Vì sao Bắc Ninh “hút” cả chục tỷ USD của nhà đầu tư ngoại, giúp công nghiệp tăng 1.200 lần sau 20 năm?

15/02/2017 14:47 PM | Kinh tế vĩ mô

Đầu năm 2017, Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (SDV) ngỏ ý muốn “rót” thêm 2,5 tỷ USD vào Bắc Ninh. Tính đến nay, mức đầu tư của SDV vào tỉnh này đã lên đến 4 tỷ USD. Trong khi đó, rất nhiều tỉnh thành phố khác ở Việt Nam không nhận được sự ưu ái của các tập đoàn khổng lồ của thế giới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài cho biết con số 2,5 tỷ USD này là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ những chính sách thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư của tỉnh đang phát huy hiệu quả cần có.

Theo đánh giá của ông, tại sao các tập đoàn hàng đầu như Samsung, Canon, Foxconn hay các doanh nghiệp lớn trong nước như Vinasoy,... đều chọn Bắc Ninh chứ không phải các tỉnh khác để đầu tư?

Tôi đến Bắc Ninh nhiều lần kể từ khi Samsung bắt đầu mở rộng các dự án. Trong những chuyến đi ấy, tôi nhận ra có một điều khác biệt ở đây. Đó chính là bộ máy lãnh đạo của tỉnh. Họ đã quán triệt từ trên xuống dưới phải có ý thức thu hút, tạo điều kiện hết cỡ trong khuôn khổ chính sách cho phép đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài, có công nghệ cao như Samsung.

Mặt khác, thủ tục hành chính của tỉnh Bắc Ninh không gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với các nhà đầu tư.

Một điều rất quan trọng khác là Bắc Ninh đã giải quyết được hài hoà quan hệ lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp khi giải phóng đất đai, cung cấp mặt bằng. Cái đó họ làm khá rốt ráo, hợp tình hợp lý, được người dân ủng hộ.

Trong một lần làm việc, khi một đơn vị xúc tiến đầu tư Hàn Quốc đề nghị được có 100 ha, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho biết thời gian giải phóng sẽ trong 3 tháng – vốn là tốc độ nhanh và hứa sẽ cố gắng làm nhanh hơn nữa. Lúc đó, lãnh đạo tỉnh cũng nhận được những cuộc điện thoại của người dân, họ giải quyết trực tiếp, giao người này, người kia đi làm, thậm chí, nếu cần thì sẽ xuống luôn hiện trường, giải đáp thắc mắc cho bà con.

Những động thái như thế khiến cho nhà đầu tư hết sức yên tâm vì họ ngại nhất là khâu tiếp dân và giải phóng mặt bằng. Bởi họ không hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán, không biết người dân thực sự cần gì khi không còn đất. Do đó, khi bộ máy chính quyền làm tốt điều này, họ cảm thấy rất thuận tiện.

Vì thế, 2,5 tỷ USD tiền dự án mở rộng mà Bắc Ninh sắp đón nhận được xem là tín hiệu ghi nhận cho những nỗ lực này. Nó khẳng định môi trường đầu tư hấp dẫn, bộ máy công quyền tốt, chính sách hỗ trợ đi đúng hướng, khiến nhà đầu tư không tìm đến những địa phương khác.

Đây là hình thức xúc tiến, quảng bá tốt nhất của Bắc Ninh vì chính những nhà đầu tư ngoại quốc tự nói với nhau sẽ tốt hơn nhiều người Việt Nam đi làm điều này.

Vì sao Bắc Ninh “hút” cả chục tỷ USD của nhà đầu tư ngoại, giúp công nghiệp tăng 1.200 lần sau 20 năm? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài

Cũng có ý kiến cho rằng FDI đổ nhiều vào địa phương chưa hẳn đã là tin mừng. Bởi sau khi hết ưu đãi, nhà đầu tư lại tìm một nơi mới, nhiều ưu đãi hơn. Mặt khác, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được vốn FDI, chưa tạo ra được những giá trị gia tăng?

Điều này đã được nói từ lâu chứ không phải bây giờ. Chúng ta cần phải phát triển được hệ thống các doanh nghiệp phụ trợ. Chỉ khi tham gia được vào chuỗi các doanh nghiệp phụ trợ đó, Việt Nam mới nhận được các giá trị kép như là cải thiện nguồn nhân lực, phát triển doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu...

Chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế đều thấy, nhưng vấn đề là thực hiện như thế nào. Tầm mấy chục năm trước chúng ta đã hô hào điều này rồi, nhưng chưa có điều kiện phát triển vì không có đầu ra. Bây giờ thì có các công ty lớn như Samsung, Canon,... tất cả đều có nhưng có làm được không? Đây là bài toán mà Chính phủ đang quan tâm, đã có nghị định về phát triển công nghiệp phụ trợ rồi, giờ chỉ là thực hiện.

Năm ngoái Hiệp hội chúng tôi cũng đã phối hợp với Samsung tổ chức hội nghị về vấn đề này, các doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra rất ngỡ ngàng vì họ chưa tham gia được. Gần đây tuy có tiến bộ hơn những vẫn chưa đạt được kỳ vọng.

Riêng đối với Bắc Ninh, ước tính có 50 – 70 doanh nghiệp đăng ký tham gia chuỗi cung ứng, nhưng thông tin cụ thể thì không dễ tiếp cận. Đa phần các doanh nghiệp Việt mới chỉ tham gia được ở các giai đoạn đầu tiên, làm những thứ có hàm lượng công nghệ thấp, chưa có chiều sâu.

Cái này Việt Nam khác hẳn Trung Quốc. Trung Quốc họ thu hút đầu tư nước ngoài với mục tiêu rất cao. Đầu tiên chào mời doanh nghiệp nước ngoài vào, sau đó hỗ trợ hợp tác, học tập rồi đi đến việc thực hiện được những sản phẩm độc lập, sản xuất riêng và quay trở ngược lại cạnh tranh.

Do đó, cần phải có lộ trình, chiến lược cụ thể. Nên kết hợp nó với phong trào khởi nghiệp vì khi đi sâu vào làm những linh kiện đó rồi thì sau này có thể dựa vào đó để phát triển, làm được những thứ khác.

Trong lần làm việc mới nhất của Thủ tướng với lãnh đạo Bắc Ninh, Thủ tướng yêu cầu Bắc Ninh phải trở thành thủ phủ sản xuất điện tử ở châu Á và thế giới, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng này?

Bắc Ninh đang có rất nhiều điều kiện để thực hiện được điều này. Tuy nhiên, để hiện thực hoá nó, không thể nào hô khẩu hiệu mà thành. Tôi cho rằng những chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài đang làm khá tốt, gần như là hết cỡ rồi, giờ nên tập trung vào các doanh nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp khởi nghiệp, ví dụ như tiếp cận vốn, đào tạo nguồn nhân lực... chứ đừng để họ phải tự bươn chải, khó khăn.

Phải có chính sách cụ thể. Không chỉ là chính sách còn phải có chương trình hành động cụ thể như là tập hợp bao nhiêu doanh nghiệp, lúc nào cần làm cái gì.

Chúng ta cũng nên yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia vào hỗ trợ. Hai bên cùng giúp đỡ nhau, là mối quan hệ win – win. Văn hoá doanh nghiệp không chỉ là đối xử với khách hàng mà còn là cách đối xử với nhà cung cấp mới hoàn chỉnh được.

Xin cảm ơn ông!

Bắc Ninh là tỉnh có thu hút đầu tư nước ngoài cao của cả nước, là điểm đến đầu tư của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Luỹ kế đến thời điểm hiện tại trong các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh có 1.050 dự án được cấp phép và sản xuất với tổng vốn đầu tư là 13,1 tỷ USD. Khối doanh nghiệp FDI đã tạo ra 231.000 việc làm.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM