Xây dựng Luật Đặc khu kinh tế: Không chỉ "xây tổ cho phượng hoàng đến ở, mà còn phải là chỉ chỗ cho phượng hoàng đến xây tổ"

05/10/2017 10:08 AM | Kinh tế vĩ mô

Đây là một góp ý của PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư chia sẻ trong tham luận gửi tới Diễn đàn kinh tế miền Trung lần 2 tổ chức mới đây.

Tính đến năm 2014, thế giới có khoảng 4.300 khu kinh tế (KKT) và con số này vẫn còn tăng. Trung bình mỗi 4 quốc gia thì có 3 nước có các khu kinh tế. Trung Quốc được xem là quốc gia tổ chức thành công mô hình này với hình mẫu quyến rũ với nhiều nước trong đó có Việt Nam là Thâm Quyến. Chính vì thế việc kế hoạch phát triển 3 đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt (đặc khu) gồm: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được kỳ vọng trở thành "cực tăng trưởng" cho kinh tế đất nước.

Theo dự tính tại đặc khu Phú Quốc, nhà nước sẽ thu được 3,3 tỷ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất, tại Vân Đồn và Bắc Vân Phong lần lượt là 1,9 và 1 tỷ USD. Các doanh nghiệp tại đặc khu Phú Quốc dự kiến tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030, Bắc Vân Phong là 10 tỷ USD; với Vân Đồn là 9,7 tỷ USD (giai đoạn 2021-2030).

Thu nhập bình quân đầu người tại đặc khu Phú Quốc dự kiến là 5.300 USD vào năm 2020 và tại Vân Đồn là 5.000 USD, Bắc Vân Phong là 4.000 USD. Đến năm 2030, mức thu nhập tại các khu vực này tương ứng là 13.000, 12.500 và 9.500 USD.

Tuy nhiên theo phân tích của PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, khác với Vân Đồn và Phú Quốc có định hướng du lịch, đặc khu Bắc Vân Phong có định hướng dài hạn là cảng trung chuyển quốc tế.

Lấy dẫn chứng hình mẫu lý tưởng là Thâm Quyến, ông cho rằng hiện nay, Trung Quốc đã xếp đặc khu này vào nhóm thành công trong quá khứ. Bởi đặc trưng của Thâm Quyến (và nhóm Đặc khu thế hệ I: Thâm Quyến, Chu Hải, Hạ Môn, Sán Đầu) là mở cửa một chiều và tiếp thu quy tắc quốc tế là chính, mở cánh cửa để học tập kinh nghiệm thế giới về hiện đại hóa.

Vị Viện trưởng Viện chiến lược phát triển cho biết hiện Trung Quốc đang thực hiện giai đoạn 2 của cải cách mở cửa với đại diện là khu Mậu dịch tự do phố Đông (Thượng Hải) cùng với chiến lược "Vành đai - Con đường", được đặc trưng bằng mở cửa hai chiều, kết nối quy tắc hai bên (Trung Quốc và bên ngoài), làm nổi bật sức ảnh hưởng và quyền phát ngôn trong quá trình hội nhập. Trung Quốc coi đây là giai đoạn mở cửa đi lên tầm cao mới, xây dựng thể chế mới kinh tế mở kiểu mới, càng mở cửa hơn.

Quay lại Việt Nam, mặc dù có chủ trương từ năm 1997, Hội nghị TW 4 (khoá VIII) đã nêu: "Nghiên cứu xây dựng thí điểm một vài đặc khu kinh tế, khu mậu dịch tự do ở những địa bàn ven biển có đủ điều kiện". Thế nhưng, trên thực tế, chỉ trừ khu đầu tiên là Chu Lai được mang tên "khu kinh tế mở" và đến năm 2007 thành lập thêm "Khu thương mại tự do" thuộc "Khu kinh tế mở Chu Lai"; còn tất cả các khu ra đời sau đó, chỉ được hình thành dưới hình thức "khu kinh tế". Những khía cạnh "đặc khu kinh tế", hay "khu mậu dịch tự do" đã không trở thành hiện thực.

Theo PGS. TS Bùi Tất Thắng, với việc chỉ đích danh việc xây dựng Luật Hành chính kinh – kinh tế đặc biệt cho 3 khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) và đang trình Quốc hội, có thể coi như bước tiến thực tế rất xa trong việc thực thi thể chế mang tính đột phá của Nhà nước kiến tạo phát triển trong tình hình mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ông cho rằng vấn đề trọng tâm của Luật Đặc khu chính kinh – kinh tế không phải ở chỗ có được thông qua hay không, mà là ở chỗ khi ban hành ra, nó sẽ được hưởng ứng như thế nào và sẽ có tác động ảnh hưởng gì đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo vị chuyên gia này, việc xây dựng Luật Đặc khu hành chính – kinh tế phải nhằm vào việc thu hút được những tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu trên thế giới tham gia. Để đạt mục tiêu này, không chỉ đặt nhiệm vụ xây tổ cho phượng hoàng đến ở, mà còn phải (và chỉ nên) là: Chỉ chỗ cho phượng hoàng đến xây tổ. Cách đặt vấn đề này tự nó đã loại trừ cách thiết kế các điều khoản theo kiểu "nâng cấp" các ưu đãi hiện có của các khu kinh tế lên, mà thay vào đó là thay đổi cách tiếp cận thiết kế các điều khoản của Luật, nhằm đạt tới trình độ chung của thông lệ quốc tế, không phải là ưu đãi hơn trước so với chính ta.

Ngoài ra nên thay đổi tư duy việc lập ra các đặc khu này là để cạnh tranh với các đặc khu trên thế giới (trước hết là ở khu vực châu Á) trong việc thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu trên thế giới. Tư duy mới là tham gia vào chuỗi các đặc khu kinh tế của cả châu lục, tạo thành một cộng đồng các đặc khu của cả vùng, giống nhau ở mô hình thể chế thông thoáng, nhưng đa dạng, phong phú trong hoạt động kinh doanh.

Riêng với đặc khu Bắc Vân Phong, nếu lấy việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế làm hạt nhân, thì ngay từ đầu, đã cần phải định hướng xây dựng mô hình chính quyền cảng và có sự tham gia của các tập đoàn kinh doanh cảng biển lớn trên thế giới và các Hiệp hội vận tải biển quốc tế.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM