Vì sao Apple đến sau nhưng luôn đứng đầu khi phát triển một sản phẩm có sẵn?
Steve Jobs từng nói: Nghệ sĩ giỏi sao chép tác phẩm, nghệ sĩ vĩ đại lấy trộm ý tưởng, chúng ta không coi việc "ăn cắp" tác phẩm vĩ đại của người khác là nỗi nhục. Và đây cũng là nguyên lý trong sáng tạo của Apple.
Sáng tạo bắt nguồn từ bắt chước
Nếu bạn hiểu về Apple, chắc chắn bạn sẽ không cho rằng đây là một công ty sáng tạo kĩ thuật kiểu như Microsoft. Mặc dù Apple là một tên tuổi đình đám trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng rốt cuộc Apple đã phát minh ra kĩ thuật mới gì? Câu trả lời gần như là không. Apple chưa bao giờ giống như những hãng Microsoft hay Xerox sáng tạo ra kĩ thuật hoàn toàn mới: Máy tính cá nhân không phải do Apple phát minh, MP3 là kĩ thuật đã cũ, còn điện thoại thì càng không cần nói. Apple lại luôn "đến sau nhưng đứng đầu", phát triển một kĩ thuật hoặc sản phẩm đã có sẵn. Vậy bí quyết thành công của Apple là gì? Đó là bắt chước.
Bắt chước? Đúng vậy! Jobs và cả hãng Apple không hề né tránh cách nói này, thành công của Apple được xây dựng trên cơ sở bắt chước sự sáng tạo của người khác. Giống như Jobs đã nói: "Không phải mỗi người đều phải tự trồng lương thực cho mình ăn, cũng không phải mỗi người đều phải tự làm ra quần áo cho mình mặc, chúng ta nói thứ ngôn ngữ do người khác phát minh, sử dụng toán học người khác phát minh... chúng ta đang sử dụng thành quả của người khác. Sử dụng kinh nghiệm và kiến thức đã có của nhân loại để sáng tạo là một điều tuyệt vời". Không thể phủ nhận rằng, bắt chước là một giải pháp để nâng cao trí tưởng tượng của bản thân, khiến bản thân không ngừng sáng tạo thêm.
Năm 1979, Apple bắt đầu nỗ lực khai thác dòng máy tính kiểu mới, chuyện này có vẻ khiến Jobs đau đầu. Vì vậy ông quyết định tới trung tâm nghiên cứu Palo Alto của hãng Xerox để tham quan, khảo sát. Ở đây, Jobs vô cùng bất ngờ khi phát hiện ra một chiếc máy tính đáng kinh ngạc – Alto.
Chiếc máy tính này có rất nhiều tính năng được coi là đột phá trong lịch sử chế tạo máy tính khi ấy: Giao diện đồ họa người dùng, đồ họa raster, chuột, kết nối mạng, cửa sổ di động... Giờ đây nhìn lại, có thể coi đó là một phát minh vĩ đại mang tính cách mạng trong lịch sử phát triển của máy tính cá nhân, nhưng chính những phát minh vĩ đại này lại bị ghẻ lạnh một thời gian rất dài trong phòng thí nghiệm của hãng Xerox, họ không hề nhận thấy giá trị thương mại to lớn tiềm ẩn bên trong, còn Jobs - với con mắt tinh tường – đã nhận ra giá trị ấy. Sau khi kết thúc chuyến tham quan, Jobs quyết định đưa những kĩ thuật mới nhìn thấy ở công ty Xerox như chuột, giao diện đồ họa, LAN, File server vào series máy tính cá nhân mới của Apple.
Nếu câu chuyện này vẫn chưa đủ sức thuyết phục thì chúng ta hãy xem tiếp ví dụ về việc Jobs sử dụng kĩ thuật kết nối USB. Bản quyền phát minh kĩ thuật này thuộc về hãng Intel, nhưng Apple lại là hãng đầu tiên gắn nó với máy tính cá nhân và phát triển kĩ thuật này. Những ví dụ như vậy còn rất nhiều, ví dụ như mạng không dây Wi-Fi, kĩ thuật này cũng không phải do Apple nghiên cứu ra mà là công ty Lucent, nhưng nó cũng bị ghẻ lạnh giống như Alto của hãng Xerox, gần như không ai chú ý tới phát minh mang tính đột phá đủ để làm thay đổi tiến trình phát triển của máy tính cá nhân này. Chính Apple đã đưa kĩ thuật này vào trong máy tính cá nhân một cách sáng tạo, mở ra thời đại mới về mạng không dây cho laptop.
Bắt chước thành công không phải là điều dễ dàng
Trong danh sách bắt chước của Apple, không chỉ có các doanh nghiệp trong lĩnh vực IT mà còn bao gồm rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trong các lĩnh vực khác, ví dụ Mercedes-Benz.
Một hôm, Sculley - cựu CEO của hãng Apple nhìn thấy một chiếc Mercedes-Benz đâm lung tung trong bãi đỗ xe của trụ sở công ty. Ông tưởng là một nhân viên nào đó lái xe sau khi uống rượu, hoặc là người mới tập lái đang thử xe, nhưng ông không ngờ lại nhìn thấy Jobs bước từ trên xe xuống.
Hỏi ra mới biết, thì ra Jobs đang phân tích các chi tiết trong thiết kế của chiếc xe này, xem xem có ý tưởng nào có thể áp dụng trong thiết kế sản phẩm của Apple hay không. "Thiết kế của Mercedes-Benz, những chi tiết tuyệt vời, tỉ lệ giữa các đường nét hình giọt nước vô cùng hài hòa. Mấy năm gần đây, thiết kế họ đã trở nên dịu dàng hơn, còn về chi tiết thì lại càng tinh tế hơn. Đây chính là điều mà máy tính Macintosh của chúng ta có thể tham khảo." Jobs nói.
Bắt chước sáng kiến vĩ đại thực ra không hề dễ dàng, bởi vì trước tiên bạn cần phải hiểu hoàn toàn sáng kiến của người khác. Thứ hai, quan trọng nhất là bạn phải dùng trí tưởng tượng của mình để biến sáng kiến vĩ đại ấy thành tác phẩm của mình. Sở dĩ trên thế giới sản sinh ra nhiều thành tựu vĩ đại đến vậy là vì trong rất nhiều trường hợp, người ta đã "đứng trên vai người khổng lồ" khác. Vì thế Jobs không bao giờ cảm thấy xấu hổ vì đã bắt chước ý tưởng của người khác. Ông thường dẫn nhân viên đi tham quan viện bảo tàng và xem triển lãm, hi vọng họ có thể có được gợi ý từ trong nghệ thuật hoặc kiến trúc.
Đúng vậy, rất nhiều sáng tạo trong lịch sử đều bắt nguồn từ bắt chước: Tứ đại phát minh được coi là sáng kiến của người Trung Quốc cổ đại, nhưng về sau này những phát minh từ thời cổ đại đó đã trở thành cơ sở vững chắc để người ta chế tạo ra tên lửa, la bàn, công nghệ in ấn hiện đại…; mạng Sohu bắt chước Yahoo; Baidu bắt chước Google; ngay cả hệ điều hành MS-DOS của Microsoft cũng là mua lại của người khác trước rồi sau đó sáng tạo phát triển lên, Window system cũng là bắt chước của máy tính Apple.
Sự sáng tạo bắt nguồn từ bắt chước, Apple đã dùng kĩ thuật của người khác rồi sáng tạo thêm, viết nên một trang mới trong lịch sử phát triển của mình.