Về đâu những dự án lọc dầu khủng?
Thời gian qua, gần chục dự án lọc hóa dầu với vốn đăng ký cả tỷ USD/dự án dự kiến triển khai tại Việt Nam từng gây ồn ào, tạo cuộc đua tranh thu hút đầu tư giữa các tỉnh. Tuy nhiên, giá dầu lao dốc, chủ đầu tư những dự án này cũng “bốc hơi” theo.
Hết ồn ào
Gây ồn ào nhất phải kể tới Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội (dự án Victory, Bình Định). Khi Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) xin đầu tư dự án này với vốn đầu tư 22 tỷ USD (công suất 20 triệu tấn dầu thô/năm), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ( PVN ) nhiều lần lên tiếng phản đối, vì lo ngại dư thừa nguồn cung sản phẩm dầu khí, ảnh hưởng tới hiệu quả các dự án lọc hóa dầu khác PVN góp vốn.
Sau nhiều cuộc họp, cuối cùng Chính phủ cũng bổ sung dự án vào quy hoạch và cho phép triển khai. Nhưng tới nay đã hơn 1 năm, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện thủ tục để xin cấp phép đầu tư. Dù theo kế hoạch, đáng lẽ chủ đầu tư phải hoàn thành thủ tục cần thiết để tỉnh cấp phép từ quý 2/2015.
Trao đổi với PV, ông Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Cả năm qua, chủ đầu tư thường xuyên sang Việt Nam khảo sát lập dự án tiền khả thi, nhưng chưa có kết quả cụ thể nào, cũng chưa nộp hồ sơ xin cấp phép. “Do giá dầu thế giới giảm sâu, nên chủ đầu tư đang xin thêm thời gian để tính lại phương án đầu tư. Trong 1-2 tháng tới, chúng tôi sẽ cử người trực tiếp sang Thái Lan làm việc với chủ đầu tư xem họ thế nào mới nói tiếp được”, ông Hải nói.
Tương tự, Dự án lọc hóa dầu Cần Thơ có vốn đầu tư 538 triệu USD, công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm, hiện cũng án binh bất động. Dự án được thực hiện bởi liên doanh Cty CP Đầu tư Thương mại Viễn Đông (Việt Nam) và Cty Semtech Limited B.V.I (Mỹ), nhưng sau đó đối tác Mỹ đã rút lui.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở KH&ĐT Cần Thơ cho biết, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 19/5/2008. Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn chưa triển khai được. Đầu năm 2015, UBND tỉnh Cần Thơ tiếp tục gia hạn thêm cho chủ đầu tư phía Việt Nam tìm đối tác thay thế Cty B.V.I.
Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có đối tác nào nhận lời. “Vừa qua, chủ đầu tư cũng nhiệt tình tìm các đối tác Ả Rập nhưng tình hình giá dầu thế này chắc cũng hơi khó. Chúng tôi đang sắp xếp thời gian để làm việc lại với chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư không làm nổi chắc sẽ thu hồi giấy phép đầu tư”, ông Hồng nói.
Cũng không thoát cảnh “bết bát” như hai dự án trên, Dự án lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu, vốn đầu tư 4,5 tỷ USD, công suất 2,7 triệu tấn dầu thô/năm) tới nay cũng chưa rõ tương lai. Cuối năm 2015, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar chính thức thông báo rút vốn tại dự án này. Như vậy, hiện dự án chỉ còn sự tham gia của PVN và Tập đoàn SCG (Thái Lan).
Ông Lê Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, toàn bộ 460 héc ta đất phục vụ dự án đã được giải phóng mặt bằng xong cuối năm 2015, đường kết nối cũng đã thực hiện. Giờ chỉ đợi nhà đầu tư triển khai dự án, nhưng không rõ khi nào sẽ triển khai xây dựng. “Toàn bộ tiền giải phóng mặt bằng và làm hạ tầng kết nối đều do nhà đầu tư ứng trước để địa phương thực hiện, nên chắc họ vẫn triển khai, bất kể giá dầu cao hay thấp”, ông Hải nói.
Bán cũng không xong
Ngay tại một dự án đã hoạt động được nhiều năm là Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), dự án mở rộng nhà máy nay cũng đang gặp không ít trắc trở. Mới đây, Tập đoàn Gazprom Neft (GPN, Nga) đã tuyên bố rút lui khỏi cuộc đàm phán mua lại cổ phần nhà máy. Lý do GPN rút lui cũng không gì khác ngoài giá dầu thế giới sụt giảm, khiến họ phải cơ cấu lại các khoản đầu tư.
Dù không còn đối tác Nga, nhưng theo tin chúng tôi có được, các công việc để triển khai mở rộng nhà máy vẫn đang được tiến hành bằng vốn nhà máy tự thu xếp.
Hay như Dự án lọc hóa dầu Vũng Rô (Phú Yên, vốn đầu tư 3,2 tỷ USD, công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm) được động thổ hoành tráng từ tháng 9/2014, nhưng nới nay vẫn chưa thể triển khai. Ông Lê Văn Thành, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết, dự án vẫn chưa thể triển khai do địa phương chưa bàn giao được mặt bằng cho chủ đầu tư.
Như vậy, hiện chỉ duy nhất Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) triển khai đúng tiến độ. Theo ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, hiện dự án đã xây dựng được khoảng 80% khối lượng. Dự kiến, tháng 8/2016, dự án sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm.
Một chuyên gia nhiều năm hoạt động trong ngành Dầu khí cho rằng, giá dầu giảm là cơ hội rất tốt để triển khai các dự án lọc hóa dầu, vì chi phí đầu tư, giá máy móc thiết bị sẽ thấp hơn khi giá dầu còn cao. Tuy nhiên, vấn đề là bố trí được vốn để triển khai, còn tương lai giá dầu chắc chắn sẽ tăng.
Theo vị này, không hẳn giá dầu giảm khiến các dự án lọc hóa dầu tại Việt Nam chậm triển khai, chủ yếu do đầu ra sản phẩm, vì phần lớn các nhà máy hướng tới xuất khẩu, trong khi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong khu vực chưa cao.
Hiện, ngoài Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) đã đi vào hoạt động, cả nước còn 6 dự án lọc hóa dầu khác theo quy hoạch và đang triển khai, gồm: Dự án lọc dầu tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) với vốn đầu tư 9 tỷ USD; Dự án tại Vũng Rô (Phú Yên) vốn đầu tư 3,2 tỷ USD; Dự án Nam Vân Phong (Khánh Hòa) vốn đầu tư 8 tỷ USD; Dự án Nhơn Hội (Bình Định) vốn đầu tư 22 tỷ USD; Dự án Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) vốn đầu tư 4,5 tỷ USD; Dự án tại Cần Thơ có vốn đầu tư 538 triệu USD.