Tỷ phú 20 nghìn nhà mặt phố Sài Gòn và bí ẩn về con gái út xinh đẹp trong dinh thự 99 cửa
Chú Hỏa là một trong những doanh nhân nổi tiếng trong tứ đại phú hào với số tài sản kếch sù.
20.000 máy truyền tin phế thải tới 20.000 nhà mặt phố
Vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu của thế kỷ 20, Chú Hỏa (1845-1901) nổi lên như một thương gia tài giỏi. Ông cũng được mệnh danh là "trùm" bất động sản đất Nam Kỳ với hơn 20.000 căn nhà mặt tiền nằm khắp Sài Gòn - Gia Định xưa. Dân gian tôn vinh ông là một trong tứ đại hào phú: "Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa".
Do chí thú làm ăn, biết tổ chức, điều hành công ty kinh doanh và các con theo kiểu gia đình nhưng cực kỳ đoàn kết nên tài sản của ông không chỉ để lại cho gia tộc, mà còn góp phần làm nên một "huyền thoại kinh doanh ngành bất động sản" của Sài Gòn.
Không chỉ xây các dinh thự hoành tráng cho gia đình mình, Chú Hỏa còn xây gần 20.000 căn nhà phố, cùng hàng loạt công trình dân dụng như bệnh viện, chùa chiền, trường học… phục vụ cho người dân.
Chú Hỏa là một thương gia giàu có nổi tiếng của Sài Gòn xưa để lại cho người đời sự ngưỡng mộ.
Về việc Chú Hỏa phất lên, tạo cơ nghiệp, giàu nứt đố đổ vách không phải như lời đồn đại do ông mua được chuông đồng, nhặt được túi vàng trong chiếc ghế cũ, hay buôn bán cổ vật mà chính nhờ tầm nhìn xa, nhạy bén với thương trường và quyết đoán, nắm bắt cơ hội trong công việc
Ông từng trúng thầu, mua được 20.000 chiếc máy truyền tin phế thải của Pháp với giá hời trong lúc những ông chủ thầu khác lại không tha thiết gì với thứ đồ vật vô giá trị này. Nhưng dưới con mắt của vị doanh nhân tinh nhạy thì 20.000 bộ máy truyền tin tưởng như bỏ đi đã cho ông một số lượng vàng rất lớn.
Nhờ số vàng này, Chú Hỏa chuyển sang kinh doanh nhà đất, chiếm lĩnh thị trường bất động sản Sài Gòn. Chính ông đã nhìn ra tiềm năng của một vùng đất hoang phế và tung tiền ra mua toàn bộ vùng đất mới san lấp quanh vị trí xây chợ Bến Thành. Khi chợ xây xong, ông có trong tay 20.000 cái nền nhà thuộc khu đất vàng, và ông lập tức biến nó thành 20.000 căn nhà phố cho thuê để hốt bạc trong thời gian dài.
Được đà thắng xông lên, ông đầu tư vào lĩnh vực xây dựng như công trình khách sạn Majestic nằm ở góc đường Tôn Đức Thắng - Đồng Khởi bây giờ, Nhà bảo sanh Từ Dũ trên đường Cống Quỳnh ngày nay, Bệnh viện Sài Gòn trên đường Lê Lợi, chùa Kỳ Viên, khách sạn Palace Long Hải cùng khu nhà khách chính phủ, nhiều trụ sở ngân hàng,…
Dinh thự 99 cửa và những bí ẩn xung quanh
Đặc biệt nhất trong danh sách bất động sản của vị doanh nhân lừng lẫy là ngôi nhà của chính Chú Hỏa tọa lạc tại số 97 đường Phó Đức Chính, Quận 1 với kiến trúc độc đáo trên khu tứ giác đắc địa của Sài Gòn.
Toàn bộ dinh thự có 99 cánh cửa lớn nhỏ, mỗi cửa mang phong cách kiến trúc khác nhau. Những cánh cửa này có khá nhiều giai thoại xung quanh. Nghe nói căn nhà lúc đầu thiết kế 100 cửa, nhưng khi gia đình Chú Hỏa trình lên toàn quyền Đông Dương thì bị cắt đi cánh cửa chính do đụng phong thủy với dinh toàn quyền gần đó.
Nhiều tài liệu để lại cho thấy Chú Hoả là một người giàu lên từ giới bình dân, nhưng ngôi nhà của ông lại là một kiệt tác kiến trúc tạo nên phong cách chuẩn mực cho nhà ở Sài Gòn trong một thời gian dài.
Dinh thự 99 cửa của gia đình Chú Hoả.
Xung quanh dinh thự này cũng tồn tại một giai thoại khá nổi tiếng. Chú Hỏa có 4 người con, 3 con trai và cô con gái út xinh đẹp tên là Hứa Tiểu Lan. Tuy nhiên người này lại mắc căn bệnh phong cùi khiến Chú Hoả đã tốn không biết bao nhiêu tiền để chạy chữa.
Không muốn để lộ tin này ra ngoài, ông đã giam lỏng tiểu thư trong một căn phòng tối trên tầng cao nhất của tòa dinh thự. Hàng ngày, kẻ ăn người ở trong nhà luân phiên nhau đem cơm nước, quần áo cho tiểu thư thông qua một khe cửa.
Mang bệnh trong người rồi bị đẩy vào một căn phòng tách biệt với xã hội, cô không ngừng gào khóc trong vô vọng. Thời gian trôi đi, cô con út qua đời.
Vì thương nhớ con gái, muốn tạo cảm giác như đứa con yêu thương vẫn còn sống bên mình, Chú Hỏa không khâm liệm, mà đặt thi hài tiểu thư trong một quan tài bằng đá, nắp đậy là một tấm kính dày. Ông còn cử một bà vú đều đặn mang thức ăn lên phòng như khi Tiểu Lan còn sống.
Vào ngày giỗ đầu của tiểu thư, người hầu thấy có điểm chẳng lành về thi thể của tiểu thư nên gia đình họ Hứa đã bí mật đem thi hài tiểu thư đi chôn cất.
Đó là toàn bộ giai thoại mà người Sài Gòn vẫn hay truyền tai nhau về hồn ma nhà họ Hứa. Tuy nhiên, đến ngày nay vẫn chưa có một chứng cứ rõ ràng nào xác minh câu chuyện trên là sự thật.
Vào năm 1973, hãng phim tư nhân Dạ Lý Hương đã sản xuất bộ phim "Con ma nhà họ Hứa", giới thiệu nội dung dựa trên bi kịch xảy với gia đình Chú Hỏa.