Văn hóa trung thành của lao động Nhật Bản lung lay trong dịch Covid-19

02/07/2020 15:15 PM | Xã hội

Sau Thế chiến II, hãng sản xuất xe hơi nổi tiếng Toyota đã phải làm cả xong chảo hay trồng khoai tây để không phải đuổi việc nhân viên. Vậy liệu họ có sống sót qua lần đại dịch Covid-19 này?

Cô Nanami Kodaira đã không đi làm kể từ khi tiệm làm tóc nơi cô làm việc phải cắt giảm giờ làm kể từ tháng 4/2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại thủ đô Tokyo-Nhật Bản.

"Tôi không trách ông chủ bởi tôi không phải người duy nhất phải tạm ở nhà", cô Kodaira nói.

Tuy nhiên cô Kodaira không phải là một trong số 1,9 triệu người thất nghiệp tính trong tháng 5/2020 ở Nhật Bản, tương đương 2,9% tổng lực lượng lao động toàn quốc. Thay vào đó, cô là một trong số 4,2 triệu người được nghỉ làm nhưng vẫn nhận một phần lương, thông thường vào khoảng 75% mức lương.

Con số những lao động Nhật Bản không đi làm nhưng vẫn được trả một phần lương đã từng lên mức kỷ lục 6 triệu người trong tháng 4/2020 trước khi giảm xuống 4,2 triệu vào tháng 5. Dẫu vậy chúng vẫn cao gấp 3 lần so với thời kỳ khủng hoảng tháng 1/2009.

Văn hóa trung thành của lao động Nhật Bản lung lay trong dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Theo chuyên gia kinh tế Takuya Hoshino của Viện nghiên cứu Dai-Ichi, tỷ lệ thất nghiệp thực của Nhật Bản có thể lên đến 10,2% trong tháng 5/2020 nếu tính cả những người đang ở nhà nhận một phần lương như chị Kodaira.

"Kể cả khi những lệnh giãn cách đã được nới lỏng, số lao động phải ở nhà tại Nhật vẫn rất cao. Đây là điều chưa được lường trước và vô cùng nguy hiểm cho nền kinh tế", Chuyên gia Hoshino nhấn mạnh.

Văn hóa trung thành đại chiến dịch Covid-19

Trong khi nhiều lao động cho rằng Nhật Bản đã tránh được một đợt sa thải lớn chưa từng có nhờ văn hóa trung thành với doanh nghiệp thì các chuyên gia kinh tế lại khá lo lắng khi Nhật Bản đã chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật khi tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp.

Việc lao động gắn bó quá lâu với 1 công ty, đổi lại doanh nghiệp sẽ chăm lo cho họ như một thành viên gia đình là nét văn hóa cực kỳ độc đáo ở Nhật Bản. Chính điều này đã giúp nền kinh tế Nhật vượt qua được các thảm họa động đất, chiến tranh hay sóng thần khi lao động và doanh nghiệp phối hợp với nhau vô cùng tốt.

Các công ty chấp nhận trả một phần lương khiến lao động trung thành hơn, làm việc có năng suất hơn khi được gọi lại. Công ty cũng nhanh chóng quay lại hoạt động sản xuất được mà không lo thiếu nhân công.

Văn hóa trung thành của lao động Nhật Bản lung lay trong dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Những lao động được nghỉ ở nhà nhưng nhận lương sẽ giúp thị trường tiêu dùng đứng vững trước các cuộc khủng hoảng, qua đó gián tiếp trợ giúp lại các doanh nghiệp. Thêm nữa, văn hóa này giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp cũng như bình ổn được xã hội trong thời kỳ khủng hoảng.

Tuy nhiên với dịch Covid-19 hiện nay, nhiều chuyên gia lo lắng văn hóa này sẽ tạo nên sự chủ quan trong cả giới doanh nghiệp lẫn người lao động.

Hiện 1/5 số lao động Nhật Bản đã làm việc tại cùng 1 công ty trong hơn 20 năm qua, cao gấp đôi so với Mỹ và là con số đáng kinh ngạc so với nhiều nền kinh tế khác.

"Vấn đề lớn nhất hiện nay trên thị trường lao động Nhật Bản là tư duy trả lương theo thâm niên chứ không phải năng lực. Nếu các doanh nghiệp chấp nhận trả lương theo năng lực, chuyện đổi việc hay hoạch định lại sự nghiệp chắc chắn sẽ diễn ra nhiều hơn", Chuyên gia tư vấn cao cấp Jesper Koll của hãng Wisdom Tree nhận định.

Thậm chí, luật pháp của Nhật Bản cũng hạn chế việc doanh nghiệp sa thải nhân viên. Theo luật lao động, quyết định sa thải của công ty sẽ bị vô hiệu hóa nếu chúng "không phù hợp với các nguyên tắc nói chung của xã hội".

Trên thực tế, các nhà quản lý nhân lực tại Nhật cho biết hiếm khi nhân viên bị sa thải trừ khi họ mắc lỗi cực lớn. Thông thường doanh nghiệp sẽ đàm phán để nhân viên tự nguyện xin nghỉ việc hoặc nghỉ hưu với khoản tiền bồi thường nhất định.

Mặc dù vậy, hãng tin CNN nhận định tư tưởng đổi lòng trung thành lấy sự đảm bảo về công việc ở Nhật đã ăn sâu vào tiềm thức xã hội đến mức ảnh hưởng khả năng tuyển dụng của một doanh nghiệp nếu phá bỏ luật chơi. Bất kỳ công ty nào sa thải nhân viên hàng loạt không rõ lý do sẽ dễ bị người lao động tẩy chay sau đó.

Ví dụ điển hình là công ty Toyota khi CEO Akio Toyoda đã phải cam kết không sa thải hàng loạt nhân viên trong đợt đỉnh dịch Covid-19. Bản thân CEO Toyoda đã viện chứng bài học lịch sử của hãng sau Thế chiến II khi doanh nghiệp sản xuất xe hơi nổi tiếng này chấp nhận sản xuất cả xong chảo và trồng khoai tây hay bất cứ thứ gì chỉ để không phải đuổi việc nhân viên của họ.

Chính tư tưởng này đã khiến nhiều doanh nghiệp Nhật thà cho nhân viên tạm nghỉ có lương thay vì đuổi việc hoàn toàn. Theo luật định, các công ty phải trả ít nhất 60% mức lương cho những người phải nghỉ ở nhà. Thậm chí chính quyền Tokyo cũng cam kết sẽ thanh toán tới 90% số tiền lương phải trả cho những người ở nhà này thông qua các chính sách ưu đãi và trợ cấp nằm trong gói cứu trợ chống dịch Covid-19.

Văn hóa trung thành của lao động Nhật Bản lung lay trong dịch Covid-19 - Ảnh 3.

"Tại Mỹ, người lao động làm đơn xin trợ cấp thất nghiệp trực tiếp với chính phủ trong khi tại Nhật, chính phủ lại cầu xin doanh nghiệp không sa thải nhân viên và họ sẽ trợ giúp một phần tiền lương. Đây là cách tiếp cận rất khác nhau giữa 2 nền kinh tế", Chuyên gia Hoshino nhận định.

Thêm nữa, Nhật Bản cũng tính toán tỷ lệ thất nghiệp như các nước Phương Tây khi loại trừ các đối tượng thất nghiệp nhưng không có nhu cầu tìm việc làm, qua đó làm sai lệch chỉ số. Phương thức này có thể đúng với những người giàu không cần công việc nhưng lại bỏ qua các đối tượng như phụ nữ, thành phần lao động vốn có mong muốn đi làm nhưng vướng bận hôn nhân, con cái và các định kiến xã hội mà từ chối quay trở lại làm việc.

Với ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các chuyên gia kinh tế cho rằng ngày càng nhiều phụ nữ sẽ tham gia thị trường lao động hơn khi nền kinh tế suy thoái và thu nhập hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Nỗi lo sợ dài hạn

Nhằm đối phó dịch Covid-19, chính quyền Tokyo đã tung ta khoản cứu trợ lớn nhất thế giới với 2,2 nghìn tỷ USD, chủ yếu là phát tiền hoặc cho vay ưu đãi đến các doanh nghiệp nhỏ. Đây cũng là gói cứu trợ thứ 20 của nền kinh tế Nhật kể từ năm 1998 sau nhiều năm cố gắng kích thích tăng trưởng nhưng bất thành.

Trong khi kết quả của gói cứu trợ phải chờ đến tháng 9/2020 khi hết hạn thì một số chuyên gia kinh tế đã dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản có thể vượt 4% vào cuối năm nay, mức cao nhất kể từ tháng 8/2013.

Nền kinh tế Nhật Bản đã chính thức rơi vào suy thoái kể từ quý I/2020 và các chuyên gia kinh tế đều nhận định nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II.

Khảo sát của Nikkei cho thấy GDP quý II của Nhật sẽ suy giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong dài hạn, các nhà phân tích nhận định những doanh nghiệp Nhật sẽ mất tính linh hoạt cũng như năng suất vốn có do phải cố gắng không sa thải nhân viên bất kể họ có đi làm hay không.

AB

Cùng chuyên mục
XEM