Văn bản được cho của Thế Giới Di Động tự ý giảm tiền thuê mặt bằng dù chủ nhà chưa đồng ý: Giá trị pháp lý ra sao? Có thể kiện không?

02/10/2021 10:42 AM | Kinh doanh

Mới đây, Thế giới Di động (MWG) tiếp tục vướng phải tranh cãi liên quan đến việc cắt giảm tiền thuê mặt bằng.

Sự việc nổ ra khi trên mạng xã hội lan truyền ảnh chụp được cho là văn bản của MWG gửi tới đối tác cho thuê mặt bằng.

Cụ thể, ông M - người cho thuê cho biết đầu tháng 8/2021, MWG đã có công văn gửi đến các đối tác mặt bằng về việc thanh toán tiền thuê mặt bằng trong giai đoạn cửa hàng tạm đóng cửa do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong văn bản, MWG đề nghị được hỗ trợ với chi tiết:

"- KHÔNG TÍNH TIỀN THUÊ và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước.

- KHÔNG TÍNH TIỀN THUÊ 70% và thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch.

Thời gian áp dụng từ 1/1 - 1/8/2021. Công văn đề nghị tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng".

Điều đáng nói là dù chưa có được sự đồng ý, chấp thuận từ chủ nhà nhưng theo ông M, đến tháng 9/2021, MWG có thông báo về thanh toán chi phí tiền thuê mặt bằng và tự chuyển khoản tiền thuê đã giảm. Ông M. đã có đơn phúc đáp lại bày tỏ sự không đồng ý với động thái trên, bởi theo quy định tại Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất ký ngày 16/1/2020 giữa MWG và ông M về việc Chi nhánh Thế giới Di động tại Bình Định thuê mặt bằng kinh doanh tại đại chỉ 160A Trần Phú, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định để mở cửa hàng kinh doanh, giá thuê được nêu rõ tại Điều 4 của Hợp đồng và Điều 9 Cam đoan của các bên không có điều khoản nào nêu rõ việc MWG được tự ý giảm giá thuê mặt bằng khi chưa có sự đồng ý của người thuê mặt bằng.

Văn bản được cho của Thế Giới Di Động tự ý giảm tiền thuê mặt bằng dù chủ nhà chưa đồng ý: Giá trị pháp lý ra sao? Có thể kiện không? - Ảnh 1.
Văn bản được cho của Thế Giới Di Động tự ý giảm tiền thuê mặt bằng dù chủ nhà chưa đồng ý: Giá trị pháp lý ra sao? Có thể kiện không? - Ảnh 2.
Văn bản được cho là của MWG gửi tới đối tác cho thuê mặt bằng.

Trả lời về vấn đề này, một chuyên gia làm trong ngành luật dân sự nhận định: "Trước tiên, cần phải xem xét HĐ thuê giữa các bên có điều khoản thỏa thuận hay không về trường hợp nào được phép cắt giảm tiền thuê. Nếu có thì các bên tuân theo quy định như trong hợp đồng đã giao kết.

Trường hợp không có, để được cắt giảm tiền thuê MWG phải tiến hành thương lượng và phải được sự đồng ý của bên cho thuê. Nếu tự ý cắt giảm tiền thuê mà chưa được sự đồng ý của bên cho thuê thì trong trường hợp này MWG đã vi phạm hợp đồng.

Việc MWG cắt giảm tiền thuê hoặc nếu chậm trễ trong việc trả tiền thuê theo thời hạn quy định trong hợp đồng mà không được sự đồng ý của bên cho thuê thi bên cho thuê được quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Ngoài việc trả tiền thuê theo hợp đồng, MWG còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo quy định của pháp luật”.

Nói cách khác, việc MWG đơn phương đưa ra văn bản cắt giảm mà chưa có sự đồng ý của chủ nhà, là hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

"Bên đi thuê - dù có thông báo hay công văn gì đi nữa, mà hợp đồng không có thoả thuận, bên cho thuê không đồng ý thì không được tự ý cắt giảm, mà phải thương lượng và được sự đồng ý".

Tuy nhiên, vị này cũng lưu ý, khi đưa ra toà, MWG có thể cho rằng đây là sự kiện bất khả kháng do dịch bệnh dẫn tới cửa hàng đóng cửa. Nhưng họ phải chứng minh điều đó, và có được Toà án chấp nhận hay không thì còn chưa biết.

Về sự việc này, đại diện truyền thông của Thế giới Di động từ chối đưa ra bình luận và cho biết, sẽ liên hệ giải quyết sự việc với phía khách hàng. Hiện nay, nhiều luồng ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong dịch Covid-19 là đáng quý, cần thiết, tuy nhiên, cũng cần có sự hài hòa lợi ích của hai bên.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM