Tương lai nào cho quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc?

03/06/2016 09:08 AM | Kinh tế vĩ mô

Hai cường quốc kinh tế này đã nảy sinh nhiều bất đồng, và trong bối cảnh căng thẳng về ngoại giao như hiện nay, thời gian tới mâu thuẫn sẽ khó được xoa dịu.

Tuyên chiến trong thương mại

BBC ngày 26/5 dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ "tiến hành các bước cần thiết để tìm lại sự công bằng và bảo vệ quyền lợi cho các công ty của họ”. Đây là động thái liên quan tới cáo buộc từ Bắc Kinh cho rằng Washington đang "gây thiệt hại cho thương mại" với việc đánh thuế lên đến 450% đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong cáo buộc của mình, Trung Quốc khẳng định Mỹ đã cố tình "đàn áp" việc nhập khẩu, mô tả đó là hành động bất hợp lý và có hại cho sự hợp tác của hai nước. Bắc Kinh cũng dẫn ra vài thông số cho thấy trên thực tế Mỹ chỉ đánh thuế từ 3% tới 92% các loại thép chống ăn mòn từ Ý, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan.

Trong khi đó, lập luận từ phía Mỹ nói rằng Trung Quốc đã bán phá giá các mặt hàng thép của mình vì tình trạng sản xuất dư thừa. BBC dẫn ra thông số từ Hiệp hội ngành thép quốc tế (World Steel Association) cho thấy từ 66,4 triệu tấn năm 1990, năm 2014 ghi nhận sản lượng thép của Trung Quốc cán mốc 822,7 triệu tấn.

Câu chuyện về thép là một trong số rất nhiều ví dụ về việc Mỹ tố cáo Trung Quốc không tuân theo sự chuyển động tự nhiên của thị trường. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew từng thúc giục Trung Quốc phải điều chỉnh tỷ giá hối đoái dựa trên thị trường, khẳng định Mỹ sẽ không nhường vị thế kinh tế trước Trung Quốc.

Thêm vào đó, trong khoảng 2 năm trở lại đây khi sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu chững lại, họ liên tục mâu thuẫn với Mỹ quanh việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có nâng lãi suất hay không.

Sắp tới vào ngày 6 và 7/6, Trung Quốc và Mỹ sẽ có cuộc họp về chiến lược và kinh tế thường niên tại Bắc Kinh, chỉ một tuần trước khi diễn ra cuộc họp về chính sách của FED (14 và 15/6).

Nhiều chuyên gia cho rằng kỳ vọng của Trung Quốc vẫn là FED đừng vội tăng lãi suất, để không làm mất lợi thế kích thích tăng trưởng của Bắc Kinh sau 2 lần giảm lãi suất của ngân hàng trung ương nước này.

"Các quan chức Trung Quốc đang khá lo lắng về khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 6, vì nó có thể tiếp tục thúc đẩy đồng USD. Điều này sẽ đặt ra một mối đe dọa hoặc gây khó khăn cho PoBC (Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) trong việc giữ tỷ giá đồng nhân dân tệ được bình ổn", báo Chicago Tribune ngày 26/5 dẫn lời Shen Jianguang, người đứng đầu bộ phận kinh tế tại Mizuho Securities Asia trụ sở ở Hong Kong.

Gia tăng những vết nứt

Trong bài viết ngày 24/5, Bloomberg nhận xét mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn hỗn loạn tiếp theo vì sự khác biệt ở tầm quản lý. Theo đó, trong lúc Mỹ sắp có tổng thống mới đồng nghĩa với nhiều thay đổi trong chính sách với Trung Quốc, những nhà quản lý kinh tế cấp cao của Trung Quốc cũng sắp tới tuổi nghỉ hưu và chưa tìm được người thay thế đủ kinh nghiệm để quản lý mô hình phát triển mới.

Trong thời kỳ Tổng thống Barack Obama từ đầu năm 2009 tới nay, thương mại song phương Mỹ - Trung đã tăng 43%, lên 626,8 tỷ USD. Những công ty hàng đầu nước Mỹ như Apple hay thương hiệu Starbucks và các hãng xe cũng đầu tư mạnh mẽ vào Trung Quốc, đổi ngược lại là "cơn lốc" đầu tư từ Bắc Kinh vào Washington. Điều này giúp Trung Quốc lần đầu tiên vượt Canada để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Tuy nhiên hiện tại, cả hai ứng viên tổng thống sáng giá nhất của lưỡng đảng Mỹ là Donald Trump và Hillary Clinton đều ít nhất đã xuất hiện khuynh hướng xem Trung Quốc là mục tiêu cần đánh bại, thay vì tiếp tục đường lối của Tổng thống đương nhiệm Obama.

Ông Trump từng khẳng định Trung Quốc cướp việc làm của công dân Mỹ, thao túng thị trường để đạt lợi thế xuất khẩu; còn bà Clinton cho rằng tân tổng thống Mỹ cần phải "hiểu trò chơi của Trung Quốc là gì và ngăn chặn nó”, theo Bloomberg.

Thêm vào đó, những căng thẳng về quân sự và ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng cũng ít nhiều tạo ra vết nứt trong chính sách hòa hợp giữa hai bên.

Chuyện chính trị đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc. Một số công ty, sản phẩm lớn của Mỹ như Facebook, Google, Twitter hay Apple đều không thể xâm nhập thị trường Trung Quốc vì rào cản chính trị.

Có thể thấy, ngay cả khi Apple trong tháng này chịu thua một nhãn hiệu túi xách của Trung Quốc trong vụ kiện về cái tên "túi xách iPhone" cũng đủ nói lên rằng giữa Washington và Bắc Kinh vẫn còn rất nhiều khác biệt.

Theo NGUYÊN KHANG

Cùng chuyên mục
XEM