, nhưng doanh thu hàng tháng/cửa hàng (SSS) giảm 15% so với cùng kỳ xuống còn 0,97 tỷ đồng. Con số này thấp hơn mức thấp hơn mức bình quân 1,2 tỷ đồng trước đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam.
Để cải thiện doanh thu, VnDirect cho rằng chuỗi Bách Hóa Xanh đang thực hiện quá trình nâng cấp tại các cửa hàng. Cụ thể chuỗi bán lẻ này tập trung vào 3 điểm:
Thứ nhất, cơ cấu lại kho dự trữ để loại bỏ những sản phẩm kém hiệu quả sau thời gian tồn kho quá nhiều phục vụ cho giai đoạn giãn cách xã hội cũng như cải thiện quy trình kiểm soát chất lượng. Sau một thời gian liên tục dự trữ hàng hóa phục vụ cho giai đoạn cao điểm giãn cách xã hội do đại dịch, BHX phải cơ cấu lại danh mục sản phẩm để giảm bớt những sản phẩm không phù hợp về chất lượng, cũng như cơ cấu lại số lượng sản phẩm để tối ưu hóa việc quản lý hàng tồn kho.
Trong một báo cáo phân tích hồi tháng 4, công ty chứng khoán SSI cũng cho biết Bách hóa xanh đã bỏ 15%-25% SKU (chủ yếu là các SKU không được mua thường xuyên như đồ dùng nhà bếp), để thay thế bằng các SKU được mua thường xuyên hơn (thực phẩm tươi sống) và để tạo ra môi trường mua sắm rộng rãi hơn.
Ngoài ra, MWG đã hợp tác với C.P Việt Nam để đảm bảo nguồn thịt chất lượng trong chuỗi BHX.
Thứ hai, hiện Bách Hóa Xanh đang nâng cấp hệ thống hậu cần để có thể giao hàng tươi sống trong thời gian ngắn. Với sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến sau đại dịch cũng như nhu cầu xây dựng hệ thống hậu cần để đáp ứng thời gian giao hàng nhanh chóng, đặc biệt là đối với các sản phẩm tươi sống. Thế giới di động cho biết họ đã tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng hệ thống kho vận của riêng mình, hướng tới cam kết đưa sản phẩm đến tay khách hàng với thời gian nhanh nhất và chất lượng sản phẩm tốt nhất để hướng đến tăng trưởng dài hạn.
Thứ ba, Tối ưu hóa nền tảng quản lý back-end với hệ thống tự động dự báo sản lượng hàng hóa và xác định danh mục hàng hóa phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, hạn chế tối đa tác động của con người nhằm giảm thiểu sai sót trong quá trình phục vụ khách hàng và sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ mở rộng Bách Hóa Xanh ra toàn quốc từ năm 2023.