Về nước bán tôm giống, Công ty của Việt kiều Úc được định giá tới 330 triệu USD, cao hơn cả "vua tôm" Minh Phú

04/04/2019 08:48 AM | Kinh doanh

Lợi nhuận của Thủy sản Việt Úc chỉ bằng 1/2 Minh Phú nhưng điều bất ngờ là quỹ đầu tư Hàn Quốc lại định giá Công ty này cao gấp đôi Minh Phú.

Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của CTCP Thủy sản Việt Úc (Việt Úc Seafood) - một cái tên còn khá lạ lẫm với nhà đầu tư bên cạnh những tên tuổi trong ngành như Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, Minh Phú, Nam Việt...

Tuy vậy, doanh nghiệp kín tiếng này lại có kết quả kinh doanh rất ấn tượng và một mức định giá cũng ấn tượng không kém.

Tháng 7/2018, Việt Úc đã phát hành riêng lẻ 1 triệu cổ phiếu - tương đương 9,8% cổ phần - với giá 764.843 (mệnh giá 10.000 đồng) cho nhóm quỹ đầu tư STIC Investment của Hàn Quốc. Tức định giá công ty chuyên về sản xuất tôm giống này ở mức hơn 7.400 tỷ đồng - tức cao hơn cả mức định giá hiện nay của "vua tôm" Minh Phú là 6.000 tỷ đồng và chỉ thấp hơn một chút so với mức 8.400 tỷ đồng của Vĩnh Hoàn dù doanh thu, lợi nhuận chỉ bằng 1 góc so với 2 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất này.

Về nước bán tôm giống, Công ty của Việt kiều Úc được định giá tới 330 triệu USD, cao hơn cả vua tôm Minh Phú - Ảnh 1.

Mức định giá của Việt Úc gấp 15 lần lợi nhuận năm 2018 trong khi các doanh nghiệp trên sàn hệ số này chỉ ở mức 5-7 lần. (*) Các doanh nghiệp chuyên về tôm

Nhỏ mà có võ

Về kinh doanh, năm 2018, Việt Úc ghi nhận doanh thu 1.424 tỷ đồng, khá nhỏ bé khi so sánh với mức 17.000 tỷ của Minh Phú. Được biết, tôm giống và tôm thương phẩm chiếm tỷ trọng trọng yếu nguồn thu Việt Úc với 1.404 tỷ đồng (tương đương hơn 98,5% doanh thu). Lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 950 tỷ và 475 tỷ đồng.

Về nước bán tôm giống, Công ty của Việt kiều Úc được định giá tới 330 triệu USD, cao hơn cả vua tôm Minh Phú - Ảnh 2.

Mặc dù kém cạnh về quy mô hoạt động cũng như con số tuyệt đối về doanh thu, tuy nhiên Việt Úc tỏ ra "nhỏ mà có võ" khi lợi suất cao hơn nhiều lần. Đơn cử năm 2016, biên lợi nhuận gộp của Việt Úc ghi nhận 68%, cao gấp 6 lần mức 12% của Minh Phú. Biên lãi ròng Công ty ghi nhận 35%, gấp gần 9 lần mức 4% của Minh Phú.

Bước sang năm 2017, biên lãi gộp và lãi ròng Việt Úc lần lượt đạt 67% và 33%, so sánh với con số tại Minh Phú tương ứng là 4% và 13%. Trong khi đó, năm 2016 cũng là năm Minh Phú ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về hiệu suất kinh doanh, đây là kết quả của việc áp dụng công nghệ nuôi tôm mới 234. So với con số 8% biên lãi gộp giai đoạn 2015 trở về trước, năm 2016 "vua tôm" nhảy vọt gần 4% tỷ suất sinh lợi. Thậm chí, biên lãi ròng đột biến từ mức 0,3-0,6% trước đó tăng lên 4% kể từ năm 2016.

Phân tích sâu chênh lệch về biên lãi, có thể thấy với việc chỉ tập trung sản xuất tôm giống, giá vốn hàng bán của Việt Úc đơn giản hơn nhiều so với Minh Phú, chỉ bao gồm chi phí nguyên vật liệu, hàng hoá, khấu hao và nhân công.

Cùng với đó, chi phí hoạt động, bán hàng cũng ghi nhận tỷ trọng chủ yếu tập trung tại khoản mục chi phí cho nhân viên, song song với chi phí hoa hồng, vận chuyển… Được thành lập năm 2001, khác với "ông lớn" Minh Phú hướng đến hoàn thiện chuỗi sản xuất, từ con giống, chế biến đến xuất khẩu, Việt Úc tập trung vào lĩnh vực lõi là công nghệ nuôi để sản xuất ra tôm giống chất lượng cao.

Về nước bán tôm giống, Công ty của Việt kiều Úc được định giá tới 330 triệu USD, cao hơn cả vua tôm Minh Phú - Ảnh 3.

Chiếm 25% thị phần tôm giống Việt Nam

Vốn điều lệ Công ty tính đến nay vào khoảng 102 tỷ đồng, có trụ sở chính tại Bình Thuận cùng 6 công ty sản xuất tôm giống tại Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Ninh Thuận, Bình Định, Nghệ An. Đồng thời, công ty cũng đang xây dựng thêm các công ty giống tôm tại Quảng Ninh và Sóc Trăng, chi phí xây dựng dở dang tính đến cuối năm 2018 tăng từ mức 271 tỷ lên 289 tỷ đồng, riêng dự án trại sản xuất tôm giống chiếm hơn 119 tỷ đồng.

Trải qua 18 năm hình thành và phát triển, Việt Úc đến nay sở hữu khu phức hợp nuôi siêu thâm canh với công nghệ cao trong nhà kính trên quy mô lớn như tại Bạc Liêu (50ha). Công ty cũng xây dựng các khu phức hợp (từ nuôi tôm bố mẹ, tôm giống, nuôi siêu thâm canh đến chế biến) tại Bạc Liêu (315 ha), Bình Định (300 ha), Quảng Ninh (300 ha).

Đáng chú ý, cổ đông sở hữu Việt Úc hiện nay chủ yếu là đơn vị nước ngoài. Bao gồm cổ đông lớn nhất là Công ty Viet Uc Singapore nắm giữ hơn 56%, kế đến là Công ty Viet Uc HongKong nắm giữ 11,5%, cùng nắm 11,5% còn có Lotus Asia Investment Limited, các quỹ STIC nắm giữ 9,8% và ông Lương Thanh Văn nắm giữ 9,8%.

Về ông Văn, ông là Việt kiều Úc sớm di cư từ Việt Nam sang Úc những năm đầu 80, khi mới tròn 19 tuổi. Đến năm 1984, ông Văn khởi nghiệp kinh doanh một cửa hàng may đo và sau đó phát triển thành doanh nghiệp sản xuất gia công hàng may mặc với đội ngũ hơn 300 công nhân.

Lĩnh vực thứ hai của vị này bắt đầu vào năm 1988, ông chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực rửa hình – khởi điểm là cửa hàng rửa hình trong 1 giờ đầu tiên tại bang Victoria, Australia. Doanh nghiệp của ông tăng trưởng mạnh trên cả nước và trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp tráng rửa phim lớn nhất nước Úc. Lượng sản xuất 5 triệu cuộn phim mỗi năm và chiếm giữ 50% thị phần, áp dụng công nghệ xử lý hình ảnh tự động mới nhất từ Đức vào năm 2000. 3 năm sau đó, doanh nghiệp ông Văn mia lại doanh nghiệp xử lý ảnh Kodak mà trước đó là đối thủ lớn nhất.

Bước sang năm 2001, với mong muốn trở về quê hương để vận dụng kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến nhằm cải tiến ngành thủy sản nước nhà (cụ thể là sản xuất tôm giống), ông Văn thành lập trại giống Việt Úc đầu tiên tại tỉnh Bình Thuận (Việt Nam).

Ghi nhận trên website Công ty, đến nay tổng công suất hằng năm của Việt Úc ghi nhận hơn 50 tỷ con giống/năm. Mạng lưới trải dài từ Bắc chí Nam, Việt Úc đang cung cấp khoảng 25% thị phần tôm giống cả nước; ngoài ra Công ty còn cung cấp tôm thành phẩm và thức ăn thủy sản.

Theo Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM