Vật lạ xuất hiện trong chai nước ngọt, xử lý sao?
Gần đây Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM nhận khá nhiều phản ảnh của người tiêu dùng về hiện tượng "vật thể lạ"... xuất hiện trong các sản phẩm nước giải khát (nước ngọt, bia).
Thông tin từ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho biết thời gian gần đây đã nhận khá nhiều phản ảnh của người tiêu dùng về hiện tượng "vật thể lạ"... xuất hiện trong các sản phẩm nước giải khát (nước ngọt, bia).
Theo luật gia Phan Thị Việt Thu - phó chủ tịch hội, hầu hết khiếu nại đều được giải quyết thông qua việc hòa giải chứ chưa vụ việc nào phải ra tòa.
Theo bà Thu, chưa biết thực hư chuyện “vật thể lạ” xuất hiện trong nhiều sản phẩm nước giải khát là do quy trình sản xuất hay tác động bên ngoài, nhưng với một số trường hợp mà hội tiếp nhận và xử lý gần đây cho thấy công tác hòa giải bước đầu để người tiêu dùng và nhà sản xuất/phân phối đi tới thỏa thuận và thống nhất cách xử lý hợp tình hợp lý là rất quan trọng.
Chẳng hạn, có trường hợp người tiêu dùng mang chai nước giải khát có "vật thể lạ" bên trong đến hội nhờ yêu cầu công ty bồi thường thiệt hại với lý do bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng.
Thậm chí người này còn mang theo cả giấy xác nhận... tâm thần do gần tháng trời không ngủ được vì lo lắng. Cũng có người tiêu dùng mang chai bia có "vật thể lạ" để phản ảnh, sau đó yêu cầu công ty bồi thường bằng cách tạo điều kiện cho mở... đại lý bia của hãng này.
Theo bà Thu, hội hoàn toàn tôn trọng những đòi hỏi này và ghi nhận khách quan vụ việc chứ không kết luận. Và thực tế cho thấy sau khi giải thích cho người tiêu dùng hiểu rõ về sản phẩm cũng như những đòi hỏi bồi thường hợp lý qua mức độ xác thực của vụ việc và qua công tác hòa giải, mọi việc đã được giải quyết êm thấm.
Do đó, bà Thu cho rằng thay vì tự mình thỏa thuận với doanh nghiệp, người tiêu dùng có thể tránh được rủi ro nếu thông qua các cơ quan trung gian, chẳng hạn như hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để đòi quyền lợi hợp pháp.
Đặc biệt, theo bà Thu, người tiêu dùng cần cẩn trọng trong hướng xử lý cũng như đưa ra đòi hỏi hợp tình hợp lý. Nếu nội dung phản ảnh đúng thực tế với đòi hỏi chính đáng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp thay vì trục lợi cá nhân, chắc chắn quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được bảo vệ.