Ví điện tử tại Việt Nam nên mở cửa thế nào với nhà đầu tư ngoại?
Hiện nay 90% thị phần ví điện tử tại Việt nam đang thuộc về 5 công ty trung gian thanh toán. Và 5 công ty này đều có vốn nước ngoài từ 30 đến 90%.
Hiện nay trong các phương pháp thanh toán không dùng tiền mặt, ngoài các loại thẻ tín dụng và ghi nợ của ngân hàng , sự hiện diện của điện thoại di động và kết nối Internet di động đang mở ra nhiều cơ hội mới cho ví điện tử.
Loại hình thanh toán này có một ưu điểm lớn là mọi người dùng có thể dễ tiếp cận hơn thẻ ngân hàng.
Với Việt Nam, việc phát triển các loại ví điện tử cũng có nhiều thuận lợi khi nằm trong top 20 nước có người dân sử dụng Internet nhiều nhất, số người dùng Internet chiếm khoảng 52% dân số và 55% dân số dùng smartphone.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Theo số liệu thống kê, đến hết quý I/2019, toàn thị trường Việt Nam có 27 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ví điện tử. Nhưng 90% thị phần xét về cả giá trị và số lượng giao dịch đều thuộc về 5 công ty trung gian thanh toán. Tất cả những công ty này đều có vốn nước ngoài từ 30 đến 90%. Điều này đặt ra quan ngại lớn đối với cơ quan quản lý và với chính phủ. Chúng tôi cũng nghiên cứu điều đó dẫn đến nguy cơ thao túng thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài”.
Thực tế hiện nay, việc tham gia của nước ngoài vào hoạt động của ngành Fintech Việt Nam đem lại những tác động rất tích cực. Theo Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính (VAFI), hiện nay Fintech cần rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài để phát triển, đầu tư cho công nghệ, thị trường nhân lực. Do đó việc hạn chế đầu tư nước ngoài sẽ làm kìm hãm sự phát triển của Fintech.
Hiện nay Chính phủ đã cho phép Ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động và xem xét nới room ngoại cho các ngân hàng thương mại. Vậy Fintech có nên đi theo hướng có giới hạn đầu tư nước ngoài không?
Tại toạ đàm "Chính sách quản lý Fintech" do ICTNews phối hợp với Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam tổ chức ngày 20/8, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, khi gia nhập WTO, quy định chung về hạn chế đầu tư nước ngoài là 30% nhưng tuỳ từng lĩnh vực mà hạn chế này sẽ có những khác nhau.
Nhưng không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước sẽ có 2 đến 3 lĩnh vực sẽ có những thận trọng khi mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Đó là lĩnh vực về an ninh quốc phòng, lĩnh vực liên quan đến lợi ích độc quyền và lĩnh vực liên quan đến giá trị gia tăng và nguồn lực.
Ông Thành đặt vấn đề, so với các nước, độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam là không kém. Ngành ngân hàng của chúng ta đã là 100%, ngành phân phối sau 5 năm cũng là 100% nhưng với fintech, tài chính thì sao?
"Trong điều kiện bình thường, nước ngoài sẽ chuyển giao công nghệ, kỹ năng giúp phát triển nhưng trong điều kiện khủng hoảng, khó khăn, các nhà đầu tư nước ngoài bỏ chạy hết sẽ dẫn đến tác động tiêu cực cho nền kinh tế. Do vậy, nếu có cơ chế Sandbox thì dù có rủi ro hay điều kiện thay đổi thì hậu quả sẽ không quá lớn”, ông Thành nói.
Hiện nay dự thảo ban đầu của Nghị định 101 quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong công ty trung gian thanh toán là 30%. Nhưng ban soạn thảo cũng đang khảo sát ý kiến cộng đồng cho phép sở hữu này có thể có hai mức là 30 và 49%.
Mục tiêu sẽ tạo ra sự ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ quốc gia, tránh sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động tài chính, ngân hàng và tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước nắm bắt cơ hội.