Tưởng không liên quan nhưng cuộc chiến giữa Uber và Lyft lại khiến 2 tỷ phú hàng đầu Nhật Bản rơi vào thế đối đầu

04/03/2019 14:30 PM | Kinh doanh

Tuy Uber lớn mạnh hơn nhưng nhờ tập đoàn Rakuten của tỷ phú Hiroshi Mikitani, Lyft đang sử dụng một "vũ khí bí mật" để tăng tính cạnh tranh.

Cuộc cạnh tranh giữa 2 gã khổng lồ trong lĩnh vực gọi xe Uber và Lyft đang dần nóng lên khi cả 2 đều chuẩn bị IPO trong năm 2019. Tuy nhiên, có một "trận chiến" thậm chí còn có thể dữ dội hơn ở Mỹ, đó là tại Nhật Bản và nguyên nhân là vì cổ đông lớn nhất của họ đều ở Tokyo.

Ngày 1/3 vừa qua, hãng cung cấp dịch vụ gọi xe Lyft đã nộp đơn xin niêm yết trên sàn Nasdaq với kỳ vọng huy động được 100 triệu USD từ IPO. Theo bản cáo bạch của hãng, tập đoàn thương mại điện tử và internet Rakuten sở hữu 13% công ty. Trong khi đó, năm ngoái SoftBank đã mua khoảng 15% cổ phần Uber.

Trong nửa thập kỷ qua, Uber và Lyft đã nhận hàng tỷ USD từ các công ty đầu tư mạo hiểm, quỹ phòng hộ hay tập đoàn đa quốc gia để tăng cường phát triển trước khi IPO.

Tưởng không liên quan nhưng cuộc chiến giữa Uber và Lyft lại khiến 2 tỷ phú hàng đầu Nhật Bản rơi vào thế đối đầu - Ảnh 1.

Cuộc cạnh tranh giữa Uber và Lyft ngày một gay gắt trong bối cảnh 2 công ty đều chuẩn bị IPO trong năm 2019.

Người sáng lập và CEO của Rakuten, ông Hiroshi Mikitani cho biết trong thông cáo báo chí năm 2015 khi đầu tư 300 triệu USD vào Lyft: "Chúng tôi đã nhìn thấy tương lai và đây chính là tương lai. Chúng tôi tin các doanh nghiệp như Lyft sẽ khai thác tốt tiềm năng tiềm ẩn trong con người và xã hội".

Mikitani không biết rằng mình sẽ sớm đối đầu với tỷ phú đồng hương Masayoshi Son trong lĩnh vực gọi xe. Theo dữ liệu của Bloomberg, Son hiện là người giàu thứ 3 tại Nhật với tài sản ròng 17,1 tỷ USD còn Mikitani đứng thứ 6 với 4,86 tỷ USD.

Son có lợi thế hơn nhiều kể từ khi ra mắt Vision Fund năm 2017 với lời hứa sẽ rót hàng trăm triệu USD và đôi khi là hàng tỷ USD vào các công ty công nghệ trên khắp thế giới. Mặc dù vậy, trong cuộc cạnh tranh giữa Uber và Lyft, Mikitani đang có cách tiếp cận thực tế hơn.

SoftBank đã được trao hai vị trí trong hội đồng quản trị Uber với khoản đầu tư của mình nhưng tỷ phú Son nhiều khả năng sẽ không trở thành thành viên hội đồng. Còn Mikitani đã là thành viên hội đồng quản trị của Lyft từ khi đầu tư vào công ty này cách đây 4 năm. Theo bản cáo bạch, ông được chọn vị "kinh nghiệm điều hàng và quản lý sâu rộng của mình với các công ty công nghệ lớn". Mikitani là một cố vấn quan trọng của Lyft và từng xuất hiện cùng người đồng sáng lập John Zimmer trong hội nghị công ty năm ngoái.

Vũ khí bí mật của Rakuten: Tập đoàn của Mikitani đã mua lại Slice, công ty công nghệ cung cấp ứng dụng giúp người dùng theo dõi các giao dịch mua hàng trực tuyến. Dữ liệu của họ còn cho biết cách và những nơi người dùng đang tiêu tiền vào.

Thông qua Slice, Rakuten nhận thấy rằng Lyft đã có ưu thế khi chiếm một phần đáng kể trong chi tiêu của mọi người. Đây là thông tin bảo mật được tiết lộ bởi 2 nhân vật yêu cầu giữ kín danh tính. Đại diện của Lyft và Rakuten đều không trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề này.

Slice giờ đây được biết đến với tên gọi Rakuten Intelligence và là nguồn dữ liệu thị phần chính mà Lyft sử dụng khi thuyết phục các nhà đầu tư. Trong bản cáo bạch, Lyft cho biết thị phần của hãng trên thị trường gọi xe ở Mỹ đã tăng lên 39% vào tháng 12/2018 so với 22% cách đây 2 năm.

Rakuten đang nhanh chóng tăng cường sự ảnh hưởng của mình tại Mỹ. Tập đoàn đã mua lại công ty Ebates với giá 1 tỷ USD năm 2014 và tiếp tục mua startup đặt hàng di động Curbside năm ngoái. Năm 2017, Rakuten đã ký hợp đồng hợp tác 3 năm với NBA trị giá 60 triệu USD. Ngoài ra, họ còn mở một chi nhánh mới của viện nghiên cứu tại San Mateo vào tháng 4/2018.

Tuy Mikitani và Son là đối thủ của nhau trong cuộc cạnh tranh giữa Lyft và Uber nhưng họ cũng có thể sớm hợp tác với nhau. Theo Bloomberg, Rakuten là nhà đầu tư vào Careem, một công ty cung cấp dịch vụ gọi xe có trụ sở tại Dubai đang đàm phán để bán lại cho Uber với giá 3 tỷ USD.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM