Chênh lệch thuế nhập khẩu, Petrolimex thu lãi "khủng"
Một thông tin đang được dư luận quan tâm đó là con số lãi đột biến của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Petrolimex trong năm 2015 lên tới 3.700 tỷ đồng.
Mức lãi 3.700 tỷ đồng hoàn toàn trái ngược với các năm trước khi Petrolimex liên tục báo lỗ cả nghìn tỷ đồng. Con số lãi đột biến này đã khiến giới chuyên môn và dư luận đặt câu hỏi?
Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, năm 2015, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam đã lãi hơn 3.700 tỉ đồng. Lợi nhuận chính đến từ kinh doanh xăng dầu, chiếm gần 53%. Giải thích cho số tiền lãi khổng lồ trên, Petrolimex cho biết là do doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, thay đổi phương thức tính giá phù hợp với diễn biến thị trường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thì nguyên chính là do Petrolimex đang được hưởng lợi từ chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu.
Từ tháng 5/2015 đến nay, Liên Bộ công Thương - Bộ Tài Chính đang áp dụng mức thuế nhập khẩu với xăng là 20%, dầu diesel và mazut 10%, dầu hỏa 13%. Mức thuế này được sử dụng để tính giá bán xăng dầu.
Tuy nhiên đây lại không phải là mức thuế áp dụng cho tất cả lượng xăng dầu nhập khẩu. Theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do, từ năm 2015, thuế nhập khẩu dầu diesel, dầu hỏa từ các nước ASEAN chỉ còn 5%, còn Xăng nhập từ Hàn Quốc chỉ còn 10%.
Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp xăng dầu có thể linh hoạt tận dụng mức thuế thấp khi nhập khẩu xăng dầu từ khối ASEAN.
Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, một lượng lớn xăng dầu nhập vào Việt Nam năm 2015 đến từ các nước ASEAN, như Singapore gần 4 triệu tấn, Thái Lan hơn 2 triệu tấn, tăng từ 50% đến 300% so với năm 2014.
Như vậy là với hàng triệu tấn xăng dầu nhập từ ASEAN có mức thuế thấp hơn nhiều so với quy định, trong khi mức thuế cũ vẫn được áp vào cách tính giá bán lẻ xăng, dầu ra thị trường. Đây là nguyên nhân khiến Petrolimex có mức lãi hơn 3.700 tỷ đồng trong năm 2015.