Tỷ phú Jack Ma thành công nhờ... bị từ chối 30 lần
Chủ tịch Alibaba - tỷ phú Jack Ma tin rằng nếu có sự thay đổi sắp diễn ra, tốt nhất là chuẩn bị sớm cho điều đó.
Triết lý đó đã giúp Alibaba cạnh tranh tốt với eBay trong giai đoạn mới thành lập.
Jack Ma nói với CNBC: "Khi chúng ta nhìn thấy cái gì đang đến, chúng ta phải chuẩn bị ngay bây giờ. Bạn phải sửa mái nhà trong khi trời vẫn còn nắng".
Khi thương mại điện tử ở Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn phôi thai, eBay là một trong những công ty gia nhập thị trường sớm nhất. Hãng này tạo ra một nền tảng thương mại điện tử C2C (người dùng mua bán với nhau) gọi là EachNet, tính phí người dùng trên mỗi giao dịch. Vào thời điểm đó, Alibaba vẫn tập trung vào việc giúp các công ty nhỏ và vừa ở Trung Quốc mở cửa hàng trực tuyến. Ma đã "nhận ra rằng sớm hay muộn thì eBay cũng sẽ bắt đầu tiếp cận khách hàng của Alibaba", Porter Erisman - cựu Phó chủ tịch Alibaba - nói với chương trình The Brave Ones của CNBC.
Để chống lại mối đe dọa tiềm ẩn từ eBay, Ma đã tập hợp một nhóm nhỏ các nhân viên của Alibaba và giao cho họ một dự án bí mật: một sàn thương mại điện tử có thể cạnh tranh trực tiếp với những gì mà eBay đang cung cấp. Đó là cách Alibaba xây dựng nền tảng thương mại Taobao nổi tiếng của Hãng, hiện đang xử lý một khối lượng giao dịch khổng lồ mỗi ngày.
Erisman cho biết Taobao cho khách hàng giao dịch miễn phí trong 3 năm đầu và điều này gây áp lực lên mô hình tính phí cho mỗi lần giao dịch của eBay. Phản ứng của eBay là "đưa ra một thông cáo báo chí và nói rằng miễn phí không phải là một mô hình kinh doanh". Nhưng khi nhiều người mua và người bán bắt đầu chuyển sang Taobao, Alibaba biết rằng cuối cùng Hãng cũng có thể kiếm tiền.
Sau gần 2 thập kỷ kể từ khi Jack Ma sáng lập Alibaba tại căn hộ chung cư của ông ở Hàng Châu, Alibaba đã trở thành một trụ cột trong làng công nghệ thế giới, với giá trị vốn hóa thị trường khoảng 473 tỷ USD.
Lúc mới khởi nghiệp, Jack Ma liên tục bị từ chối - điều mà ông cho rằng đã giúp mình trở thành một doanh nhân thực sự. "Là một doanh nhân, một trong những phẩm chất tôi có là khi tôi bị mọi người chối bỏ, tôi thấy mình sẽ quen dần với việc này", Ma nói.
Quá trình phát triển của Alibaba từ một doanh nghiệp non trẻ sang một trong những công ty có giá trị nhất Trung Quốc đi kèm với khá nhiều thăng trầm. Ban đầu, công ty gặp nhiều khó khăn trong việc gọi vốn đầu tư mạo hiểm.
Một nhà đầu tư mạo hiểm gần đây nói với CNBC rằng ông đã từng từ chối cơ hội đầu tư vào Alibaba vì ông không cảm thấy thuyết phục về mô hình kinh doanh B2B (giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau) của Hãng. Jack Ma cũng từng nói rằng Alibaba đã bị khoảng 30 nhà đầu tư mạo hiểm từ chối, trước khi tìm thấy một nhà đầu tư có tầm nhìn lớn: CEO Masayoshi Son của SoftBank .
Sau đó bong bóng dotcom xảy ra, và Ma đã buộc phải sa thải nhân viên khắp thế giới. "Alibaba đã đi từ lạc quan đến thất vọng não nề khi phải thu hẹp hoạt động", Erisman nói. "Đó là lần duy nhất tôi nhìn thấy Jack Ma nghi ngờ chính mình, khi anh ấy sa thải nhân viên, và tôi nghĩ anh ấy có lúc còn tự hỏi liệu công ty có thể tồn tại hay không".
Theo Erisman, khi đó Ma đã học được rằng làm CEO rất khác so với việc làm giáo viên tiếng Anh. Ông nói: "Trở thành CEO có nghĩa là đưa ra những quyết định khó khăn và đôi khi phải thu hẹp hoạt động để cho phép công ty tồn tại".
Trong bối cảnh đang có nhiều thay đổi về công nghệ và mô hình kinh doanh, Ma đã dành nhiều thời gian suy nghĩ về tương lai của Alibaba. Ông nói: "Trong 30 năm tới, công nghệ sẽ có thế lấy đi nhiều cơ hội việc làm. Nhiều người đã bất bình vì công nghệ máy học và trí thông minh nhân tạo đang lấy đi rất nhiều việc làm". Theo Ma, đây là sự đánh đổi phải có cho việc cải thiện cuộc sống của mọi người thông qua công nghệ mới.
Để chuẩn bị cho sự thay đổi không thể tránh được một khi các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và máy học trở thành phổ biến, đầu tuần này, Alibaba cho biết sẽ đầu tư hơn 15 tỷ USD trong 3 năm tới để nghiên cứu và phát triển công nghệ. "Những gì Alibaba muốn làm trong 10 - 20 năm tới là đổi mới phương pháp kinh doanh truyền thống", Chủ tịch Alibaba nói.