Văn hóa Apple sau 10 năm ra đời của iPhone
Ngày nay, iPhone là hình ảnh đại diện của Apple - một dây chuyền khổng lồ, sản xuất và bán ra thị trường hàng trăm triệu chiếc điện thoại thông minh. Trong suốt quá trình ra đời và cải tiến của mình, iPhone đã đem về cho Apple hàng núi tiền.
Hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại những thay đổi mà iPhone đã đem lại cho nền văn hóa Apple xưa, cũng như những giá trị dường như chưa bao giờ thay đổi.
Sự phát triển thần thánh và những con số không tưởng của iPhone
Ngày 29 tháng 6 năm 2007, người hâm mộ của Apple háo hức xếp thành hàng dài trên đường phố, để được cầm trên tay chiếc iPhone đầu tiên.
Mười năm trước, chẳng ai có thể tưởng tượng được thành quả sáng tạo của Steve Jobs có sức tác động mạnh mẽ tới Apple đến vậy.
Ngày nay, iPhone đại diện cho hơn 60% doanh thu của Apple. Điều này khiến nhiều người xem Apple như là một công ty sản xuất đầu tiên và độc quyền về iPhone. Nhưng nó có thật sự là như vậy? iPhone có thật sự đã tiến hành một cuộc lột xác cho Apple?
Đầu năm nay, Horace Dediu – kỹ sư và cũng là sinh viên của HBS, đã đăng một bài báo với tựa đề “The First Trillion Dollars is Always the Hardest”. Trong đó ông đã tóm tắt lịch sử huy hoàng của iPhone thông qua việc nhìn vào những con số đáng kinh ngạc của nó:
“Trong suốt 10 năm đầu đời, điện thoại iPhone đã được bán ra 1,2 tỷ chiếc và trở thành sản phẩm thành công mọi thời đại. iPhone cũng mở ra cả một đế chế iOS bao gồm các thiết bị iPod, iPad, Apple Watch và Apple TV với tổng doanh số tính đến nay đã đạt 1,75 tỷ chiếc. Con số này dự kiến sẽ đạt tới 2 tỷ vào cuối năm 2018.
… iOS nhiều khả năng sẽ mang về cho Apple doanh thu tổng cộng 1000 tỷ USD vào một thời điểm nào đó trong năm nay.”
Dây chuyền sản xuất iPhone.
Thật khó để có thể hình dung rõ nét về những con số lớn đến mức như vậy. Với bộ não của mình, chúng ta có thể di chuyển những mảnh ghép của một bàn cờ trong tưởng tượng. Thậm chí, ta có thể tập hợp và lắp ráp những hình ảnh để sắp xếp trong tưởng tượng chỗ ngồi cho một bữa tối vào ngày lễ Tạ ơn. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể hình dung ra một nghìn tỷ đô la hay một tỷ chiếc điện thoại?
Trong quý 4 năm 2016 gần đây nhất, Apple đã bán ít hơn 80 triệu chiếc iPhone, ước tính lượng bán ra khoảng 900,000 chiếc một ngày. Nghĩa là, nếu một ngày ta có 86,400 giây – làm tròn lên là 90,000 giây, thì năng suất sản xuất sẽ là 10 chiếc iPhone/giây.
Nhưng việc sản xuất một chiếc điện thoại không hề nhanh đến vậy. Nó không giống như việc nhấp vào nút chụp của chiếc máy ảnh tốc độ cao. Giả sử rằng phải mất khoảng 15 phút (làm tròn lên đến 1.000 giây) để lắp ráp một chiếc iPhone. Vậy cần bao nhiêu dây chuyền sản xuất song song để tạo ra được 10 chiếc điện thoại/giây? 1.000 chia cho 1/10 bằng ... 10.000! Cần mười nghìn dây chuyền sản xuất song song nếu muốn tạo ra 10 chiếc iPhone/giây.
Chúng ta có thể làm giả các con số, nhưng vẫn rất khó để có thể hiểu được quy mô và sự phức tạp trong dây chuyền sản xuất iPhone và có hình dung rõ nét hơn về nó.
iPhone đã giúp cho Apple lột xác như thế nào?
Với quy mô khổng lồ, hoạt động của chuỗi cung ứng iPhone của Apple yêu cầu một sự chính xác nghiêm ngặc như quân đội. Sản xuất và tiêu thụ 212 triệu chiếc iPhone mỗi năm (vào năm 2016) đòi hỏi những “con người, quá trình và mục đích” rất khác biệt so với khi Apple bán một lượng khiêm tốn máy tính cá nhân Macintosh (4,6 triệu chiếc trong năm tài chính 2000 của nó, leo tới 5.3 triệu chiếc trong năm tài chính 2006).
Apply đã làm thế nào để phát triển từ 5,3 triệu máy Mac trong năm 2006 lên đến 212 triệu chiếc iPhone vào năm ngoái, một con số gấp hơn 40 lần.
Một trong nhiều đột phá của vị thiên tài Steve Jobs đối với Apple 2.0 là đã thuê Tim Cook – một vị quản lý chuỗi cung ứng giàu kinh nghiệm. Với sự hỗ trợ và truyền cảm hứng của Jobs, hai người đã chọn lựa được các nhóm nhân viên cần thiết cho công ty, thiết lập các nguyên tắc mới và tạo ra các mối quan hệ đối tác mới. Điều đó đã khiến Apple trở thành một công ty khác… Tất nhiên là không thay đổi hoàn toàn.
Có một điều không hề thay đổi ở Apple đó là sự độc tài trong kiểm soát tổng thể, thông qua tích hợp phần cứng/ phần mềm. Đây là một trong những đặc điểm văn hóa lâu đời nhất của Apple, và từ lâu đã bị các nhà quan sát ngành công nghiệp chỉ trích. Jean-Louis Gassée đã viết: “Với hệ điều hành độc quyền iOS cho Iphone, Apple đã từng bị giới chức trách chỉ trích rằng: Apple đang đi vào vết xe đã từng làm sụp đổ Macintosh!”
Tuy nhiên, những chỉ trích ấy không chống chọi được với những con số. Thực sự thì bằng việc tích hợp chặt chẽ phần cứng và phần mềm, Apple chỉ giành được số phần trăm thị phần thiểu số, trong phạm vi 14% đối với iPhone. Nhưng mặt khác, công ty này lại chiếm được “ưu thế điện thoại thông minh trên toàn thế giới” - 75% theo tờ báo Digital Trends, trong khi nhiều người khác dự đoán nó có thể lên đến 83%.
Vì không muốn phụ thuộc vào các nhà cung cấp mà không phải lúc nào cũng đáng tin cậy, Apple đã thiết kế bộ vi xử lý Ax cho riêng mình. Và giờ đây chúng ta có thể thấy được các bộ vi xử lý của iPhone và iPad đã đánh bại đối thủ cạnh tranh của họ như thế nào.
Ngoài ra Apple cũng không quên dành mối quan tâm của mình tới thiết kế. Chiếc Apple IIc màu trắng ra đời năm 1984, nghiêng về những thiết kế “Frog Design” của Hartmut Esslinger. Khi Jobs quay lại với Apple vào năm 1997, cùng với nhà thiết kế Sir Jonathan Ive đã cho ra đời hàng loạt các thành tựu trong thiết kế như chiếc Bondi Blue iMac:
Một trong các máy tính mang phong cách "frog design" của Apple.
Nói về Mac, sau một thời gian bỏ quên dòng máy bàn này, cuối năm nay Apple sẽ tung ra một phiên bản iMac mới cùng với những thiết kế và tính năng vượt trội hơn bao giờ hết. Hứa hẹn trong năm 2018, công ty này sẽ cho ra thị trường một phiên bản nâng cấp của Mac Pro, với khả năng thay thế mạnh mẽ hơn, thiết kế module cùng màn hình Pro Display.
***
Chặng đường 10 năm và sự hình thành của văn hóa Apple
Có lẽ văn hóa của một tổ chức sẽ không được hoàn thiện nếu không có những lời đồn đại của truyền thông, nhân viên đòi nhân quyền, và cả những mâu thuẫn nội bộ. Apple cũng đã tạo cho mình một nền văn hóa với đầy đủ những yếu tố đó.
Nhân kỷ niệm 10 năm ra đời của iPhone, Brian Merchent đã viết cuốn sách: “Thiết bị số 1: Lịch sử ra đời của Iphone” (The One Device - The Secret History of the iPhone).
Trang tin The Verge mới đây cũng đã đăng tải bài viết trích dẫn một đoạn trong cuốn sách này. Nó đã tiết lộ mặt tối phía sau những hào quang mà người ta vẫn thấy ở Apple. Một cựu giám đốc bị người ta đổ cho là giành hết công trạng về mình. Một công nhân đã hủy hoại cuộc hôn nhân của mình vì làm việc qua sức. Phil Schiller bị đổ lỗi vì đã có ý kiến phản đối về bàn phím cảm ứng.
Đã có nhiều nhận xét tiêu cực về vị giám đốc Marketing này của Apple. "Schiller không có cùng một sự nhạy bén về công nghệ như nhiều giám đốc điều hành khác”. "Phil không phải là một tay rành công nghệ", Brett Bilbrey, cựu giám đốc của tập đoàn công nghệ tiên tiến của Apple, đã nói. “Có những ngày bạn phải giải thích cho anh ta như một đứa trẻ mẫu giáo”.
Tuy nhiên, bên cạnh việc xem xét trình độ và kinh nghiệm lập trình của Phil Schiller, người ta liệu có đặt ra câu hỏi : Schiller đã làm việc cho Jobs được bao lâu rồi khi mà ông ta “không có đủ kiến thức về công nghệ” đến vậy? Câu trả lời là: Phil Schiller đã gia nhập Apple năm 1997 và đã làm việc trực tiếp cho Steve và Tim kể từ đó đến nay.
Gần đây, một vị quản lý cấp cao của Apple đã có phát biểu nói rằng: những điều tiêu cực về Phil Schiller được trích dẫn bởi tờ The Verge là không đúng sự thật.
Nếu ai đó thật sự muốn nghe một nhân vật chủ chốt và trong cuộc nói về sự ra đời của iPhone như thế nào, thì hãy đến với Scott Forstall. Cựu giám đốc phụ trách phần mềm của Apple này sẽ có buổi chia sẻ tại một sự kiện ở Bảo tàng Lịch sử Máy tính ở Mountain View, California (Mỹ) hôm 20/6.
Scott Forstall, người mang công đầu trong việc tạo ra iOS.
Nếu không có kỹ năng, trí tuệ phi thường, cùng sự tập trung cao độ của Scott, có lẽ iOS sẽ không được sinh ra. Hệ điều hành iOS là “đứa con thứ” được sinh ra sau “con cả” OS X, và nhiều anh chị khác. Và nếu không có Scott, có lẽ cũng sẽ không có câu chuyện của Steve Jobs vào tháng giêng năm 2007.
Năm năm sau đó, Scott rời Apple. Người ta đã giải thích cho sự ra đi của ông rằng: ông đã quá sức khi dồn năng lượng và sự tập trung của mình cho công việc, ông đã gặp quá nhiều khó khăn.
Kể từ khi rời khỏi Apple, Scott đã không nói gì về 22 năm làm việc tại NeXT và Apple. Ông đã không tuyên bố bất cứ điều gì hoặc chỉ trích bất kỳ ai, và có lẽ ông ta vẫn sẽ duy trì thái độ ấy. Nếu có thể hãy đi gặp ông ấy, bạn sẽ được hồi tưởng lại cùng ông về những tháng ngày làm việc và cả những người cộng sự của ông ở Apple.
Điều gì ở Apple chưa bao giờ biến mất?
Đó chính là câu thần chú: Apple rồi sẽ đến ngày suy tàn. Các nhà quản lý của Apple có lẽ sẽ biết ơn thành ngữ “memento mori” này. (Memento mori tiếng Latin có nghĩa là “ Hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết) .Một khi Apple tin vào sự thổi phồng và những con số đưa ra của chính họ -giống như những người đứng đầu của Blackberry và Nokia, lúc đó công ty này sẽ thực sự phải gánh chịu sự hủy diệt.