Úc: Bà My Ut Trinh không phải là kẻ đâm kim vào trái cây duy nhất?
Cuộc khủng hoảng trái cây ở Úc chưa có dấu hiệu dừng lại khi mới đây, một người phụ nữ phát hiện kim nhọn bên trong quả lê mua tại TP Melbourne.
Clare Bonser, một chuyên gia trang điểm làm việc với chương trình truyền hình ABC News Breakfast, cho biết cô phát hiện kim nhọn khi đang ăn quả lê vào hôm 13-11 nhưng may mắn không bị thương.
"Tôi đang ăn quả lê và tình cờ nhìn trước khi cắn miếng tiếp theo và tôi thấy một vật gì đó. Đầu tiên tôi đặt quả lê xuống và cố nhìn xem đó là cái gì, sau đó tôi nhận ra đó là cây kim. Thật đáng sợ" – Bonser chia sẻ.
Bonser cho biết thêm rằng cô mua quả lê nói trên tại siêu thị Woolworths ở vùng ngoại ô Berwick, phía Đông Nam TP Melbourne. Người phát ngôn siêu thị Woolworths trong một tuyên bố cho biết đã nắm được thông tin và đang tiến hành điều tra.
Ở Úc, sau dâu tây, táo và xoài, đến lượt lê bị găm kim nhọn. Ảnh: ABC
Sự việc mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng trái cây Úc xảy ra 2 tháng sau khi kim nhọn được phát hiện bên trong dâu tây ở bang Queensland. Kể từ đó, hàng loạt vụ việc tương tự được báo cáo trên khắp nước Úc.
Hôm 11-11, cảnh sát Queensland đã bắt một phụ nữ 50 tuổi bị nghi liên quan đến một trong những vụ dâu tây có kim. Theo truyền thông Úc, người phụ nữ này tên là My Ut Trinh, còn gọi là Judy. Bà Trinh là người gốc Việt, nhập cư vào Úc khoảng 20 năm trước.
Hiệp hội trồng dâu Queensland (QSGA) cho biết họ hoan nghênh việc cảnh sát bắt giữ nghi phạm nói trên nhưng kêu gọi tiếp tục điều tra để bắt những kẻ khác.
Theo đài CNN, bà Trinh chỉ liên quan đến 6-7 hộp dâu tây tại trang trại Berry Licious/Berry Obsession ở phía Đông Nam bang Queensland. Bà Trinh làm giám sát tại đây trước khi bị bắt và động cơ gây án có thể do thù hằn với chủ trang trại là ông Kevin Tran.
Bà My Ut Trinh đối mặt 10 năm tù. Ảnh: News Corp Australia
Kể từ tháng 9 năm nay, hơn 100 vụ việc liên quan đến trái cây - bao gồm dâu tây, táo, xoài, chuối và nay là lê - bị găm kim nhọn đã được báo cáo trên khắp nước Úc. Vụ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp Úc khi nhiều quốc gia từ chối nhập khẩu trái cây của nước này. Nhiều người dùng mạng xã hội đã phát động một phong trào cứu trái cây để hỗ trợ nông dân.
Trong khi đó, chính quyền bang Queensland tiết lộ đã chi hơn 1,5 triệu AUD để xử lý cuộc khủng hoảng, bao gồm việc đẩy mạnh chiến dịch quảng cáo và bảo đảm an toàn hệ thống phân phối hàng hóa.