Tương lai nào cho Ant Group sau khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát?
Theo các chuyên gia, tương lai của Ant Group, startup fintech của Jack Ma, trở nên bấp bênh hơn khi phải đối mặt với động thái giám sát mạnh tay từ chính quyền Trung Quốc.
Nguy cơ bị liệt vào "danh sách đen" của Mỹ có thể xem là đòn mới nhất giáng vào các công ty của tỷ phú Jack Ma tại thị trường quốc tế. Vị tỷ phú này được cho là đã tạm lánh mặt truyền thông suốt 2 tháng qua sau một phát biểu gây tranh cãi về lĩnh vực tài chính.
Hồi tháng 11, các nhà quản lý Trung Quốc bất ngờ yêu cầu Ant Group hoãn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng mang tính lịch sử, ước tính trị giá 35 tỷ USD.
Chưa dừng lại, tiếp đến tháng 12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc yêu cầu công ty phải "điều chỉnh" những mảng kinh doanh thuộc lĩnh vực fintech, từ cho vay tín dụng lãi suất cao, bảo hiểm, cho đến quản lý tài sản. Hiện công ty chỉ được tập trung vào mảng thanh toán trực tuyến cốt lõi.
"Ant phải gói các dịch vụ tài chính trong một công ty cổ phần riêng biệt và chịu quản lý như một ngân hàng truyền thống. Điều này rất khó khăn", bà Anjani Trivedi, phóng viên của chuyên trang tài chính Bloomberg, cho biết.
"Thời đại của tăng trưởng tự do và siêu lợi nhuận đã thực sự kết thúc. Giờ đây, sự tăng trưởng của công ty thực sự sẽ bị hạn chế bởi chính phủ. Chính phủ sẽ quyết định những gì họ có thể hay không thể làm", ông Francis Lun, Giám đốc điều hành Công ty chứng khoán Geo Securities Limited, nhận định.
Theo các chuyên gia, để nhận lại sự ủng hộ từ chính quyền Trung Quốc, Ant Group phải đảm bảo với các nhà chức trách rằng công ty sẽ không cản trở chủ trương của Bắc Kinh. Chẳng hạn, hệ thống đánh giá tín dụng Zhima của tập đoàn có khả năng làm giảm lo ngại về rủi ro nợ xấu đối với các ngân hàng. Rộng hơn, nó cũng giúp ích cho mục tiêu bảo vệ ví tiền của các hộ gia đình của chính quyền Trung Quốc.
Tỷ phú Jack Ma. (Ảnh: AP)
Ant Group sẽ phải xây dựng các kế hoạch để tuân thủ và nộp lên để nhà chức trách phê duyệt theo đúng quy định. Do đó, giới ngân hàng và các nhà đầu tư cho rằng thương vụ chào sàn của công ty này có thể bị trì hoãn sang năm 2022.
"Ant Group sẽ khó có khả năng quay trở lại mức định giá siêu kỳ lân trước đó. Thay vì 320 tỷ USD như ban đầu, xuống chỉ còn 200 tỷ USD", ông David Faber, nhà báo của kênh CNBC, chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng động thái của Trung Quốc với Ant Group như một lời cảnh báo cứng rắn rằng Bắc Kinh sẽ không nương tay với những nhân tố gây bất ổn nền kinh tế, kể cả khi đó là những đứa "con cưng" của họ.
Mới đây, một số quan chức Trung Quốc cũng đề xuất giới hạn số lượng ngân hàng mà một nền tảng công nghệ tài chính có thể hợp tác. Biện pháp giới hạn này nhằm ngăn cản việc một công ty công nghệ tài chính thâu tóm quá nhiều thị phần, từ đó làm gia tăng những rủi ro về nợ xấu.