Vì dịch Covid-19, Lễ hội nam giới khỏa thân gần 1.000 năm của Nhật Bản đề nghị người tham gia gửi ảnh mặc khố dự thi

06/02/2021 13:15 PM | Xã hội

Theo hãng tin CNN, hàng năm lễ hội này thu hút tới 10.000 người tham dự và phần lớn là nam giới.

Lễ hội Hadaka Matsuri- Lễ hội nam giới khỏa thân Nhật Bản

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều nghi lễ của Nhật Bản bị ảnh hưởng dịp Tết Nguyên Đán. Không nằm ngoài số đó, một trong những lễ hội lâu đời và dị nhất Nhật Bản là Hadaka Matsuri, hay còn gọi là Lễ nam giới khỏa thân được tổ chức vào ngày 20/2/2021 cũng chịu tác động.

Lịch sử gần 1.000 năm

Theo tờ SCMP, Lễ hội nam giới khỏa thân có lịch sử từ gần 1.000 năm trước tại ngôi đền Saidaiji Kannonin Temple-Okayama-Nhật Bản. Lễ hội được phát triển từ một nghi lễ trong đó các tín đồ tranh nhau để bắt được lá bùa được gọi là Goo do các vị thầy tu ném xuống tại ngôi đền Saidaiji.

Những vật phẩm này biểu trưng cho sự kết thúc quá trình tu tập khổ hạnh trong năm mới của các thầy tu. Lòng tin về việc nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với những ai có được lá bùa cho nên số lượng người tham gia cứ thế tăng lên mỗi năm.

(Clip) Vì dịch Covid-19, Lễ hội nam giới khỏa thân gần 1.000 năm của Nhật Bản đề nghị người tham gia gửi ảnh mặc khố dịp Tết Nguyên Đán để dự thi - Ảnh 2.

Sự nóng bỏng của lễ hội cần đến các nhân viên cứu hộ túc trực

Năm 1510, chủ tế của đền Saidaiji nhận ra lá bùa giấy có thể bị rách và đổi chúng thành gỗ. Những người tham gia tranh cướp cũng phát hiện ra quần áo của họ dễ bị tổn hại khi tranh cướp và mọi người dần cởi bớt đồ bất chấp nhiệt độ gần 0 độ C vào tháng 2 tại Okayama để có lợi thế hơn.

Việc tranh cướp bùa khiến người tham gia chủ yếu là nam giới, nhưng trong thời kỳ chiến tranh đã có những sự kiện song song được tạo ra cho nữ giới vì đàn ông phải đi tòng quân. Các dữ liệu lịch sử cho thấy kể cả nữ giới cũng háo hức tham gia sự kiện tranh cướp bùa này.

Ngày nay, lễ hội Hadaka Matsuri nổi tiếng trên toàn quốc vì vậy nó thu hút nam giới từ khắp nơi trên đất nước, các nhân viên của một công ty cũng có thể tham gia theo đội. Theo hãng tin CNN, hàng năm lễ hội này thu hút tới 10.000 người tham dự và phần lớn là nam giới.

Thông thường nghi lễ được tổ chức hàng năm vào ngày thứ 7 thứ ba của tháng 2. Tất nhiên không phải mọi người khỏa thân hoàn toàn mà họ chỉ mặc một chiếc khố mà các võ sĩ sumo hay mặc, đi tất trắng cùng một tấm băng trên đầu.

Ý nghĩa của lễ hội này ngày nay là để cầu mong một vụ mùa bội thu, kết hợp với việc tôn vinh sự sinh sản. Trước khi bước vào sự kiện chính, còn có một phiên bản khác của lễ hội dành cho trẻ em với những người tham gia sẽ đại diện cho cộng đồng địa phương của họ. Cha mẹ và con cái cùng sẵn sàng cho nghi thức trưởng thành độc đáo này cũng là cách để tăng cường sự gắn kết giữa các cư dân.

Đến tối, sự kiện chính của lễ hội sẽ diễn ra, những người đàn ông khỏe mạnh sẽ chạy vòng quanh sân đền trong suốt 2 giờ đồng hồ, trước khi nhảy xuống một hồ nước lạnh giá để "thanh lọc" bản thân, và cuối cùng tất cả sẽ chen chúc vào gian chính của ngôi đền.

(Clip) Vì dịch Covid-19, Lễ hội nam giới khỏa thân gần 1.000 năm của Nhật Bản đề nghị người tham gia gửi ảnh mặc khố dịp Tết Nguyên Đán để dự thi - Ảnh 3.

Khi đèn tắt vào lúc 10 giờ tối, một nhà sư sẽ ném 100 bó củi và 2 thanh Shingi dài 20 cm xuống đám đông những người đàn ông đang chen chúc. Và đó là lúc phần sôi động nhất của lễ hội sẽ bắt đầu.

Đám đông sẽ tranh cướp những vật phẩm này. Người nào nắm phần thưởng trong tay được tin là sẽ có một năm thành công và nhiều may mắn.

Nam giới sẽ tranh cướp mạnh mẽ hơn cho 2 thanh Shingi, vì người nào có được chúng sẽ có thể mang về nhà. Toàn bộ hoạt động này sẽ gói gọn trong 30 phút, nhưng cuộc tranh cướp là rất kịch tính và khốc liệt. Nhiều người sẽ gặp các chấn thương ngoài da, cũng như bị bầm dập hay thậm chí là trật khớp.

Con phố mua sắm theo phong cách cổ điển Go Fuku Dori gần đó được thắp sáng và tràn ngập niềm vui trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Chủ cửa hàng địa phương mở cửa để khán giả và người tham gia có thể sưởi ấm và trò chuyện với những người mới quen. Những người chơi nhạc sống vào ban đêm tại đây góp phần tạo nên một bầu không khí náo nhiệt trong khi pháo hoa được bắn bên trên ngôi đền.

Với lịch sử lâu đời, lễ hội đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể vào năm 2016.

Gửi ảnh dự thi

Dẫu vậy do đại dịch, việc tụ tập 10.000 nam giới quanh khu đền Saidaiji là điều rất nguy hiểm.

Năm nay, ngôi đền sẽ chỉ mời 141 nhà vô địch từ các lễ hội có niên đại từ năm 1989 đến tham dự và truyền hình trực tiếp. Lá bùa sẽ được truyền lần lượt từ người này sang người khác mà không có sự tranh cướp do tuổi tác. Vị chủ tế sẽ rút thăm 2 thẻ tên của những người tham gia và đây sẽ là người chiến thắng.

Chính quyền địa phương sau khi thảo luận với chủ tế và các thành viên ngôi đền đã quyết định buổi lễ năm nay chỉ tập trung cầu nguyện hòa bình, bội thu và loại bỏ bệnh dịch chứ không hướng tới các hoạt động văn hóa kích thích du lịch.

(Clip) Vì dịch Covid-19, Lễ hội nam giới khỏa thân gần 1.000 năm của Nhật Bản đề nghị người tham gia gửi ảnh mặc khố dịp Tết Nguyên Đán để dự thi - Ảnh 4.

Bởi vậy, Lễ hội nam giới khỏa thân năm nay của Nhật Bản sẽ cấm tất cả khán giả, hủy bỏ màn bắn pháo hoa cũng như quầy hàng dịch vụ, thay vào đó chỉ truyền hình trực tiếp.

Dẫu vậy, ngôi đền Saidaiji cũng nảy ra ý tưởng đề nghị những nam giới muốn dự thi nhưng không được tham gia vì đại dịch có thể gửi ảnh mặc khố rồi đăng lên website. Đền Saidaiji có kế hoạch lập kỷ lục Guinness về số lượng ảnh nam giới mặc khố đăng tải nhiều nhất trong 1 giờ, nhằm đáp ứng phần nào mong muốn dự thi của cánh đàn ông trong mùa dịch.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM