Văn hoá "tiền bối" ăn sâu vào thói quen người Hàn Quốc, đến nhân viên 9x cũng thể hiện quyền lực khiến Gen Z mệt mỏi

31/12/2022 14:57 PM | Sống

Trong khi tuổi tác được xem như một vấn đề nhạy cảm ở một số quốc gia thì người Hàn Quốc lại đặt lên hàng đầu. Bởi chỉ cần là "tiền bối" thì bạn đang nắm giữ khá nhiều quyền lực, ít nhất là đối với người nhỏ tuổi hơn.

Hàn Quốc có nhiều khái niệm về các thế hệ, phân ra theo lứa tuổi và hướng đến những thời kỳ khác nhau. Có thể kể đến các thế hệ sau:

Thế hệ Millennial gồm những người sinh năm 1981 – 1996

Thế hệ "88 vạn won" sinh ra từ năm 1979 đến năm 1988.

Thế hệ "sampo" từ bỏ việc hẹn hò, kết hôn và sinh con.

Những thế hệ này để chỉ những người sinh ra, lớn lên trong thời kỳ khủng hoảng tài chính 1997, 2008. Ngoài những thế hệ đó, có một thế hệ "sống lâu thành lão làng", được gọi là "Kkondae".

Văn hoá "tiền bối" ăn sâu vào thói quen người Hàn Quốc, đến nhân viên 9x cũng phải thể hiện quyền lực khiến Gen Z mệt mỏi - Ảnh 2.

Văn hóa "Kkondae" thường tồn tại ở thế hệ lớn tuổi nhưng hiện nay đang ngày càng trẻ hóa

Song hiện nay, một thế hệ mới đã ra đời, đó chính là Gen Z. Hay còn gọi là Thế hệ Z, là thuật ngữ được dùng để chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012.

Kkondae - thuật ngữ chỉ một người lớn tuổi thích ra lệnh cho người khác, xem thường năng lực của người ít tuổi hơn - luôn là nỗi ám ảnh và chán ghét với nhiều người trẻ Hàn Quốc. Kkondae đề cao thứ bậc, tuổi tác trong xã hội Hàn Quốc từng không cho phép người trẻ từ chối những yêu cầu, sắp xếp từ người lớn tuổi hơn.

Tuy nhiên, trong những năm trở lại, văn hóa này còn được chứng kiến ở ngay bản thân lớp nhân viên văn phòng trẻ tuổi, theo Korea Herald.

71% người Hàn Quốc đang đi làm cho biết rằng nơi làm việc của họ có ít nhất một “Kkondae trẻ”. Kết quả này có được từ một cuộc khảo sát năm 2020 của trang web tìm kiếm việc làm Saramin

Nói cách khác, môi trường làm việc tồn tại kiểu người thuộc thế hệ MZ (Millennials và Gen Z) đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối từ từ các đồng nghiệp đồng trang lứa, mặc dù chỉ cách nhau vài tuổi về tuổi tác hoặc kinh nghiệm nghề nghiệp.

Sự ảnh hưởng rộng khắp của văn hóa "Kkondae"

Văn hóa "Kkondae" mang lại một khoảng cách thế hệ lớn tại nơi làm việc, đặc biệt ở chốn công sở. Văn hóa Kkondae tại nơi công sở được quyết định dựa trên số năm làm việc. Có một sự phân cấp rất rõ ràng trong công ty về cách xưng hô, chức vụ, sự phân công vị trí làm việc.

Về cách xưng hô

Người Hàn thường chỉ gọi chức danh (Giám đốc, Trưởng phòng hay gọi tên kèm theo chức vụ Thư ký Kim, Trưởng nhóm Park... Cách gọi tên này cho thấy sự không gần gũi và sự phân chia thứ bậc rất rạch ròi trong công việc.

Văn hoá "tiền bối" ăn sâu vào thói quen người Hàn Quốc, đến nhân viên 9x cũng phải thể hiện quyền lực khiến Gen Z mệt mỏi - Ảnh 3.

"Kkondae" gây ám ảnh với những nhân viên mới vào làm việc

Về chức vụ

Người nào có chức vụ cao hơn thì người đó có quyền lực cao hơn. Điều này sẽ quyết định việc báo cáo cho ai và trách nhiệm như thế nào. Hơn nữa, thái độ của cấp dưới đối với cấp trên phải có sự dè chừng, nhún nhường. Thậm chí việc hào phóng mời cấp trên đi ăn là điều cần phải có.

Về sự phân công vị trí làm việc

Những người trẻ mới vào công ty lúc nào cũng chuẩn bị cafe, nước uống cho các thành viên trong phòng ban của mình. Ngoài ra, họ luôn là người đảm nhận vai trò ghi chép trong các cuộc họp. Họ phải đặt bàn trước khi đi ăn, gọi giao đồ hay phân phát thìa đũa trên bàn ăn. Việc này được lặp đi lặp lại với hầu hết người mới vào công ty làm việc.

Về thời gian làm việc

Thời gian làm việc cũng là một vấn đề gây nhiều áp lực với người trẻ mới vào làm. Dù họ đã làm xong công việc được giao nhưng cấp trên chưa ra về thì họ vẫn chưa được phép về. Nếu họ ra về quá sớm thì sẽ nhận được những lời đánh giá không tốt từ cấp trên của mình.

Thế hệ trẻ cũng không thể xóa văn hóa "Kkondae"

Kkondae không coi mọi người là bình đẳng. Họ luôn nghĩ rằng mình giỏi hơn ai đó vì bất cứ lý do gì: thời gian làm việc, vốn sống, hiểu biết, tuổi đời... và từ đó luôn tự cho bản thân quyền lên giọng, sai khiến người khác.

Văn hóa thứ bậc ăn sâu sang cả nhóm người đi làm trẻ tuổi dần phổ biến đến mức các chương trình truyền hình, phim ảnh bắt đầu lấy đây làm tư liệu cho nội dung.

Trong một tập của SBS TV's Circle House, chương trình trò chuyện do bác sĩ tâm lý và giáo sư đại học Oh Eun-young dẫn dắt, một nhóm nhân viên thế hệ MZ chia làm 2 đội, chia sẻ những quan điểm về các tình huống khác nhau trong cuộc sống văn phòng.

Kết quả cho thấy dù chỉ cách nhau vài tuổi, mỗi người có những suy nghĩ rất khác nhau.

Văn hoá "tiền bối" ăn sâu vào thói quen người Hàn Quốc, đến nhân viên 9x cũng phải thể hiện quyền lực khiến Gen Z mệt mỏi - Ảnh 4.

Kkondae trẻ tuổi cho rằng mình luôn đúng và những người hậu bối luôn kém thông minh

Về chủ đề "đến nơi làm việc đúng giờ", nhóm kkondae trẻ cho rằng tất cả cần đến sớm ít nhất 10 phút trước khi vào giờ làm việc, trong khi nhóm còn lại bác bỏ và cho rằng họ chỉ cần không đến muộn giờ quy định.

"Kkondae ở độ tuổi 20-30 sẽ căng thẳng hơn rất nhiều, vì tôi dành nhiều thời gian hơn và tương tác với họ nhiều hơn do độ tuổi và thứ hạng tương tự của chúng tôi", một nhân viên 24 tuổi họ Lee nói.

Trong khi các kkondae lớn tuổi chủ yếu chỉ muốn tuổi tác và kinh nghiệm của mình được tôn trọng thì những người nhỏ tuổi muốn nhiều hơn.

"Họ tin chắc rằng logic của mình luôn đúng, vì vậy họ phải chứng minh bạn sai và kém thông minh. Bạn không thể giành phần thắng", một sinh viên đại học họ Yoon cho biết.

Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook ở Seoul chia sẻ, nỗ lực để hiểu nhau là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách.

"Điều quan trọng là cần phải suy nghĩ thêm về nhu cầu, quyền lợi của các đồng nghiệp trong phòng, thay vì nhất quyết làm theo ý mình. Lắng nghe và hiểu biết từ cả hai bên là giải pháp".

Về phía nhà phê bình văn hóa Kim Sung-soo, chuyên gia này cho rằng, môi trường công sở không chỉ có kkondae, những tình huống khó khăn mà thế hệ MZ ở Hàn Quốc đối mặt khi đi làm thường bị các nhà sản xuất truyền hình phản ánh một cách hời hợt.

"Họ đang ở giai đoạn cảm thấy cần phải thích nghi với môi trường làm việc đề cao văn hóa thứ bậc, song đồng thời cũng hiểu rằng công ty có thể sa thải họ bất cứ lúc nào vì từng chứng kiến thế hệ cha mẹ mất việc làm", Kim phân tích.

Trên thực tế, ngày càng có nhiều người thuộc thế hệ Millennials và Gen Z rời bỏ các công ty Hàn Quốc để "theo đuổi ước mơ của riêng mình".

Khoảng 49% trong số 500 công ty Hàn Quốc nói rằng họ đang chứng kiến số lượng lớn nhân viên thế hệ MZ nghỉ việc trong vòng một năm, theo một cuộc khảo sát do cổng thông tin việc làm trực tuyến Saramin thực hiện vào cuối năm 2021.

"Họ bị mắc kẹt ở nơi mà họ cảm thấy như mọi con đường họ chọn đều là câu trả lời sai. Các phân đoạn phát sóng trên tivi chỉ phản ánh vấn đề trên bề mặt, nhưng họ nên thừa nhận tâm lý của các MZ để có thể viết kịch bản tốt hơn", Kim nói.

Tóm lại, văn hóa là những điều gần như đã ăn sâu vào tiềm thức của con người. Do đó không thể dễ dàng thay đổi được điều này. Nhưng những người trẻ Hàn Quốc vẫn tin vào một ngày có thể phá bỏ được bức tường mang tên “Kkondae”.

Theo Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM