Tỷ lệ sở hữu ô tô ở ba miền Bắc, Trung, Nam đã thay đổi ngoạn mục ra sao sau 10 năm?
Vào năm 2010, Đông Nam Bộ mới là vùng có tỷ lệ sở hữu ô tô cao nhất cả nước với 2,4 chiếc trên 100 hộ dân. Song, khu vực Đông Nam Bộ chỉ dẫn đầu đến tận giai đoạn 2016, sau đó tỷ lệ sở hữu đi ngang và hầu như không tăng nữa. Đến năm 2018, khu vực Đồng bằng sông Hồng vươn lên dẫn đầu cả nước về tỷ lệ sở hữu ô tô.
Theo dữ liệu từ báo cáo "Kết quả Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2020", đến năm 2020 Đồng bằng Sông Hồng là vùng kinh tế có số ô tô trên 100 hộ dân cao nhất cả nước.
Cụ thể, số ô tô trên 100 hộ ở Đồng bằng sông Hồng là 7,2 chiếc. Đứng thứ hai là vùng Trung du miền núi phía Bắc với 5,4 chiếc. Tiếp đó là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với chiếc. Tây Nguyên đứng thứ tư với 4,3 chiếc. Theo sau là Đông Nam Bộ với 4,2 chiếc và cuối cùng là Đồng bằng sông Cửu Long với 1,7 chiếc trên mỗi 100 hộ dân.
Như vậy, có thể thấy, tỷ lệ sở hữu ô tô của hộ dân ở miền Bắc nói chung cao hơn miền Trung và miền Trung lại cao hơn miền Nam.
Tuy nhiên, vào năm 2010, Đông Nam Bộ mới là vùng có tỷ lệ sở hữu ô tô cao nhất cả nước với 2,4 chiếc trên 100 hộ dân. Song, khu vực Đông Nam Bộ chỉ dẫn đầu đến tận giai đoạn 2016, sau đó tỷ lệ sở hữu đi ngang và hầu như không tăng nữa.
Đến năm 2018, khu vực Đồng bằng sông Hồng vươn lên dẫn đầu cả nước về tỷ lệ sở hữu ô tô. Trung du miền núi phía Bắc cũng tăng ngoạn mục lên dẫn thứ hai vào năm 2020, trong khi khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung vươn lên đứng thứ ba.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, trong giai đoạn 2010-2020, sở hữu ô tô ở tất cả các ngành đều có xu hướng tăng theo thời gian (ngành lâm nghiệp không có số liệu năm 2010 và 2014).
Xét riêng năm 2020, dữ liệu cho thấy, các hộ gia đình trong ngành dịch vụ khác có số ô tô tính trên 100 hộ cao nhất trong số các nhóm ngành. Cứ 100 hộ trong ngành này thì có 9,9 chiếc ô tô. Ngược lại, các hộ nông nghiệp có số ô tô trên 100 hộ thấp nhất. 100 hộ làm nông nghiệp mới có 1 chiếc ô tô duy nhất.
Số lượng ô tô trên 100 hộ dân cũng tăng đều qua các năm ở tất cả các nhóm thu nhập. Nhóm 1 tăng từ 0,1 năm 2010 lên 0,5 trong năm 2020. Nhóm 2 tăng từ 0,1 lên 1,2. Nhóm 3 tăng từ 0,1 lên 2,4. Nhóm 4 tăng từ 1 lên 5,1. Nhóm 5 tăng từ 4,5 lên 12,7.
Như thế, nếu vào năm 2010, cứ 1.000 hộ trong nhóm giàu nhất có 45 ô tô thì đến năm 2020 đã tăng lên 127 ô tô - con số này cao gấp hơn 25 lần so với nhóm nghèo nhất (chỉ 5 chiếc ô tô trên mỗi 1.000 dân). Và đồng nghĩa với việc phải 200 hộ trong nhóm nghèo nhất mới có 1 chiếc ô tô duy nhất.
Theo dữ liệu từ Cổng thông tin Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến tháng 11/2021, tổng số ô tô đang lưu hành tại Việt Nam là 4,512 triệu chiếc. Như vậy, số ô tô trên 1.000 dân Việt Nam là khoảng 46. Con số này được tính dựa trên toàn bộ số xe đăng ký, không phải số xe sở hữu cá nhân.
Việt Nam hiện đang là thị trường ô tô có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực Đông Nam Á. Theo Nikkei Asia, trong năm 2021, Việt Nam lần đầu chứng kiến doanh số bán ô tô tăng cao trong 2 năm trở lại với 300.000 xe, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, Việt Nam tiếp tục vươn lên vị trí thứ 4 trong nhóm doanh số bán xe mới trong khu vực, vị trí này trước đó đã được Philippines giữ khá lâu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, nhập khẩu ô tô đạt 160.035 chiếc, với trị giá 3,7 tỷ USD, tăng 52,1% về số lượng và 55,7% về trị giá so với năm 2020. Số lượng nhập khẩu trung bình 13.336 xe mỗi tháng.
Việt Nam nhập khẩu ô tô chủ yếu từ 3 thị trường là Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc. Ba thị trường này chiếm 92,4% thị phần nhập khẩu ô tô của cả nước. So với năm 2020, nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc tăng mạnh, hơn 206,6% và Thái Lan tăng 53,6%.
Về giá trị, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan trong năm 2021 đạt 1,509 tỷ USD, tăng 40,7% so với năm 2020. Từ Trung Quốc là 873,1 triệu USD, tăng 216,8%. Từ Indonesia đạt 559,5 triệu USD, tăng 27,5%. Từ Nhật Bản là 150 triệu USD, tăng 36,3% so với năm 2020. Từ Hàn Quốc là 106 triệu USD, tăng 42% và từ EU là 85 triệu USD, tăng 52,2%.