Vì sao ADB, World Bank vẫn dự báo tăng trưởng cả năm thấp hơn mục tiêu 6,7% dù tăng trưởng quý III vọt lên 7,46%?

05/10/2017 15:20 PM | Kinh tế vĩ mô

Các con số được Tổng cục Thống kê đưa ra dự báo GDP có thể đạt được 6,7% cho năm 2017 như mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, World Bank chỉ ước 6,3% còn ADB là 6,5%. Trong khi đó, HSBC nhận xét về tăng trưởng quý III là vượt kỳ vọng nhưng chỉ nâng mức dự báo lên 6,6% cho cả năm.

ADB và World Bank dự báo thấp hơn 0,4 điểm phần trăm của mục tiêu

Quan điểm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) đều nhận định, về cuối năm Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng mức 6,3%.

Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADOU) 2017 của ADB đưa ra 3 ngày trước khi số liệu của Tổng cục Thống kê được công bố.

Theo đó, ADB nhận định kinh tế Việt Nam vẫn đạt kết quả khả quan, bất chấp nhiều yếu tố bất lợi. Tuy nhiên, ADB cho rằng với hoạt động ngành dầu thô và khai khoáng giảm sút có thể khiến cho kinh tế Việt Nam chỉ đạt 6,3% năm 2017 và 6,5% năm 2018.

Bình luận về dự báo ADB, ngay trong hôm công bố tình hình kinh tế xã hội 9 tháng (29/9) ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết khi đưa ra dự báo này ADB đã căn cứ vào dữ liệu 6 tháng đầu năm, khi đó mức tăng trưởng của Việt Nam chưa tốt. Nhưng sang quý III, tăng trưởng đã bứt phá lên và đó là tiền đề cho mức tăng trưởng tốt hơn trong quý IV.

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý II đạt mức 6,4%, tuy thấp hơn cùng kỳ 2015 nhưng lại duy trì được xu hướng quý sau cao hơn quý trước, phản ánh nền kinh tế đang đi lên.

Đặc biệt, khoảng cách mức tăng trưởng giữa quý 3 và quý II khá rộng, lên tới 0,6% (gấp đôi khoảng cách giữa quý II và quý I). Điều này cho thấy sự bứt phá của sự tăng trưởng.

Nông nghiệp đã tăng trưởng dương sau 6 tháng liên tục âm, xuất khẩu tăng mạnh lên 6,7%, nhập khẩu tăng lên 1,3%, trong đó đa phần là máy móc, nguyên liệu, đây chính là tiền đề cho tăng trưởng trong quý tiếp theo.

Bên cạnh đó, tình hình thành lập mới doanh nghiệp cũng như xu hướng kinh doanh tích cực khiến cho phía Tổng cục Thống kê tự tin con số tăng trưởng cuối năm chắc chắn sẽ khác so với dự báo ADB.

Tuy nhiên, 6 ngày sau báo cáo của Tổng cục Thống kê, World Bank cũng đưa ra nhận định tương tự ADB, cho rằng kinh tế Việt Nam chỉ đạt được mức là 6,3%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với kỳ vọng phía Việt Nam.

Mặc dù đánh giá tích cực triển vọng kinh tế trung hạn nhưng World Bank tiếp tục bảo lưu quan điểm Việt Nam sẽ không đạt được mục tiêu đề ra là 6,7%. Theo World Bank, mức đạt sẽ chỉ là 6,3%, cải thiện so với 2016 nhờ cầu trong nước, sản xuất nông nghiệp, ngành chế biến chế tạo hướng về xuất khẩu tăng nhờ cầu bên ngoài hồi phục.

Tuy nhiện suy giảm của ngành khai khoáng – đặc biệt là khai thác dầu thô cũng đã gây tác động tiêu cực tới mức tăng trưởng chung. Áp lực lạm phát dự kiến ở mức vừa phải do lạm phát lõi ổn định và đã có sự phối hợp điều chỉnh giá dich vụ, hàng hóa do nhà nước quản lý. Tài khoản thanh toán vãng lai sẽ vẫn thặng dư nhưng mức thặng dư sẽ giảm do nhập khẩu tăng nhanh trở lại.

World Bank cho biết trong trung hạn, tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định quanh mức 6,4% trong giai đoạn 2018–2019 đi kèm với ổn định kinh tế vĩ mô nói chung. Tỉ lệ nghèo sẽ tiếp tục giảm trong điều kiện không có những diễn biến bất lợi về thiên tai.

HSBC: Tăng trưởng vượt kỳ vọng nhưng dự báo cuối năm vẫn không là 6,7%

Tỏ ra bất ngờ khi nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng đáng kinh ngạc vào quý III với 7,46%, HSBC cho biết đây là điều ngoài kỳ vọng của họ.

Tương tự ADB hay World Bank, HSBC cũng cho Việt Nam sẽ tăng trưởng nhờ sự đóng góp cao của ngành sản xuất khi ngành này đạt mức tăng cao nhất trong vòng ít nhất 10 năm qua.

Nông nghiệp cũng là điểm sáng khi đã có sự phục hồi đáng kể. Xuất khẩu gạo và rau tăng trưởng bình quân trên 50% trong quý III/2017 so với cùng kỳ năm ngoái và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý IV/2017, nếu không gặp khó khăn do thời tiết khắc nghiệt. Việc giá lương thực thoát đáy cũng khiến thu nhập của người nông dân được cải thiện trong những tháng tới.

Cộng với các dữ liệu thu thập được trước đó, HSBC đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam về cuối năm 2017 lên 6,6% và tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng năm 2018 sẽ đạt 6,4%. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn mục tiêu Việt Nam đã đưa ra.

Mặc dù đánh giá của các tổ chức quốc tế không mấy lạc quan với mục tiêu 6,7% GDP nhưng Việt Nam vẫn còn 3 tháng để chứng minh điều ngược lại.

Thực tế, Chính phủ Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn luôn nhất quán, không lơ là với mục tiêu này. Phiên họp thường kỳ tháng 9 diễn ra ngày 3/10 được Thủ tướng nhấn mạnh không được say sưa với kết quả đạt được trong 9 tháng mà quên nhiệm vụ nặng nề còn lại trong quý IV. Bởi lẽ, mục tiêu GDP quý IV phải tăng 7,4 – 7,5% là con số không hề dễ dàng.

Thủ tướng lưu ý trong những tháng cuối năm cần phải theo dõi sát các tình hình để có đối sách phù hợp, càng về đích càng phải cố gắng.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM