Nga đang sở hữu cơ hội kiểm soát 73% nguồn cung dầu mỏ của thế giới

08/03/2016 21:00 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay trên thị trường dầu mỏ, nước Nga đang dẫn dắt quá trình hình thành một đế chế mới đối chọi với phương Tây. Tuy nhiên, sự nổi lên của Nga cũng có thể tạo nên một thảm họa địa chính trị.

Cuộc gặp giữa Nga, Qatar, Saudi Arabia và Venezuela hôm 16/2 đã kết thúc tốt đẹp với một thỏa thuận giữ nguyên sản lượng như mức của tháng 1. Tuy nhiên đó mới chỉ là bước khởi đầu. Giữa tháng 3 tới sẽ có một cuộc họp khác với nhiều bên tham gia hơn. Theo các chuyên gia phân tích, nếu Nga có thể tìm được sự đồng thuận, vai trò lãnh đạo của Nga sẽ gia tăng hơn nữa.

Cho đến thời điểm này, Saudi Arabia vẫn tỏ ra cứng rắn không chịu cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, những “đám mây đen” bao phủ đất nước này đang dần nặng trĩu sau khi giá giảm quá sâu. Những quốc gia nhỏ hơn ở OPEC đã kêu gọi cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá, nhưng cuộc họp gần nhất của OPEC đã không có kết quả.

Giờ đây, sau khi Nga chìa tay hợp tác với OPEC, bức tranh thị trường dầu mỏ đang thay đổi. Với sức mạnh quân sự của mình, Nga có thể có được vị trí lãnh đạo không chính thức của nhóm các quốc gia sản xuất dầu mỏ trên danh nghĩa ổn định giá dầu.

Từ lâu nay Saudi Arabia vẫn là đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng điều này đang thay đổi. Charles W. Freeman Jr., cựu đại sứ Mỹ ở Riyadh, mới đây đã lưu ý rằng quan hệ Mỹ - Saudi đã suy giảm cả trước khi ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ.

Quan hệ giữa hai nước càng bị xói mòn hơn sau khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi tháng 1 vừa qua. Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Iran – động thái mà Saudi phản đối mạnh mẽ. Người Saudi cần tìm một đồng minh mới để bảo toàn lợi ích của họ ở vùng Vịnh trước những đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo và Iran. Giá dầu giảm sẽ mở ra một cánh cửa cơ hội cho tình bằng hữu giữa hai nước.

Đây không phải là lần đầu tiên Nga và Saudi Arabia muốn xích lại gần nhau hơn. Năm 2013, tờ Telegraph đưa tin hai bên đã nỗ lực xây dựng một thỏa thuận bí mật nhưng không thành công. Từ lâu Iran vẫn là một đồng minh thân cận của Nga, và nếu Nga có thể làm cầu nối giữa Iran và Saudi Arabia, Nga cũng có thể thúc đẩy một thỏa thuận bí mật với OPEC.

Sở dĩ thỏa thuận “đóng băng sản lượng” ở mức của tháng 1 đã không tạo được hiệu ứng đáng kể là do Nga, Saudi Arabia và các quốc gia khác hiện đang khai thác ở mức cao kỷ lục. Theo Kevin Norrish - trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Barclays, cần lưu ý rằng Nga, Qatar hay Venezuela đều không có ý định tăng sản lượng trong năm nay. Saudi Arabia là vấn đề duy nhất.

Mặc dù Iran vẫn chưa tham gia vào nhóm “đóng băng sản lượng”, Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksander Novak cho biết vì Nga sẽ có cách tiếp cận và một giải pháp riêng đối với Iran vì nước này đang ở trong hoàn cảnh đặc biệt.

Nếu tất cả các nước vùng Vịnh đều đồng thuận, Iraq cũng sẽ đi theo nếu như Nga có thể đảm bảo về một sự hỗ trợ mạnh mẽ nhằm chống lại IS.

Ngoài ra, Nga còn có một lợi thế khác. Nước này luôn đứng đầu trong các kế hoạch giũ bỏ sự phụ thuộc vào Petrodollars (những đồng đôla thu được từ dầu mỏ). Moscow cũng đã ký nhiều hiệp định giao dịch dầu mỏ bằng nội tệ với nhiều quốc gia khác. ROPEC (Nga + các quốc gia OPEC) sẽ giúp các nước tiến gần hơn đến kế hoạch thoát khỏi Petrodollars.

Nếu kịch bản trên trở thành hiện thực, Nga sẽ nổi lên như một nhà lãnh đạo không chính thức của nhóm các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, kiểm soát tới 73% lượng cung dầu toàn cầu. Khi đó sẽ có một sự thay đổi lớn trong cán cân quyền lực. Cuộc họp sắp diễn ra sẽ có nhiều điều thú vị để theo dõi, ngoài câu chuyện cắt giảm sản lượng và dư cung.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM