Tượng Phật dựa núi khổng lồ biến mất thần bí, 700 năm sau "hồi sinh" để lại nhiều nghi vấn chưa có lời giải đáp
Sau 700 năm, Mông Sơn Đại Phật một lần nữa "hồi sinh" thần kỳ, trở thành bức tượng Phật tạc bằng đá lớn được xây dựng sớm nhất thế giới.
Nói đến những ngôi tượng phật khổng lồ, nhiều người hẳn sẽ nhớ ngay đến Sơn Đông Đại Phật và Vân Phong Thạch Quật Đại Phật của Trung Quốc, hay tượng Phật Bamyan ở Afghanistan. Những tượng phật này nổi tiếng và cao nhất nhì thế giới, chứa đựng vết tích cổ đại mang tín ngưỡng thiêng liêng và giá trị lịch sử to lớn.
Thế nhưng trên thực tế, tượng Phật Bamyan còn phải “nghiêng mình” trước một pho tượng ở Thái Nguyên (Sơn Tây, Trung Quốc), đó chính là Mông Sơn Đại Phật có chiều sâu 17,5 mét và chiều rộng 25 mét, toàn thân cao 66 mét.
Mông Sơn Đại Phật từng trải qua nhiều sóng gió biến động thời đại nên chiều cao thật sự của pho tượng còn phải căn cứ vào sử sách.
Nhà Đường đã ghi chép Mông Sơn Đại Phật có chiều cao “200 tấc”, cũng tức là 63 mét tính theo đơn vị đo lường chuẩn của thời nay. Mà tượng Phật Bamyan cao 53 mét, kém Mông Sơn Đại Phật đến 10 mét.
Tuy nhiên, Mông Sơn Đại Phật không phải là tượng Phật cao nhất thế giới. Với kỹ thuật phát triển của thời nay, việc kiến tạo một pho tượng cao hơn trăm mét không phải là chuyện không thể. Tượng Phật cao nhất thế giới hiện nay chính là Trung Nguyên Đại Phật ở Hà Nam với 153 mét (bao gồm 25 mét bệ và 20 mét ngai vàng).
Tuy nhiên, Trung Nguyên Đại Phật được khởi công xây dựng vào năm 2002 và khánh thành năm 2007, nên nếu so tính lịch sử với Mông Sơn Đại Phật được xây dựng từ thời Nam Bắc triều thì thua xa.
Trong “Vĩnh Lạc Đại Điển” có ghi chép, Mông Sơn Đại Phật được khởi công vào năm thứ 2 của Bắc Tề Thiên Bảo (559), cùng niên đại với Khai Hoa Tự. Mông Sơn Đại Phật được khắc dựa vào núi phía sau chùa, cao lớn hùng vĩ.
Phật giáo phát triển mạnh nhất vào thời Tùy Đường. Năm đầu của Tùy triều Nhân Thọ (601), Khai Hoa Tự chuyên kiến tạo Phật các để bảo vệ Đại Phật, đồng thời đổi tên thành Tịnh Minh Tự. Vũ Đức năm thứ 3 (620), Đường Cao Tổ Lý Uyên đến bái Phật và đổi tên chùa về thành Khai Hoa Tự.
Sự hiện diện của Lý Uyên mang lại trọng vọng và danh tiếng to lớn đối với Mông Sơn Đại Phật, từ đó lan truyền trong dân chúng.
Đến Hiển Khánh năm thứ 2 (657), Đường Cao Tông Lý Trị và Hoàng hậu Võ Tắc Thiên cùng giá lâm đến Khai Hoa Tự và cung cấp rất nhiều tài bảo, từ đó chùa càng trở nên lớn mạnh và nổi tiếng hơn.
Mông Sơn Đại Phật đã gặp phải sóng gió ở đời của Đường Vũ Tông. Ông thực hiện kế hoạch đàn áp Phật giáo, Khai Hoa Tự bị phá hủy, và tượng Phật khổng lồ cũng chìm vào quên lãng.
Đến năm 945, Lưu Tri Viễn, Hoàng đế của triều đại Hậu Hán đã trùng tu các tượng Phật.
Vào cuối thời nhà Nguyên, chùa Khai Hoa lại bị thiêu rụi, từ đây dấu vết của Mông Sơn Đại Phật biến mất khỏi sử sách, nhiều thông tin cho rằng tượng Phật đã bị phá hủy trong thời gian này.
Năm 1385, nhà Minh cho xây dựng lại Khai Hoa Tự, nhưng Mông Sơn Đại Phật đã bị bỏ quên.
Mãi cho đến năm 1983, một nhân viên hành chính đã phát hiện đống đổ nát bên núi có hình dạng của một vị Phật, đầu và dưới ngực bị chôn vùi trong đất và đá.
Năm 2006, chính quyền địa phương đã sửa chữa và tạo hình đầu của Mông Sơn Đại Phật. Sau 700 năm, Mông Sơn Đại Phật một lần nữa "hồi sinh" thần kỳ, trở thành bức tượng Phật tạc bằng đá lớn được xây dựng sớm nhất thế giới.
Nguồn: Sohu