Cấp bách cải thiện năng lực cạnh tranh

26/04/2014 20:30 PM |

Sau khi PCI năm 2013 được công bố, lãnh đạo nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã tổ chức họp đánh giá, phân tích nghiêm túc kết quả PCI,"đặt hàng” bộ máy tham mưu phải có giải pháp và quyết tâm cải thiện thứ hạng.

Các cuộc hội thảo diễn ra liên tiếp tại các tỉnh...

ĐBSCL - “vùng sáng” trong bản đồ PCI cả nước

Mặc dù có sự trồi sụt về thứ hạng, nhưng nhìn tổng thể, ĐBSCL tiếp tục là “vùng sáng” trong bản đồ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cả nước. Mảng sáng chung của các địa phương dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp chính là tính năng động của chính quyền, chi phí thời gian, chi phí không chính thức thấp, gia nhập thị trường – các chỉ số thành phần cấu thành kết quả PCI của các tỉnh, thành trong vùng liên tục đạt điểm số khá tốt nhiều năm liền.

Đó chính là “phần mềm bù lỗ” cho những hạn chế về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực mà nhiều địa phương đang nỗ lực khắc phục.

Kết quả PCI năm 2013 cho thấy, ĐBSCL có 3/7 địa phương đứng đầu cả nước trong nhóm “rất tốt”, gồm Kiên Giang, Đồng Tháp và Bến Tre; 2/6 địa phương thuộc nhóm “tốt” là TP. Cần Thơ và Trà Vinh. Trong đó, ấn tượng nhất là Kiên Giang, đã vươn từ hạng 6 năm 2012 lên hạng 3 bảng tổng sắp. Đồng Tháp tuy bị “soán ngôi” đầu bảng, nhưng vẫn thể hiện phong độ ổn định khi giữ vị trí thứ 5. Bến Tre tăng tốc 20 bậc, lên vị trí 6.

Cũng đáng ghi nhận là trường hợp của Sóc Trăng, tuy còn nằm trong nhóm “khá”, nhưng đã “vượt lên chính mình” bằng việc cải thiện thứ hạng, tăng nhanh 21 bậc, từ hạng 45 lên vị trí 24/63 tỉnh, thành cả nước. Các trường hợp có lên, có xuống qua các năm như Bạc Liêu, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang đều cho thấy, PCI là một quá trình nỗ lực liên tục không ngừng.

Các tỉnh vùng ĐSBCL đang nỗ lực trong việc xác lập và thực hiện liên kết vùng để cùng phát triển.

PCI năm 2013 cũng ghi nhận trường hợp của Cà Mau vẫn còn “lẹt đẹt” ở nhóm cuối, lại rớt từ hạng 49 ở nhóm khá, xuống hạng 56 thuộc nhóm “tương đối thấp”. Một số tỉnh đã “rơi tự do” mà nguyên nhân chính là do lơ là sau những nỗ lực bứt phá. Đó là An Giang, từ vị trí thứ 2, rớt 21 bậc, xuống thứ 23; Vĩnh Long từ hạng 5 xuống hạng 16.

Nhưng nhìn ở cấp độ vùng, đáng quan tâm hơn là việc trong nhiều năm liền, các địa phương đều có điểm số thấp ở 2 chỉ số thành phần là “đào tạo lao động” và “dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”. Kết quả đó cũng phản ánh bức tranh thực, trùng khớp với các số liệu thống kê của các cơ quan chức năng về tỷ lệ lao động được đào tạo nghề rất thấp của vùng nông nghiệp trọng điểm này. 

Ngoại trừ TP.Cần Thơ và Long An – 2 địa phương công nghiệp và dịch vụ hàng đầu, thì điểm số “đào tạo lao động” của các tỉnh trong vùng đều đạt dưới 6.0. Vùng này vẫn còn thiếu vắng nhiều dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cần thiết và có chất lượng về thông tin dự báo thị trường, lao động, việc làm…

Điều cốt lõi - liên kết vùng




Giá trị thực của PCI không chỉ nằm ở bảng xếp hạng, mà chính ở động lực mà bảng xếp hạng tạo ra cho những nỗ lực cải cách, những sáng kiến đối thoại công tư thiết thực để tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa, như cải thiện thủ tục đăng ký, quản lý, hỗ trợ hiệu quả nhà đầu tư và doanh nghiệp.

 Việc quan tâm kết quả PCI, tổ chức phân tích, đánh giá nghiêm túc chỉ số PCI của các địa phương là cần thiết. Đặc biệt, lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 quy định rõ về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, yêu cầu cải thiện chỉ số PCI của các địa phương và đưa định lượng cụ thể.

PCI không phải là một loại "bằng khen” kết thúc một năm thi đua, mà chính là một công cụ đo lường điều hành kinh tế của chính quyền địa phương cấp tỉnh. Thứ hạng cao hơn so với năm trước cũng chẳng mang lại nhiều ý nghĩa nếu như mức độ hài lòng của doanh nghiệp không tốt hơn.

Vì vậy, "vấn đề cốt lõi” là chính quyền địa phương cần nhìn môi trường đầu tư, chất lượng quản lý điều hành ở không gian rộng lớn hơn là "tư duy hành chính tỉnh”. Đó là sự liên kết vùng để tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn. Xét ở góc độ này, thì các chỉ số thành phần của PCI trong 9 năm qua chưa được các nhà hoạch định, đo lường PCI tính đến– chỉ số về nỗ lực liên kết vùng.

cucpth

Cùng chuyên mục
XEM