VAFI kiến nghị Bộ Công thương bán hai “đại gia bia” thu 3 tỷ USD cho ngân sách
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có kiến nghị gửi đến Tân bộ trưởng bộ công thương Trần Tuấn Anh về việc thực hiện niêm yết và thoái toàn bộ vốn nhà nước của hai “đại gia bia” Sabeco và Habeco.
Theo đó, VAFI kiến nghị cần chấm dứt ngay tình trạng trốn niêm yết tại tại hai công ty bia lớn nhất Việt Nam này. Cụ thể, Sabeco và Habeco đã thực hiện việc cổ phần hoá 8 năm. Trong đề án cổ phần hoá của Sabeco và Habeco cũng đều nói rõ việc cổ phần hoá gắn với việc niêm yết theo chủ trương của nhà nước. Nhưng cho đến hiện nay, cả Sabeco và Habeco đã nhiều lần tìm cách trốn tránh dù đã bị thúc giục nhiều lần.
Theo ước tính của VAFI, trị giá của lần thoái vốn hai đại gia bia Sabeco và Habeco vào khoảng trên 3 tỷ đô la
Ngoài ra, VAFI đề xuất việc bán hết cổ phần nhà nước tại Sabeco và Habeco. Hiện tại, Bộ Công thương đang đại diện tới gần 90% và 82% vốn điều lệ tại hai tổng công ty này.
Lý giải về đề xuất này, VAFI giải thích, từ tháng 10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho SCIC thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp hiệu quả như Vinamilk, FPT, nhựa Tiến Phong,… như vậy, việc bán toàn bộ cổ phần nhà nước tại Sabeco và Habeco là vấn đề không phải bàn cãi.
Cũng trong văn bản gửi tới bộ, VAFI cho rằng, Sabeco và Habeco đã thực hiện cổ phần hóa được hơn 8 năm, và trong đề án cổ phần hóa của hai doanh nghiệp này đều nói rõ việc cổ phần hóa gắn với việc niêm yết theo chủ trương của nhà nước, nhưng Sabeco và Habeco đã nhiều lần tìm cách lần nữa việc niêm yết.
VAFI cho rằng, cách đây hơn 10 năm, Sabeco là doanh nghiệp lớn hơn nhiều so với Vinamilk, lợi nhuận Sabeco cao gần gấp đôi Vinamilk nhưng nay, ngược lại lợi nhuận Vinamilk cao gần gấp ba lần Sabeco. Sau hơn tám năm cổ phần hóa, Sabeco và Habeco tăng trưởng rất chậm mặc dù tiềm năng phát triển là rất lớn.
Đề nghị của VAFI căn cứ vào Quyết định 51/2014/QĐ-CP ngày 15-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước, theo đó, (Điểm 2 Điều 14 của QĐ 51): “Đối với doanh nghiệp đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định tại khoản 1 Điều 14 quyết định này trong thời hạn tối đa một năm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực”.
Trong trường hợp được Bộ Công thương chấp thuận, VAFI đề nghị việc mở bán cổ phần của Sabeco và Habeco sẽ được thực hiện công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán. Việc đấu toàn bộ cổ phần nhà nước tại một lần đấu giá sẽ gia tăng tối đa giá trị tại Sabeco và Habeco. VAFI cũng kiến nghị không áp dụng việc mua bán thoả thuận nhằm tránh tiêu cực, đồng thời tạo sân chơi cho nhiều nhà đầu tư lớn tham gia cạnh tranh giá.
Ước tính, trị giá của lần thoái vốn này vào khoảng trên 3 tỷ đô la. Với số tiền thu được VAFI cho rằng là đủ xây dựng ngay tuyến đường sắt số 3, số 4 tại Thủ đô Hà Nội. Một khi Hà Nội có 4 tuyến đường sắt trong 7 năm nữa thì sẽ có nhiều điều kiện để phát triển nhanh hệ thống giao thông công cộng, giảm nhanh việc sử dụng hàng triệu xe máy và lúc đó Hà Nội sẽ xanh, sạch đẹp hơn nhiều so với hiện nay.