Tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn tới cuối tháng 7/2022 là 5,41%
Báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội mới đây cho biết, đến cuối tháng 7/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng hệ thống ngân hàng vẫn ở mức an toàn là 1,7%; tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 5,41% (cuối năm 2021 là 6,3%).
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo "Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023" gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.
Đánh giá về tình hình xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN cho biết, từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2022, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 1.449,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu; riêng 7 tháng đầu năm 2022 xử lý được khoảng 88,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó TCTD tự xử lý ở mức cao (chiếm 82,6% trong tổng nợ xấu được xử lý).
Việc tự xử lý nợ xấu của các TCTD chủ yếu thực hiện thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro và khách hàng trả nợ. Riêng xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/7/2022, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 399,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Đến cuối tháng 7/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn là 1,7%; tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD là 5,41% (cuối năm 2021 là 6,3%).
NHNN cho biết, hiện đang nghiên cứu các quy định về xử lý nợ xấu cần luật hóa trong Luật Các TCTD để đề xuất cụ thể.
Phân tích những khó khăn thời gian tới, NHNN chia sẻ, thực tế, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng mặc dù được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng. Điều này chủ yếu do doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 kéo dài khiến kết quả kinh doanh sụt giảm, số lượng doanh nghiệp bị dừng hoạt động lớn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cho hệ thống; phương án kinh doanh mới để khôi phục sản xuất kinh doanh phụ thuộc nhiều yếu tố của thị trường, chính sách phát triển thị trường của các ngành nhưng chưa bền vững.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng càng khó khăn hơn do các nguyên nhân nội tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa (tài sản đảm bảo có giá trị thấp, tính minh bạch của hoạt động kinh doanh hạn chế, trình độ quản lý kém,…); các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng.
Về công tác cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu, NHNN cho biết, khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều vướng mắc do liên quan đến các lĩnh vực pháp luật khác nhau. Đồng thời, nguồn lực tài chính hỗ trợ công tác cơ cấu lại còn hạn chế.
Vốn điều lệ của các NHTM Nhà nước tăng chậm hơn rất nhiều so với khối NHTM cổ phần, ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt thị trường, vai trò chủ lực, chủ đạo của toàn hệ thống.