VEPR: Cần phân loại doanh nghiệp để hỗ trợ đúng trọng tâm và tránh dàn trải, "ngăn sông cấm chợ" cực đoan sẽ gây hậu quả nặng nề

13/04/2020 15:05 PM | Kinh doanh

Báo cáo kinh tế quý I năm 2020 của VEPR cho rằng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 3,82% là do tác động của dịch bệnh có độ trễ. Những ảnh hưởng sẽ biểu hiện mạnh nhất trong quý II này.

Sáng 13/4, Tọa đàm trực tuyến "Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I năm 2020" đã được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức, nhằm báo cáo tình hình tăng trưởng và kiến nghị các chính sách kinh tế tới Chính phủ.

Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế quý I của Việt Nam đạt 3,82%, được nhận định là con số tương đối tích cực so với thế giới. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 3,27%; nông-lâm-ngư nghiệp tăng trưởng yếu, chỉ 0,08%. Khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn tăng 5,15%.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng cho biết con số 3,82% này chưa phản ánh hết được khó khăn của nền kinh tế trong thời điểm hiện tại do tác động của dịch bệnh có độ trễ. Dự kiến, tác động của Covid-19, bất kể là khi nào nó được khống chế, sẽ biểu hiện mạnh nhất vào quý II năm nay.

Đồng thời, cuộc khủng hoảng do dịch bệnh này rất khác với những cuộc khủng hoảng trong lịch sử, bởi nó tác động mạnh hơn đến khu vực kinh tế phi chính thức của Việt Nam, vốn đóng góp khoảng 25-30% tăng trưởng và là bệ đỡ cả cho nền kinh tế.

VEPR: Cần phân loại doanh nghiệp để hỗ trợ đúng trọng tâm và tránh dàn trải, ngăn sông cấm chợ cực đoan sẽ gây hậu quả nặng nề - Ảnh 1.

Ảnh cắt từ video

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang phải những ràng buộc chính sách về nguồn lực tài khóa hạn hẹp (vốn chưa bao giờ thăng dự ngân sách) hay mục tiêu lạm phát, tỷ giá. Do đó, VEPR đưa ra một số khuyến nghị tới Chính phủ để giúp các gói hỗ trợ đi vào trọng tâm, đúng đối tượng, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực.

"Trong mọi hoàn cảnh, phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động (có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh, tránh "ngăn sông cấm chợ" cực đoan ở một số địa phương vì sẽ kéo theo những hậu quả nặng nề. Tầm quan trọng của phát triển kinh tế cũng phải đặt ngang với phòng chống dịch bệnh", PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khẳng định.

Ngoài những chính sách an sinh xã hội cần ưu tiên hàng đầu, cần chia doanh nghiệp thành các nhóm khác nhau để ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp.

Đầu tiên, đối với nhóm doanh nghiệp bị ngưng hoạt động thì không thể khuyến khích tăng trưởng tín dụng. Do không phát sinh doanh thu, thu nhập nên chính sách thuế gần như là vô nghĩa. Thay vào đó, cần khoanh, ngưng các chi phí tài chính và tiền thuê đất. Nếu họ phát triển trở lại sau khi dịch bệnh qua đi mới khuyến khich phát triển vay nợ, tín dụng.

Đối với nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng còn hoạt động, cần có tiêu chí phân loại mức độ chịu tác động và được hưởng hỗ trợ.

"Có thể hoãn/miễn đóng BHXH, tiền thuê đất, lãi vay, giãn thu thuế VAT. Tuy nhiên không phải thuế thu nhập doanh nghiệp. Những doanh nghiệp còn hoạt động có lãi không nên là những đối tượng cần hưởng hỗ trợ này, tuy nhiên trong các dự thảo vẫn có đề xuất miễn, hoãn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là biện pháp chưa đúng trọng tâm và không cần thiết trong bối cảnh nguồn lực tài khóa hạn hẹp."

Ông Phạm Thế Anh cũng dẫn lời báo cáo, cho rằng các ngân hàng thương mại phải tự quyết định việc cho ai vay, tránh việc cho các doanh nghiệp vay ồ ạt mà phương án kinh doanh không khả thi, dẫn đến nợ xấu và mất nhiều năm giải quyết như giai đoạn 2011-2014.

Đối với nhóm doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng hoặc đổi mô hình hiệu quả, cần hết sức tạo điều kiện, từ môi trường thể chế đến chính sách ngành. Họ chính là gánh đỡ cho nền kinh tế trong giai đoạn này.

"Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần có kế hoạch cắt giảm chi thường xuyên, tối thiểu 10%. Cả nền kinh tế bị sụt giảm, khu vực chính phủ cũng nên làm gương, không chỉ là hội họp, công tác nước ngoài mà thậm chí có thể là giảm lương, để chia sẻ với các khu vực kinh tế khác", ông Thế Anh bày tỏ quan điểm.

VEPR: Cần phân loại doanh nghiệp để hỗ trợ đúng trọng tâm và tránh dàn trải, ngăn sông cấm chợ cực đoan sẽ gây hậu quả nặng nề - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Theo thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã lên tới gần 35.000 chỉ trong 3 tháng đầu năm, một con số kỷ lục chưa từng có. Đồng thời đây cũng là lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rời thị trường lớn hơn số thành lập mới. 

Trong khi đó, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra 3 gói cứu trợ bao gồm gói an sinh, gói tiền tệ và gói tài khóa với tổng trị giá lên đến 598.000 tỷ đồng, tương đương 10% GDP để hỗ trợ nền kinh tế đang bị Covid-19 tàn phá.


VEPR: Cần phân loại doanh nghiệp để hỗ trợ đúng trọng tâm và tránh dàn trải, ngăn sông cấm chợ cực đoan sẽ gây hậu quả nặng nề - Ảnh 3.

T.D

Cùng chuyên mục
XEM