Vì sao Alibaba quyết liệt 'trảm tướng' vì bê bối ngoại tình?
Quyết định kỷ luật Alibaba đã truyền đạt thông điệp rằng không ai là không thể bị trừng phạt vì hành vi của mình dù địa vị cao đến đâu!
Do bê bối ngoại tình, Tưởng Phàm – Chủ tịch Taobao và Tmall vừa bị Alibaba giáng cấp, tước 1 năm bổng lộc tài chính đồng thời bị loại khỏi nhóm 38 người có ảnh hưởng lớn nhất trong hội đồng quản trị công ty sau khi kết thúc cuộc điều tra về cáo buộc vị này "có hành vi không đúng đắn".
Tưởng Phàm vốn được coi là một "ngôi sao" đang lên của Alibaba nhưng quyết định kỷ luật vừa qua của tập đoàn đã truyền đạt một thông điệp rằng dù địa vị cao đến đâu, không ai là không thể bị trừng phạt vì hành vi của mình.
Một số chuyên gia nói rằng trường hợp của Tưởng Phàm là một minh chứng rõ nét về cách các công ty lớn ở Trung Quốc đưa ra cơ chế mạnh mẽ hơn để cải thiện quản trị doanh nghiệp và lập kế hoạch kế nhiệm trong vài năm gần đây.
Ông Joseph Fan, Giáo sư ngành quản trị doanh nghiệp tại Đại học Hong Kong nhận định: "Thách thức đối với những công ty lớn như Alibaba, Huawei hay Lenovo là làm thế nào để phân bổ quyền lực cũng như trách nhiệm tập trung của nhà sáng lập cho thế hệ lãnh đạo và cơ quan quản trị tiếp theo trong khi vẫn duy trì sự năng suất và sự cân bằng chung".
Trước vụ bê bối không lâu, Tưởng Phàm (sinh năm 1985) đã được thăng chức sau khi giữ chức Chủ tịch của Taobao từ tháng 12/2017 và đảm nhận vai trò tương tự tại Tmall từ tháng 3 năm ngoái.
Tưởng Phàm là một trong những giám đốc điều hành cấp cao trẻ nhất và có triển vọng nhất tại Alibaba. Ông từng được kỳ vọng là người kế nghiệp Daniel Zhang, CEO hiện tại của Alibaba.
Được biết, Alibaba đã thành lập một nhóm gồm 38 nhân vật quan trọng từ năm 2010 để phục vụ kế hoạch kế nhiệm trong đó có Jack Ma, Daniel Zhang, Joe Tsai. Những người còn lại là các giám đốc điều hành đã làm việc ít nhất 5 năm tại tập đoàn hoặc chi nhánh như Ant Financial. Mỗi người đều có một hồ sơ chứng minh rằng họ có đóng góp lớn cho thành công kinh doanh của Alibaba.
Tưởng Phàm từng được coi là "ngôi sao" đầy triển vọng tại Alibaba trước khi scandal ngoại tình nổ ra.
Tuy kết quả điều tra chỉ ra rằng không có trao đổi lợi ích giữa Tưởng Phàm và người tình hay công ty của cô ta nhưng sự việc đã ảnh hưởng không hề nhỏ tới danh tiếng của Alibaba.
Theo một nguồn tin thân cận, Alibaba đã mạnh tay đưa ra hình phạt đối với Tưởng Phàm để làm gương. Một chi tiết đáng chú ý là trước đây, Tưởng Phàm vốn nổi tiếng với hình ảnh một nhà quản lý nghiêm túc và thường xuyên thúc giục Jack Ma dành nhiều thời gian hơn cho các vấn đề quản trị và đạo đức tại Alibaba.
Theo một chuyên gia trong ngành, tuy việc giáng cấp Tưởng Phàm sẽ gây ra một số khó khăn nhất định nhưng đây được coi là dấu hiệu tích cực đối với các bên liên quan của Alibaba, rằng hệ thống quản trị của họ đang bắt đầu khắc phục sai lầm từ sớm. Điều này tất nhiên có lợi cho việc lựa chọn thế hệ lãnh đạo trong tương lai của tập đoàn.
Một hệ thống quản trị được thiết kế và thực hiện tốt sẽ phục vụ đắc lực cho công tác trau dồi, lựa chọn các ứng viên đủ điều kiện về hiệu suất và hành vi cũng như thúc đẩy họ bằng thu nhập và thăng tiến. Vụ việc của Tưởng Phàm cho thấy các công ty lớn ở Trung Quốc đang từng bước cải thiện quản trị và kỷ luật.
Vấn đề cá nhân đã từng gây rắc rối với không ít giám đốc cấp cao tại những công ty công nghệ khác ở Trung Quốc. Năm 2018, CEO của Intel Corp, Brian Krzanich, đã từ chức sau khi một cuộc điều tra cho thấy ông có mối quan hệ ngoài luồng với cấp dưới, hành vi vi phạm chính sách của công ty. Hay như Lưu Cường Đông, nhà sáng lập và CEO tỷ phú của sàn thương mại điện tử JD.com từng bị bắt tại Mỹ năm 2018 do cáo buộc cưỡng bức một cô gái. Sau đó, Lưu Cường Đông được xóa bỏ cáo buộc vì không đủ bằng chứng nhưng từ đó, ông này đã rút lui khỏi một số vai trò ở công ty con của JD.com.