Về với Shark Phú, các startup được hệ sinh thái sản xuất và phân phối Sunhouse hỗ trợ tối đa

19/05/2021 15:30 PM | Kinh doanh

Shark Tank Việt Nam mùa 4 đã trải qua 3 tập phát sóng đầu tiên. Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse đã "chiêu mộ" được 3 startup tiềm năng phù hợp với hệ sinh thái sản xuất và phân phối của mình.

Đã khẳng định ngay từ đầu khi quay lại "bể cá mập", Shark Phú đến đây để tìm kiếm các startup mang trong mình "chất Việt", đồng thời đầu tư và kết nối các startup, cùng chia sẻ hệ sinh thái sản xuất và kinh doanh sẵn có của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Shark Phú cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm quản trị để startup có thể tự khẳng định sức mạnh và cùng Sunhouse đưa Thương hiệu quốc gia Việt Nam tỏa sáng trên trường quốc tế.

Đúng theo định hướng đã vạch ra, ngay trong 3 tập đầu tiên, Shark Phú đã mạnh tay "chốt deal" cho 3 startup thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng tất cả các startup này đều có một điểm chung là phù hợp với hệ sinh thái sẵn có của Sunhouse, ngược lại Sunhouse đều có thể hỗ trợ tối đa cho startup này phát triển và chinh phục thị trường.

Về với Shark Phú, các startup được hệ sinh thái sản xuất và phân phối Sunhouse hỗ trợ tối đa - Ảnh 1.

Nhà máy nhựa Aluba hỗ trợ Bioplas trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ nhựa sinh học

Sunhouse đã đầu tư xây dựng nhà máy nhựa Aluba hiện đại gồm 3 phân xưởng sản xuất với 60 cụm máy ép nhựa và robot băng tải, 25 cụm máy dập giúp nâng cao khả năng tự động hóa; đội ngũ công nhân lành nghề khoảng 200 người. Đặc biệt nhất là hệ thống dây chuyền công nghệ và khuôn mẫu hiện đại xuất xứ từ Hàn Quốc trị giá 5 triệu USD (tương đương 100 tỷ VNĐ). Bên cạnh đó, Sunhouse còn đầu tư vào hệ thống khuôn mẫu đa dạng với hơn 500 mẫu.

Các dây chuyền này đáp ứng được mọi loại nguyên liệu sản xuất đầu vào. Điển hình, nhà máy đang sản xuất những sản phẩm đồ dùng nhà bếp từ nhựa nguyên sinh an toàn cho sức khỏe, nhập khẩu từ Hàn Quốc, Ả rập xê út… Với sự đầu tư "mạnh tay" này, dây chuyền sản xuất đã đạt sản lượng 3.000.000 sản phẩm/tháng, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất số lượng lớn.

Về với Shark Phú, các startup được hệ sinh thái sản xuất và phân phối Sunhouse hỗ trợ tối đa - Ảnh 2.

Với khả năng sản xuất hiện có, Sunhouse và đội ngũ R&D (research & development - nghiên cứu & phát triển) có thể kết hợp cùng Bioplas sản xuất những sản phẩm hữu ích, an toàn từ nguồn nhựa sinh học của startup. Sản lượng lớn, sản phẩm phù hợp nhu cầu và khả năng chi trả, nguồn cung rộng khắp sẽ là lợi thế lớn khi sản phẩm của Bioplas khi lần đầu tiếp cận thị trường. Đồng thời, Sunhouse hoàn toàn có thể nghiên cứu và ứng dụng giải pháp nhựa sinh học vào sản phẩm gia dụng hiện có, nhằm hướng tới việc trở thành tập đoàn gia dụng tiên phong sử dụng công nghệ sinh học bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe.

Cụm nhà máy cơ khí của Sunhouse sẽ là lợi thế lớn cho các startup sản xuất công nghiệp như Wiibike hoặc Lock Cuff

Cụm nhà máy cơ khí là cụm nhà máy lâu đời nhất của Sunhouse và cũng được coi như "trái tim" của tập đoàn gia dụng nghìn tỷ này. Hiện cụm này gồm có 5 nhà máy con giúp Sunhouse có thể chủ động gần như 100% và vận hành theo quy trình khép kín với các nhóm sản phẩm chủ đạo là Chảo chống dính, Nồi inox, Khuôn ấm siêu tốc, Nồi cơm điện…

Về với Shark Phú, các startup được hệ sinh thái sản xuất và phân phối Sunhouse hỗ trợ tối đa - Ảnh 3.

Với các startup như Wiibike (xe đạp trợ lực điện) hay LockCuff (khóa chống trộm thông minh), sản xuất là một lợi thế rất lớn nếu về cùng đội với Shark Phú. Sunhouse có thể sẽ hỗ trợ các startup này trong việc mở khuôn mới cho các sản phẩm giúp startup nâng cao được sản lượng với chi phí thấp hơn, ra hàng nhanh hơn. Bên cạnh đó, Sunhouse có thể mở rộng thêm hệ sinh thái sản xuất của mình với các sản phẩm mà tập đoàn chưa từng kinh doanh trước đó như khung xe đạp hay khóa inox.

Nhà máy mạch Narae Sunhouse System – "trợ thủ" đắc lực cho startup ứng dụng công nghệ cao như Wiibike

Nhà máy Narae Sunhouse System nằm trong định hướng phát triển sản phẩm công nghệ cao của Tập đoàn Sunhouse, trở thành thành viên của Sunhouse từ tháng 7/2017. Nhà máy được xây dựng và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn của các hãng điện tử lớn như Samsung, LG,… với tổng vốn đầu tư ban đầu là 7 triệu đô.

Về với Shark Phú, các startup được hệ sinh thái sản xuất và phân phối Sunhouse hỗ trợ tối đa - Ảnh 4.

Sunhouse đặt mục tiêu sẽ phát triển Narae trở thành vendor (nhà cung cấp) linh kiện, thiết bị mạch điện tử công nghệ cao cho các đối tác lớn như Samsung Electronic Vietnam, LG Inoteck Vietnam,... và nhiều đối tác nước ngoài khác. Ngoài việc đáp ứng cho mục tiêu OEM (Original Equipment Manufacturer - Nhà sản xuất thiết bị gốc), Narae Sunhouse System còn đáp ứng nhu cầu bản mạch điện tử có một số dòng sản phẩm điện lạnh, điện gia dụng của Sunhouse trong thị trường nội địa. Chính vì vậy, nhà máy mạch sẽ là trợ thủ đắc lực của startup Wiibike trong việc phát triển bộ kit điều khiển – "bộ não" của xe đạp điện thông minh.

Bên cạnh các cụm nhà máy cơ khí, nhà máy nhựa hay nhà máy vi mạch, Sunhouse còn sở hữu nhà máy sản xuất gia dụng, nhà máy bóng đèn Lighting Tospo,… Việc "chiêu mộ" nhiều startup tiềm năng phù hợp sẽ góp phần giúp Sunhouse mở rộng hệ sinh thái của mình, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới. Ngược lại, Sunhouse có thể giúp các startup sản xuất thành phẩm với chi phí thấp, ra hàng nhanh, có hệ thống phân phối rộng rãi, từ đó tiếp cận khách hàng hiệu quả.

Đón xem tập 3 Shark Tank Việt Nam mùa 4 tại: https://www.youtube.com/watch?v=kXwuBZZux9c

Ánh Dương

Từ khóa:  kinh doanh
Cùng chuyên mục
XEM