[Kinh tế học vui] Phụ nữ, giày cao gót và quy luật bàn tay vô hình
Một người phụ nữ đi giày cao gót thu hút được sự chú ý của đàn ông sẽ kích thích những chị em khác học tập đi loại giày này dù chúng chả dễ chịu tý nào và tất nhiên người hưởng lợi sau cùng là…cánh mày râu.
CafeBiz xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả series mới mang tên "Kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ". Series này sẽ tập hợp những bài viết ngắn, lí giải các vấn đề, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống thông qua lăng kính kinh tế học, cũng như các câu chuyện vui về kinh tế được chúng tôi ghi lại từ nhiều nguồn tham khảo tổng hợp.
Series sẽ được đăng tải định kỳ vào sáng thứ 2-4-6 trong tuần. Hi vọng đây sẽ là tách cà phê sáng đầy năng lượng dành cho quý vị.
Bài viết hôm nay sẽ giải thích bài học về quy luật "Bàn tay vô hình" thông qua sở thích đi giày cao gót của phụ nữ. Nội dung này được trích từ cuốn sách "Nhà tự nhiên kinh tế" của tác giả Robert H. Frank.
Phụ nữ thì chẳng lạ gì giày cao gót. Nhưng những đôi giày cao gót lại luôn gây cảm giác không thoải mái và khó khăn khi đi lại. Thậm chí, nếu đi giày cao gót lâu dài có thể tổn thương đến lòng bàn chân, đầu gối và lưng.
Vậy tại sao các chị em vẫn muốn đi giày cao gót? Câu trả lời khá đơn giản: phụ nữ mang giày cao gót dường như được chú ý nhiều hơn.
Giày cao gót không chỉ giúp phụ nữ trông cao ráo hơn mà còn uốn cong cột sống, qua đó đẩy vòng 1 ra trước và vòng 3 ra sau, làm lộ rõ những đường cong. Tất nhiên, cánh mày râu thì luôn thích những phụ nữ có thân hình bốc lửa.
Để hiểu rõ hơn, có lẽ chúng ta nên nhớ lại lý thuyết "bàn tay vô hình" trong kinh tế của Adam Smith.
Theo đó, "bàn tay vô hình" của việc cạnh tranh sẽ hướng các nguồn tài nguyên vào việc sử dụng hữu hiệu nhất và các cá nhân theo đuổi lợi ích sẽ định vị các nguồn tài nguyên đó về mặt xã hội. Bởi chính động cơ tối đa hóa lợi ích cá nhân (trong kinh doanh là lợi nhuận) kết hợp với quyền tư hữu sẽ khuyến khích các cá nhân sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả. Nói cách khác, nền kinh tế tư nhân mang lại hiệu quả về mặt xã hội.
Tức là: khi các cá nhân theo đuổi những lợi ích riêng thì tất cả sẽ được hưởng lợi tối đa. Ví dụ khi một nhà sản xuất có cải tiến công nghệ giúp tiết kiệm chi phí, hạ giá bán và thu lợi thì các đối thủ cũng sẽ làm theo và người được lợi cuối cùng là khách hàng.
Điều này lý giải vì sao khi một người phụ nữ đi giày cao gót thu hút được sự chú ý của đàn ông sẽ kích thích những chị em khác học tập đi loại giày này, dù chúng chả dễ chịu tý nào và tất nhiên người hưởng lợi sau cùng là… cánh mày râu.
Mặc dù vậy, nếu mọi phụ nữ đều đi giày cao gót thì những lợi thế trên không còn, nhưng kể cả như vậy thì phụ nữ vẫn sẽ không bỏ giày cao gót.
Chiều cao là một ưu thế có tính tỷ lệ. Nếu bạn cao hơn người khác vài cm thì sẽ được chú ý nhiều hơn. Dẫu vậy, nếu tất cả đều đi giày cao gót và ai cũng có thêm được vài cm này thì tình trạng chênh lệch chiều cao vẫn giữ nguyên.
Vậy là nếu bạn đi giày cao gót mà chẳng cao hơn ai là mấy thì theo lý thuyết, bạn nên đi giày bệt cho thoải mái?!
Nhưng, dù đi giày cao gót có thể khiến bạn không thực sự nổi trội, nhưng cũng khiến bạn không quá thấp so với người khác. Vậy nên kể cả khi phụ nữ đồng loạt mang giày cao gót, sẽ chẳng ai trong số họ chuyển qua đi giày bệt đâu.
Xem bài trước: