Tỷ phú Nga mạnh tay chi 100 triệu USD mua… 9 quả trứng vàng và câu chuyện bất ngờ phía sau

05/09/2017 10:39 AM | Sống

Trên thế giới này, chẳng có thứ gì quý hiếm và xa xỉ như trứng vàng Fabergé. Bảo tàng Kremlin ở Nga sở hữu 10 quả trứng và những sản phẩm đơn lẻ còn lại thuộc về các cá nhân trên thế giới. Bộ sưu tập cá nhân lớn nhất thuộc về Viktor Vekselberg với 9 quả trứng vô giá.

Tháng 8/2013, nhà báo Stephen Smith của tờ Esquire có chuyến hành quân đúng nghĩa tới Ritz-Carlton ở thủ đô Moscow để gặp một người đàn ông kín tiếng. Trải qua hành trình bay 10 tiếng đồng hồ từ đất Mỹ xa xôi, những gì Stephen mong đợi gặp gỡ chỉ là một tiếng nói chuyện với người bí ẩn bậc nhất thương trường Nga: Viktor Vekselberg.

Sau vài phút chờ đợi, Stephen bước vào căn phòng ấm cúng, tô điểm nhẹ nhàng bằng sắc vàng của ánh đèn. Sự xa xỉ không có cách nào che đậy được dù ông chủ lớn đã cố tình chọn gian phòng rẻ nhất. Nội thất dát vàng, thảm nhung êm mịn cho tới khay li, chiếc cốc đều toát lên sự tinh tế, đẳng cấp. Viktor ngồi trên salon, mỉm cười và đứng dậy bắt tay Stephen.

Stephen xóa tan bầu không khí bằng câu hỏi có phần lạc lõng: “Ông thật là kín tiếng. Đó có phải là quyết định hợp lý hay không?”. Viktor đáp bằng nụ cười nhạt: “Anh chắc chứ? Anh nghĩ là tôi kín tiếng? Tôi nghĩ là mình xuất hiện đủ rồi. Tôi là doanh nhân, không phải ngôi sao điện ảnh. Thế là quá đủ”.

Nhà báo người Mỹ tập trung vào câu chuyện mà ông quan tâm nhất: những quả trứng vàng Fabergé. Stephen đánh bạo hỏi: “Tôi xin được hỏi thật, những quả trứng vàng đã tiêu tốn của ông bao nhiều tiền?”. Viktor biết Stephen hỏi gì, đáp nhẹ nhàng: “100 triệu USD gì đó. Cũng hơi đắt thật. Nhưng mà “đắt xắt ra miếng””.

Các tỷ phú Nga vốn nổi tiếng là những người chơi ngông với khối tài sản khổng lồ. Họ tậu du thuyền, chuyên cơ, mua đảo, mua đội bóng rổ, bóng đá. Thế nhưng, Viktor đến nay là người duy nhất nước Nga và thậm chí là trên thế giới, dám “đốt” 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỉ VNĐ) cho 9 quả trứng vàng. Đó là cái giá không tưởng với một bộ sưu tập trứng ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử vô giá.

Bộ sưu tập trứng vàng

Trên thế giới này, chẳng có thứ gì quý hiếm và xa xỉ như trứng vàng Fabergé. Đây là kiệt tác được thợ kim hoàn Peter Carl Fabergé chế tác thủ công với số lượng hạn chế. Đến nay, chỉ có 50 quả trứng vàng được tạo ra trong khoảng từ cuối thế kỷ 19, đầu thế 20 để dành tặng Nga hoàng Alexander III và Nicholas II.

Sau Cách mạng Nga năm 1917, những quả trứng vàng phân tán rải rác khắp thế giới. Bảo tàng Kremlin ở Nga sở hữu 10 quả trứng và những sản phẩm đơn lẻ còn lại thuộc về các cá nhân trên thế giới. Bộ sưu tập cá nhân lớn nhất thuộc về Viktor Vekselberg với 9 quả trứng vô giá.

Năm 2004, trong cuộc bán đấu giá số trứng vàng Fabergé, Viktor đã đứng lên và lạnh lùng ra giá 100 triệu USD. Mức giá kỉ lục khiến tất cả những người có ý định mua trứng vàng trong khán phòng ở thành phố New York hôm ấy phải từ bỏ tham vọng độc chiếm. Cũng phải tới thời điểm năm 2004, cái tên Viktor mới được báo chí Nga và thế giới đề cập như một tỉ phú giấu mặt thú vị. Thông tin về ông cũng ít ỏi và hiếm hoi chẳng khác gì số trứng vàng Fabergé trên thế giới.

Sau khi sở hữu bộ sưu tập trứng Fabergé, Viktor cho trưng bày trước toàn dân ở thành phố St.Peterburg, nơi từng đặt xưởng chế tác kim hoàn đầu tiên của nghệ nhân Fabergé. Thủ tướng Nga khi đó là Medvedev đã tới dự buổi khai trương tại cung điện Shuvalov.

Viktor Vekselberg là ai?

Tỉ phú Viktor Vekselberg, 59 tuổi, học ngành kĩ sư tại một trường đại học ở Nga rồi làm trong viện nghiên cứu nhà nước suốt một thập kỷ. Năm 1990, ông tham gia thương trường và nhanh chóng trở thành đồng sáng lập và chủ tịch công ty dầu mỏ Tyumen. Đây là một trong những công ty dầu mỏ, khí hóa lỏng lớn nhất Liên Xô thời bấy giờ.

Năm 1997, ông nắm phần lớn cổ phần tập đoàn và kiếm được một khoản tiền cực lớn nhờ làm ăn với tập đoàn BP. Giới phân tích đánh giá đây là thương vụ mua bán tư nhân lớn nhất lịch sử Nga. Ở thời điểm đỉnh cao quyền lực năm 2015, Viktor có trong tay 18 tỉ USD và là người giàu nhất nước Nga.

Viktor là một người rất đam mê các giá trị văn hóa, lịch sử liên quan tới nước Nga. Tháng 9/2006, ông chi 1 triệu USD di chuyển một chiếc chuông ở đại học Harvard tại Mỹ sang địa điểm ban đầu ở tu viện Danilov. Chi phí mua chuông mới cũng được Viktor chi trả. Sau 2 năm, chiếc chuông lịch sử đã có mặt ở Moscow với sự hỗ trợ của quỹ Edward Mermelstein.

Trước đó, ông từng chi 1,8 triệu USD mua một tác phẩm được cho là của họa sĩ Nga Boris Kustodiev tại nhà đấu giá Christie. Tuy nhiên, sau khi phát hiện tác phẩm này là đồ giả, ông đã khởi kiện và được hoàn trả toàn bộ số tiền bỏ ra cộng thêm 1,4 triệu USD tiền bồi thường.

Hiện nay, Viktor đang là người giám sát các đại dự án khôi phục kinh tế nước Nga dưới yêu cầu của Tổng thống Putin. Ông kết hôn cùng bà Maria và có 2 con, hiện cả gia đình đang sống tại thủ đô Moscow.

Theo Trịnh Thơm

Cùng chuyên mục
XEM