Ưu tú là một loại năng lực, chân thật, gần gũi là một kiểu sức hút
Ưu tú là một loại năng lực, chân thật, gần gũi lại là một nét hấp dẫn. Hi vọng mỗi người trên con đường nỗ lực để trở nên ưu tú hơn, vẫn luôn giữ được nét chân thật, gần gũi của mình.
01
Trên mạng có một câu hỏi như này: Vì sao người càng ưu tú, lại càng dễ bị cô lập?
Trong đó có một câu trả lời trần thuật lại trải nghiệm của mình:
Bản thân ở công ty biểu hiện không tồi, lãnh đạo cũng rất quý mến.
Đồng nghiệp mặc dù cũng công nhận, nhưng cũng chẳng thân thiết tới đâu. Cảm giác như mình bị cô lập vậy.
Thực ra, người có cảm giác như vậy cũng không phải số ít, họ thường là những người rất ưu tú trong lĩnh vực và chuyên ngành của mình, nhưng bên cạnh lại không có bao nhiêu người bạn.
Vì sao lại như vậy?
Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy cùng xem xem câu chuyện của Tô Đông Pha, hay Tô Thức, một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc.
Nhắc tới Tô Thức, suy nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu nhiều người sẽ là: nhà thơ.
Thực ra, tài năng của ông còn hơn cả vậy, ông còn là một nhà văn, nhà ẩm thực, lữ hành gia, quan địa phương, có thể được xem là một tài tử toàn năng.
Một người ưu tú như vậy, người thích ông, muốn làm bạn với ông, chưa bao giờ là ít.
Bởi lẽ, ông không chỉ có ưu điểm, mà khuyết điểm cũng nhiều không kém.
Ông là một người chất phác, tin người.
Khi còn làm quan, ông từng móc hết gia sản của mình ra để mua một ngôi nhà, tình cờ gặp một bà cụ, bà cụ nói nhà Tổ của mình vừa bị bán mất, vừa hay chính là ngôi nhà mà Tô Đông Pha mua. Tô Đông Pha nghe xong lập tức tin, không hỏi lại, trả lại căn nhà cho bà cụ.
Tô Đông Pha còn là một người "tếu".
Ông có một người bạn sợ vợ, có một lần hai người nói chuyện với nhau quên cả thời gian, kết quả vợ của người bạn tới tìm, người vợ đứng ở ngoài cửa lớn tiếng gọi, dọa khiến người bạn giật mình rơi cả cây gậy trong tay.
Chính nhờ sự kiện này, Tô Đông Pha đã làm hẳn một bài thơ để giúp bạn "lưu giữ kỉ niệm".
Nói về cách thức kết giao bạn bè của mình, Tô Đông Pha nói:
"Ta vừa có thể tiếp Ngọc Hoàng Đại đế, vừa có thể trò chuyện với cả những người đầu đường xó chợ. Thiên hạ này không có ai là không phải người tốt cả."
Một Tô Đông Pha như vậy, người khác có thể không thích ư? Mặc dù bản thân ông cũng có không ít khuyết điểm, những ai lại không muốn làm bạn với ông?
Ông dù toàn năng, nhưng cũng không hoàn hảo, nhưng cũng chính một người như vậy, mới là một người bình thường chân thật, bằng xương bằng thịt.
Con người ta, ai cũng muốn tiếp xúc với những người gần gũi hơn với mình, bởi lẽ, ai ai cũng có khuyết điểm.
Nếu bạn thể hiện quá hoàn hảo, sẽ khiến người khác cảm thấy xa vời, "không với tới", thậm chí nảy sinh ra tâm lý đố kị, từ đó sinh ra khoảng cách với bạn.
Đây cũng chính là lý do vì sao mà càng quá ưu tú, càng dễ bị cô lập, trong khi những người dù ưu tú nhưng vẫn có khuyết điểm lại dễ dàng được người khác tiếp xúc hơn.
Chân dung Tô Đông Pha
02
Nói về một vài tên tuổi lớn trong ngành Internet của đất nước tỷ dân Trung Quốc, có một vài cái tên mà quốc tế có lẽ không xa lại: Jack Ma của Alibaba; Pone Ma của Tencent; Robin Li của Baidu và Lei Jun của Xiaomi.
Jack Ma đem lại cảm giác của một doanh nhân tinh anh, giàu kinh nghiệm.
Pony Ma lại là một học bá nghiêm túc.
Robin Li lại đem lại cảm giác cao, phú, soái, lý tính, nho nhã.
Họ đều là lãnh đạo một doanh nghiệp lớn, mỗi người làm bá chủ ở một mảng, nhưng ở họ có một điểm chung, đó là cảm giác khó gần, khó tiếp cận hay làm thân.
Nếu xem họ là những người bạn đại học, vậy thì bạn sẽ tưởng tượng được ra rằng:
Jack Ma là lớp trưởng, là người lãnh đạo của cả một lớp. Xuất sắc, quyết đoán, linh hoạt, bất kể ở cùng ai, ông đều là nhân vật gây chú ý.
Pony Ma là học bá, thành tích học tập xuất sắc, có tố chất lãnh đạo, nhưng ở cạnh người như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy rất áp lực, căn bản là không có gì để nói với anh ta.
Robin Li sẽ là soái ca trong lớp học, thành tích tốt, ngoại hình đẹp, nhân phẩm tuyệt vời, đa tài đa nghệ, rất thu hút các bạn nữ sinh, đi cùng người như vậy, bạn mãi mãi chỉ là "hình nền".
Chỉ có duy nhất Lei Jun.
Lei Jun đem lại cảm giác của một bạn học bình thường, chẳng khác bạn và tôi là bao. Làm bạn với Lei Jun, vừa không áp lực vừa trò chuyện thoải mái.
Bởi lẽ bất kể là khi nào, khuôn mặt Lei Jun cũng luôn thường trực nụ cười híp cả mắt trên môi, không có cảm giác xa cách, thỉnh thoảng lại cài thêm một chút giọng địa phương, nói chuyện với người như vậy, bạn có thể cười haha bất cứ lúc nào, thư giãn tinh thần.
Đây cũng chính là lý do vì sao Lei Jun đem lại cho người khác cảm giác thân thiện, dễ gần nhất.
Lei Jun thường xuyên quảng cáo điện thoại của mình trên trang cá nhân, ai cũng có thể để lại bình luận "tếu táo" ở trên đó, chính bản thân Lei Jun cũng đáp lại góp vui.
Lei Jun, CEO của Xiaomi
Thực ra, Tô Đông Pha và Lei Jun đều là cùng một kiểu người: họ trông có vẻ ưu tú tới hoàn hảo, nhưng họ cũng là những người bình thường, có điểm thiếu sót, có khuyết điểm.
Thông thường mà nói, danh nhân hay các doanh nhân, đặc biệt là người đứng đầu những doanh nghiệp lớn đều là những người ở trên cao, rất khó để với tới, nhưng hai người họ lại phá vỡ cái quy tắc này.
Cũng chính vì vậy mà chúng ta không chỉ thích họ, còn cảm thấy họ rất "đáng yêu", gần gũi, muốn trở thành người hâm mộ của họ.
Hiện tượng này trong tâm lý học gọi là "hiệu ứng pratfall".
Hiệu ứng này chỉ những người tài năng bình thường sẽ không được người khác để ý, nhưng một người quá hoàn hảo, không có thiếu sót cũng chưa chắc đã được yêu thích. Nhân vật được người khác yêu thích nhất là người tinh anh nhưng cũng có vài khuyết điểm nhỏ.
Người hoàn hảo có thể tồn tại, chúng ta thậm chí không tìm được khuyết điểm nào ở họ, nhưng cũng chính vì vậy mà chúng ta không cảm nhận mặt chân thật ở họ.
Đối với những người ưu tú tới hoàn hảo như vậy, chúng ta chỉ có thể lựa chọn đứng từ xa tán thưởng.
03
Vậy chúng ta làm sao để tận dụng "hiệu ứng pratfall" để gia tăng quan hệ giao tiếp của mình?
Chân thành là vũ khí tốt nhất
Ở nước Mỹ, có giám đốc A của một xí nghiệp nhỏ luôn muốn hợp tác với giám đốc B của một tập đoàn lớn khác, nhưng lần nào cũng thất bại.
Lần này, việc đàm phán hợp tác cũng lại không thành.
Khi ra khỏi công ty của giám đốc B, ông A nhìn thấy bên đường có một cái cây nhỏ bị gió thổi ngã, ông bèn chạy lại dựng cái cây đó dậy.
Để tránh cái cây lại bị gió thổi ngã lần nữa, ông chạy ra xe của mình, lấy từ trong xe một sợi dây để cố định cái cây.
Không ngờ rằng, hành động đó của giám đốc A đã được giám đốc B trên lầu làm việc chứng kiến rõ ràng từ đầu tới cuối, chính hành động vô ý này, đã cảm động giám đốc B, vấn đề hợp tác của hai bên cuối cùng cũng đàm phán thành công.
Trong lúc ký kết hợp đồng, giám đốc B nói rằng: "Anh biết không? Điều cảm động tôi không phải là chuyện anh dựng cái cây nhỏ kia dậy, mà là vì cái cây nhỏ, anh đã đi một quãng rất xa để lấy sợi dây cố định nó lại. Trong lúc người khác cần sự giúp đỡ, nếu như một người có thể không do dự hy sinh lợi ích của bản thân dù không ai biết, dẫu cho điều hy sinh chỉ là rất nhỏ nhặt, điều đó cũng thật đáng quý! Tôi không có lý do gì để không hợp tác với người như vậy, và những người như vậy cũng không có lý do gì mà không gặt hái được thành công!".
Kể từ đó về sau, sự nghiệp của giám đốc A càng ngày càng đi lên, ngày một thuận buồm xuôi gió hơn!
Sự chân thành là nét quyến rũ tuyệt vời nhất của một người, là thứ vũ khí lợi hại giúp bạn chiếm được cảm tình của mọi người.
Thản nhiên đối mặt với thất bại
Nhà hoạt động nhân quyền huyền thoại Malcom X từng nói "Không có gì tốt hơn là nghịch cảnh. Mỗi thất bại, đau khổ, mất mát đều chứa hạt giống trong đó. Đó là hạt giống bài học của bản thân, nó giúp ta biết cách làm sao để cải thiện mọi điều trong tương lai sắp tới."
Huyền thoại võ thuật Trung Quốc, Lý Tiểu Long từng nói: "Giống như tất cả mọi người, bạn muốn học cách để chiến thắng, nhưng lại không bao giờ muốn đối mặt với thất bại. Nếu muốn có một tương lai tốt đẹp, bạn cần phải giải phóng tâm trí và học tập từ thất bại".
Đừng sợ hãi thất bại, càng đừng sợ xấu hổ, ngại ngùng, thản nhiên đối mặt với thất bại, chính dũng khí và sự mạnh mẽ của bạn là thỏi nam châm khiến người khác cảm thấy cảm tình và muốn tiếp xúc hơn.
Đừng tỏ ra quá hoàn hảo, hơn người
Như đã nói, con người ta luôn có thiện cảm và muốn gần gũi với người "giống mình", những người quá giỏi giang sẽ chỉ khiến người khác cảm giác tự ti và xa cách hơn, bởi họ sợ mình không xứng làm bạn với họ, sợ áp lực khi làm bạn với người quá giỏi giang trong khi mình có thể lại chỉ rất bình thường.
Cuộc đời giống như một đường parabol vậy, có lúc thăng cũng sẽ có lúc trầm, không cần phải cố gắng tỏ ra mình hoàn hảo, cứ chân thật, là chính mình là được.
04
Thế gian này không có gì là thập toàn thập mỹ cả.
Khi một ai đó tỏ ra hoàn hảo không có khiếm khuyết, những người bên cạnh sẽ không có cảm giác chân thật, khó với tới.
Ở cùng với người như vậy, chúng ta thường có cảm giác mình không bằng họ, mình phải sống dưới cái ánh hào quang của họ, từ đó luôn cảm thấy bất an.
Ngược lại những người biết tỏ ra yếu thế, sống thật với mình, không che giấu hay xấu hổ với những thiếu xót của mình, sẽ được người khác yêu mến hơn.
Ưu tú là một loại năng lực, chân thật, gần gũi lại là một nét hấp dẫn.
Hi vọng mỗi người trên con đường nỗ lực để trở nên ưu tú hơn, vẫn luôn giữ được nét chân thật, gần gũi của mình.