USD tăng trở lại, Euro, Bitcoin và vàng cùng đi xuống

12/03/2022 08:34 AM | Xã hội

USD tăng trở lại khi các loại tiền trú ẩn an toàn khác và giá hàng hóa đều giảm, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đã có một số tiến bộ trong các cuộc đàm phán giữa Moscow và Ukraine.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Belarus, Alexander Lukashenko, ông Putin nói rằng đã có "những chuyển biến tích cực nhất định" trong các cuộc đàm phán với Ukraine và các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày.

Xung đột gia tăng giữa Nga và Ukraine từ ngày 24/2 đã làm chao đảo thị trường, khiến giá hàng hóa tăng đột biến và đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

"Nếu có thể có sự lạc quan và tích cực đối với các cuộc đàm phán và có bất kỳ cơ hội nào để có một lệnh ngừng bắn hoặc hòa bình, thì điều đó tất nhiên sẽ giúp động lực tăng trưởng toàn cầu quay trở lại", Juan Perez, người đứng đầu bộ phận giao dịch tại Tempus Inc., cho biết.

Đồng USD - được coi là loại tiền trú ẩn an toàn, ban đầu giảm sau thông tin trên, nhưng sau đó mạnh dần lên và tăng 0,399% so với rổ sáu đồng tiền đối tác chủ chốt vào lúc kết thúc ngày 11/3 theo giờ Việt Nam, với chỉ số Dollar index đạt 98,753.

Đồng bạc xanh tăng lên mức gần cao nhất trong 5 năm so với đồng yên Nhật – một loại tiền trú ẩn an toàn. Theo đó, JPY giảm 0,7% xuống 116,935 JPY/USD.

Đồng đô la cũng đã được hỗ trợ bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu tăng lãi suất tại kỳ họp sắp tới, sẽ diễn ra vào 2 ngày 15-16 tháng 3, trong bối cảnh lạm phát đang tăng nóng.

Dữ liệu vừa công bố cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 7,9% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng hàng năm lớn nhất trong vòng 40 năm.

Dữ liệu CPI "về cơ bản chỉ ra rằng Fed nên tăng lãi suất trong tháng này, đồng thời cũng cho thấy họ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong những kỳ họp tiếp theo, ít nhất là trong thời gian sắp tới ", Rodrigo Catrill, chiến lược gia tiền tệ của National Bank of Australia, cho biết.

Bipan Rai, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ khu vực Bắc Mỹ của CIBC Capital Markets cho biết: "Kịch bản cơ bản của chúng tôi vẫn là Fed trở thành ngân hàng trung ương ‘diều hâu’ nhất trong thế giới các nước phát triển và điều đó sẽ hỗ trợ đồng đô la tăng lên".

Trong khi ngân hàng trung ương Mỹ chắc chắn sẽ tăng lãi suất khỏi mức thấp áp dụng từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, thì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản- cũng tổ chức một cuộc họp chính sách vào tuần tới, được dự báo là sẽ tiếp tục giữ lập trường ôn hòa. Đây là một trong số ít những ngân hàng ngoại lệ hiện nay chưa có ý định thắt chặt chính sách tiền tệ.

Đồng euro lúc kết thúc ngày 11/3 theo giờ Việt Nam giảm 0,29% xuống 1,0956 USD, nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng tuần đầu tiên trong vòng 5 tuần. Tính từ đầu tháng 3 tới nay, đồng euro đã giảm gần 2% so với USD.

Sau khi chạm mức thấp nhất trong gần 2 năm vào thứ Hai (7/3) trong bối cảnh lo lắng gia tăng về nguy cơ lạm phát đình trệ phát sinh từ cuộc chiến ở Ukraine, đồng euro đã tìm được một số yếu tố hỗ trợ từ thông báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu rằng họ sẽ loại bỏ dần các biện pháp kích thích, mở đầu cho việc tăng lãi suất trước khi kết thúc năm 2022 để chống lại lạm phát tăng vọt. Tổ chức này cũng hạ thấp một cách khiêm tốn dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực năm nay và năm sau, đồng thời nâng cao đánh giá về lạm phát, như Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói rằng xung đột là một "cơn gió ngược đối với châu Âu", sẽ kiềm chế tăng trưởng đồng thời thúc đẩy lạm phát.

Các đồng tiền liên quan đến hàng hóa, bao gồm đồng đô la Australia, đô la New Zealand và đồng crown Na Uy đều giảm so với đồng bạc xanh trong phiên vừa qua, với đồng đô la Australia giảm 0,48%, đô la New Zealand giảm 0,38% và crown giảm 0,29%.

Tiền tệ châu Á đồng loạt giảm giá trong phiên cuối tuần sau dữ liệu lạm phát "nóng" ở Mỹ làm tăng khả năng lãi suất trên khắp thế giới sẽ mạnh lên.

Nhân dân tệ Trung Quốc giảm trong ngày thứ Sáu (11/3) và tính chung cả tuần cũng giảm – tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Một số nhà giao dịch và nhà phân tích cho biết tâm lý thị trường bị tổn thương sau khi chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Mỹ sụt giảm chỉ trong một đêm sau khi các công ty Trung Quốc đầu tiên có khả năng bị hủy niêm yết tại đó, lưu ý rằng động thái này làm tăng rủi ro về dòng vốn chảy ra.

Trên thị trường giao ngay, nhân dân tệ nội địa kết thúc tuần ở mức 6,3249 vào giữa trưa, giảm 31 pips so với đóng cửa cuối phiên trước đó. Chỉ số Công nghệ Hang Seng phiên này giảm hơn 7%, trong khi Chỉ số CSI300 nội địa của Trung Quốc giảm hơn 2%.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã sẵn sàng cho vay một loạt các khoản vay chính sách trị giá 100 tỷ nhân dân tệ (15,81 tỷ USD) vào tuần tới.

Một động thái có liên quan đến Nga, Trung Quốc đã tăng gấp đôi biên độ thả nổi hàng ngày của đồng nhân dân tệ so với đồng rúp trên thị trường liên ngân hàng lên 10% từ 5%, áp dụng từ thứ Sáu (11/3).

Các thị trường châu Á khác cũng chứng kiến chứng khoán và tiền tệ giảm giá. Theo đó, chứng khoán tại Hàn Quốc và Malaysia đều giảm hơn 1%, trong khi tất cả các đồng tiền châu Á mới nổi cũng bị bán tháo, với đồng won Hàn Quốc và đồng baht Thái Lan giảm mạnh nhất.

Trên thị tường tiền điện tử, Bitcoin giảm 1,13% vào lúc kết thúc ngày 11/3 theo giờ Việt Nam, xuống dưới 39.000 USD, hòa cùng diễn biến thất thường của thị trường tài chính và hàng hóa nói chung. Mặc dù vậy, tính chung cả tuần, Bitcoin vẫn tăng giá sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Tư (9/3) ký lệnh yêu cầu chính phủ đánh giá rủi ro và lợi ích của việc tạo ra đồng đô la kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.

USD tăng trở lại, Euro, Bitcoin và vàng cùng đi xuống - Ảnh 1.

Giá Bitcoin ngày 11/3.

Giá vàng giảm tiếp, với vàng giao ngay kết thúc ngày 11/3 theo giờ Việt Nam giảm xuống khoảng 1.975 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tương lai khoảng 1.980 USD, do thông tin về tiến bộ trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nhận định lạm phát tăng cao sẽ hỗ trợ xu hướng giá vàng đi lên, bởi kim loại này vốn thường được sử dụng như một hàng rào chống lại lạm phát cũng như sự bất ổn về kinh tế và chính trị. Vàng cũng phổ biến hơn khi lợi nhuận từ trái phiếu, một tài sản cạnh tranh, ở mức thấp.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Theo Thu Ngân

Cùng chuyên mục
XEM